Chăn nuôi

Đừng nên lao vào xuất khẩu lợn thịt sống

Ngày đăng: 2017-06-12 07:25:32


Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Tám (ảnh) – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng doanh nghiệp (DN) đừng lao vào xuất khẩu lợn sống qua Trung Quốc hay các thị trường khác mà cần hướng tới xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến.

 
 

Thưa ông, câu chuyện lợn thịt bị ứ đọng, rớt giá thê thảm vì bế tắc xuất khẩu (XK) vẫn còn rất nóng hổi. Thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ làm gì để thúc đẩy XK sản phẩm chăn nuôi?

dung nen lao vao xuat khau lon thit song hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ NNPTNT khuyên các doanh nghiệp nên tập trung vào sản phẩm đông lạnh, ướp lạnh thay vì xuất khẩu thịt lợn sống (ảnh minh họa). Ảnh: Lê San 

Tôi đề nghị Cục Thú y đẩy mạnh đàm phán với cơ quan thú y của các nước để chúng ta mở thị trường XK Cục Thú y thường xuyên cung cấp thông tin lên trang web của Cục, của Bộ để DN cập nhật thông tin hàng ngày. Cục Thú y phải cùng các địa phương để hỗ trợ DN bằng cách xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu thị trường, thường xuyên giám sát hỗ trợ vùng nguyên liệu kết nối với các DN”. 

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT

- Hiện nay ngành chăn nuôi đang thực hiện tái cơ cấu, chúng ta phải đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là kiểm dịch, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như XK. Chúng ta phải tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong chăn nuôi để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Nếu chúng ta đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch cũng như an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu mà sản phẩm giá thành cao thì không thể cạnh tranh được. Cho nên bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch an toàn thực phẩm thì phải làm sao để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Hiện nay điều quan trọng đối với ngành chăn nuôi là phải tổ chức sản xuất. Nhà nước phải hỗ trợ DN xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, giúp các hộ nông dân kết nối lại, hợp tác liên kết với nhau dưới mô hình hợp tác như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội để DN có đầu mối kết nối. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc kết nối giữa DN với người nuôi, đặc biệt là chúng ta còn sản xuất theo nông hộ, việc tổ chức lại sản xuất rất quan trọng, bên cạnh đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật của những thị trường XK.

Như ông nói, Nhà nước phải hỗ trợ DN xây dựng được vùng cơ sở an toàn dịch bệnh. Vậy hiện nay chúng ta kiểm soát dịch bệnh trên gia súc gia cầm ở mức nào, thưa ông?        

- Từ năm 2013 đến nay, chúng ta đã tiếp cận với những phương thức về quản lý dịch bệnh tương đối hiện đại tương thích với các nước. Chúng ta đã có những sự hỗ trợ của các nước tiên tiến, chúng ta cũng chủ động lấy mẫu giám sát, lập bản đồ dịch tễ và kiểm soát xây dựng những vùng cơ sở an toàn dịch bệnh và nhờ việc lấy mẫu giám sát dịch tễ.

Chúng ta có bản đồ dịch tễ, biết được sự lưu hành của các loại virus, từ đó thông báo chủ động nhập khẩu vaccine về để phòng bệnh từ xa. Có thể nói, đến nay chúng ta chuyển từ phòng chống dịch bệnh bị động sang chủ động bằng việc đưa các cơ sở khoa học vào phân tích, cho nên chỉ còn dịch bệnh mang tính nhỏ lẻ ở các hộ điểm giết mổ rất nhỏ. Mấy năm gần đây chúng ta không có dịch lớn chỉ có dịch nhỏ lẻ và đã khống chế kịp thời.

Theo ông, cần có những biện pháp nào để “mở đường” giúp các DN đang có khát vọng mong muốn XK sản phẩm chăn nuôi đến được các thị trường nước ngoài?

- Qua kinh nghiệm những năm qua cũng như phân tích tình hình thị trường trong nước, quốc tế cùng điều kiện chăn nuôi của Việt Nam, có thể thấy rằng trước hết cần quan tâm đến vấn đề giống. Chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, không nên tập trung quá lớn vào một sản phẩm nào, như thế sẽ dẫn tới cung vượt cầu. Như câu chuyện thịt lợn giảm giá sâu vừa qua là một ví dụ điển hình. Khi tập trung quá nhiều vào một sản phẩm chăn nuôi, chỉ cần thị trường bên ngoài ngừng nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn. Tới đây người nuôi, DN, cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để có thông tin minh bạch, trao đổi cập nhật thông tin thường xuyên kịp thời hơn.

Thứ hai, đối với sản phẩm chăn nuôi, có lẽ chúng ta hiện nay chưa hoàn toàn kiểm soát hết dịch bệnh, chúng ta vẫn có vài ổ dịch nhỏ lẻ, tức là chúng ta vẫn còn dịch. Vậy chúng ta không nên lao vào xuất sản phẩm chăn nuôi tươi sống ngay mà ưu tiên xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến. Ngay như nước Thái Lan cũng chưa được phép XK sản phẩm tươi sống, chủ yếu vẫn là chế biến. Cho nên chúng ta đừng lao vào xuất khẩu lợn sống qua Trung Quốc hay các thị trường khác, chúng ta sẽ bị vướng ngay.

Nhóm sản phẩm thứ hai chúng ta cần tập trung là sản phẩm thịt đông lạnh, ướp lạnh như lợn mảnh, lợn sữa và một số sản phẩm khác. Vậy thì các DN cần củng cố lại, muốn XK được cần phải có đầu tư đồng bộ thì mới đáp ứng được. Sau đó chúng ta xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, lúc đó chúng ta sẽ tiến đến XK một số sản phẩm sống. Khi đã xuất động vật sống là phải rất nghiêm ngặt về an toàn dịch bệnh. Đó là hướng đi cần thiết để chúng ta có chiến lược xuất khẩu, có đầu tư, có chính sách phù hợp.

Vậy thời điểm này Bộ NNPTNT cần có động thái gì để hỗ trợ DN, người chăn nuôi?

- Nếu các DN có nhu cầu, có khả năng có khát vọng xuất khẩu, Bộ NNPTNT sẽ duy trì  định kỳ hàng năm những cuộc hội nghị để lắng nghe các DN cùng sự tham gia của các địa phương, các nhà quản lý, nhà khoa học. Để đảm bảo cho việc hỗ trợ DN, quan trọng nhất bây giờ chúng ta phải đáp ứng được rào cản kỹ thuật. Bộ NNPTNT cũng giao cho Cục Thú y trước hết củng cố và phát huy tổ công tác.

Tổ công tác này do Cục trưởng Cục Thú y làm tổ trưởng, có đại diện Cục Chăn nuôi và các đơn vị khác liên quan để sát cánh cùng DN. Nếu DN nào có nhu cầu, có khát vọng xuất khẩu, sau khi có đàm phán của Cục Thú y và các nước nhất trí rồi, lúc bấy giờ vai trò quan trọng thuộc về các DN, các DN làm đề án và gửi Cục Thú y, từ đó Cục sẽ cử người và tổ công tác xuống DN cùng DN giải quyết từng vấn đề một.

Ngoài ra, đối với các DN, sau khi Cục Thú y đã mở cửa thị trường, các DN phải tìm được đối tác của mình ở những thị trường XK, sau đó cùng đối tác tiến hành thực hiện các yêu cầu chi tiết để vượt qua rào cản kỹ thuật. Tôi cho rằng vai trò của các DN là rất quan trọng trong việc tiến sâu vào các thị trường đã mở cửa. Các DN phải tập trung làm quyết liệt thì mới tiến sâu vào thị trường các nước Âu, Á được.

Xin cảm ơn ông! 


Theo Đình Thắng / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :