Chăn nuôi

Đề nghị tạm dừng dự án xóa rừng để nuôi bò

Ngày đăng: 2017-04-01 08:31:24


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Yên tạm dừng ngay việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác thuộc dự án chăn nuôi bò

Chiều 30-3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Chưa thực hiện nghĩa vụ

Bộ NN-PTNT cho biết đã nhận được báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đối với thông tin phản ánh của báo chí về việc chuyển đổi diện tích rừng sang mục đích khác thuộc dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Bộ NN-PTNT cho biết chưa nhận được hồ sơ của dự án; đồng thời, ngày 24-3, Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo Cục Kiểm lâm kiểm tra tình hình triển khai dự án này.

Theo Bộ NN-PTNT, ngày 30-12-2015, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Chăn nuôi bò thịt và bò sữa” của Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên (Công ty Thảo Nguyên); dự án này sau đó đổi tên thành “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao”. Ngày 15-9-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Theo các quyết định trên, quy mô diện tích và đề xuất chuyển đổi rừng thực hiện dự án cụ thể: diện tích quy hoạch: 939,10 ha; diện tích đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng: 662,61 ha. Ngày 24-12-2016, UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường và quyết định về thu hồi đất, cho thuê đất và sau đó ký quyết định về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp để thực hiện dự án này. Trong đó, tổng diện tích đất thu hồi và cho thuê: 463,37 ha; diện tích được phép chuyển đổi: 377,73 ha.

Ngày 28-11-2016, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép khai thác tận dụng, diện tích 271,84 ha rừng tự nhiên (trong đó có 235,14 ha rừng nghèo và 36,7 ha rừng trung bình; khối lượng gỗ tận thu: 2.725,1 m3 gỗ tròn, 10.065,5 ster củi). Ngày 20-1-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên bàn giao đất trên thực địa cho Công ty Thảo Nguyên.

“Hiện UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép khai thác trắng khoảng 11 ha rừng” - báo cáo của Bộ NN-PTNT nêu rõ và khẳng định đến nay UBND tỉnh Phú Yên chưa phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định.

Việc đốn hạ cây rừng để giao đất cho dự án chăn nuôi bò đang được lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định là đúng quy trìnhẢnh: Đức Nhuận
Việc đốn hạ cây rừng để giao đất cho dự án chăn nuôi bò đang được lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định là đúng quy trìnhẢnh: Đức Nhuận

Sẽ thanh tra toàn diện

Bộ NN-PTNT cho rằng thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Bí thư Trung ương Đảng; các bộ ngành, địa phương đang tích cực và nghiêm túc thực hiện, được các cơ quan truyền thông quan tâm, người dân đồng tình ủng hộ.

“Trong thời điểm này, việc cho phép triển khai thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đã tạo ra băn khoăn trong dư luận, với nhiều ý kiến chưa đồng thuận” - văn bản nêu rõ.

Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên trước mắt tạm dừng ngay việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác thuộc dự án này để rà soát việc triển khai thực hiện theo đúng quy định, khẩn trương đề xuất giải pháp và báo cáo Thủ tướng; đồng thời, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án có chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức thanh tra việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao”.

Thông tin cuối ngày 31-3 cho biết Tổng cục Lâm nghiệp vừa có quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” tại xã Sông Hinh. Thời gian thanh tra trong 30 ngày.

Ngày 31-3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ phản ánh việc phá rừng để triển khai dự án nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Nếu đúng phải xử lý nghiêm, báo cáo kết quả kiểm tra cho Thủ tướng trước ngày 20-4.

Vẫn triển khai!

Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên đã thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tại buổi hội ý của lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan về một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” do Công ty Thảo Nguyên làm chủ đầu tư.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà khẳng định chủ trương đầu tư dự án này với mục tiêu chăn nuôi bò thịt, cung cấp con giống và giết mổ chế biến thịt là để tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, được đồng thuận và ủng hộ cao. Công tác triển khai dự án bảo đảm đúng quy trình, thực hiện hoàn chỉnh các bước, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp. Những việc còn lại trong dự án này, kể cả việc chưa hoàn thiện phương án trồng rừng thay thế vẫn cho đốn hạ cây rừng tự nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng đấy chỉ là một số công việc làm chưa tốt trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thống nhất cho phép Công ty Thảo Nguyên hoàn tất phương án trồng rừng thay thế với diện tích khoảng 270 ha đã được khảo sát; phần diện tích còn lại (gần 114 ha) cho phép nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Phát triển rừng của tỉnh để thực hiện trồng rừng thay thế. Trong đó, ưu tiên trồng rừng với chức năng rừng phòng hộ. Phương án trồng rừng thay thế hoàn thành trước ngày 7-4.

Tr.Đức

Gia Lai, Đắk Lắk hợp tác giữ rừng

Ngày 31-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại các vùng giáp ranh.

Ông Bùi Đức Việt, đại diện Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, cho biết giữa 2 tỉnh có vùng giáp ranh dài khoảng 155 km, thuộc 5 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk. Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trữ lượng gỗ lớn, nhiều loại động thực vật quý hiếm đặc hữu của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, khu vực này còn có tác dụng phòng hộ đầu nguồn của các con sông lớn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Chính vì vậy, khu vực này dễ bị các đối tượng phá rừng xâm hại, hành vi chủ yếu là phá rừng làm nương rẫy, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.

Ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp (Đắk Lắk), cho rằng dân cư tại vùng rừng giáp ranh đa phần không có công việc ổn định, hoàn cảnh khó khăn nên thường lợi dụng sơ hở của các ngành chức năng để vào rừng khai thác lâm sản trái phép.

Thời gian qua, 2 tỉnh đã có nhiều biện pháp, quy chế phối hợp nhằm ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật, đặc biệt sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, các khu vực rừng giáp ranh của tỉnh vẫn bị tàn phá.

Theo ông Kpah Thuyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, có thực trạng người dân tỉnh Gia Lai qua Đắk Lắk để khai thác gỗ, ngược lại người dân Đắk Lắk thì qua Gia Lai lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Để xảy ra việc này là do chính quyền và các ngành chức năng chưa phối hợp tốt; địa hình phức tạp nên việc tuần tra, kiểm soát không kịp thời, không đạt hiệu quả cao; chưa tổ chức vào các vùng sâu, vùng xa để ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm; các đơn vị chủ rừng buông lỏng công tác bảo vệ rừng để các phương tiện, người dân ra vào rừng mà không có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Hoàng Thanh


Theo Văn Duẩn / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :