Chăn nuôi

Hà Nội: Mê Linh lên phương án báo động bảo vệ đàn lợn 70.000 con

Ngày đăng: 2019-03-08 06:44:14


Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, mặc dù trên địa bàn huyện chưa xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, nhưng chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc này, hiện đã lên phương án dự phòng xử lý cho đàn lợn khoảng 70.000 con. 

 
 

Mới đây, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đã thông tin về tình hình kinh tế xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: hiện dịch tả lợn châu Phi được rất nhiều người quan tâm. Theo đó, ngay từ khi Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như TP có chỉ thị UBND huyện đã đưa ra các kế hoạch, giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.

“Sau khi ban hành các văn bản chỉ đạo, chúng tôi thành lập 2 đoàn kiểm tra cấp huyện đi kiểm tra tất cả các xã. Trong các cuộc giao ban, lãnh đạo huyện cũng đã truyền đạt tới lãnh đạo cấp xã các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như thành phố về việc này. Toàn huyện lấy tinh thần phòng bệnh là chính. Trong đó đảm bảo vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu" - ông Quang nói.

ha noi: me linh len phuong an bao dong bao ve dan lon 70.000 con hinh anh 1

Ông Bùi Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh phát biểu tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 5.3.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cũng cho biết, mặc dù trên địa bàn huyện chưa xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, nhưng chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc này và đã lên phương án dự phòng xử lý nếu xuất hiện ổ dịch. 

"UBND huyện yêu cầu các xã chuẩn bị sẵn các phương án, xử lý tiêu độc khử trùng, chuẩn bị hố chôn lấp hợp vệ sinh môi trường. Việc chỉ đạo điều hành chống dịch tả lợn được huyện triển khai theo đúng quy định" - ông Quang nói và nhấn mạnh "cho tới thời điểm này chưa có bất cứ sự cố gì về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn".

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, hiện nay, địa phương đang giữ ổn định đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Cụ thể, toàn huyện có 70.000 con lợn, 850.000 con gia cầm và có 9.000 con trâu bò. 

Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến việc bao giờ Hà Nội công bố ổ dịch tả lợn châu Phi, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho biết, do phải có ý kiến của nhiều cơ quan chức năng nên "hiện nay chưa thể công bố dịch". Song, ông Hà cũng cho hay: "Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến sự việc này bởi vì liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân".

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, từ ngày 22-27.2.2019, sau khi xét nghiệm tại gia đình ông Nguyễn Thái Sơn - hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên, kết quả cho thấy: Toàn bộ 25 con lợn rừng được nuôi tại đây dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

ha noi: me linh len phuong an bao dong bao ve dan lon 70.000 con hinh anh 3

Lãnh đạo Hà Nội kiểm tra đàn lợn trên địa bàn thành phố.

Ngay sau đó, cơ quan Thú y TP.Hà Nội đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ 25 con lợn, áp dụng các biện pháp khoanh vùng, rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại của ông Sơn và của 4 hộ chăn nuôi xung quanh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay, Hà Nội rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi bởi, ngoài số hộ chăn nuôi nhiều thì Hà Nội còn là thị trường tiêu thụ lớn, giáp với 8  tỉnh, thành phố khác nên nguy cơ lây lan, phát tán dịch là rất cao.

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội sẵn sàng lấy kinh phí dự phòng để kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, thành phố kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân lén vứt lợn bệnh ra sông ngòi.

Hiện, TP cũng đang kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các địa phương lân cận vào nội đô, tăng cường kiểm soát thức ăn thừa tại các cơ sở ăn uống. Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền mạnh để người dân hiểu rõ về bệnh dịch, chủ động các biện pháp phòng chống và không hoang mang, tẩy chay thịt lợn.

Đại diện lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, từ nguồn kinh phí dự phòng của các tỉnh, TP. Mức hỗ trợ có thể cao hơn giá quy định hiện tại (38.000 đồng/kg), tức theo giá tại thời điểm thực tế xảy ra dịch bệnh để người dân chấp hành tốt quy định, tránh bán chạy khi có lợn ốm, chết; Tăng cường quản lý xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật.


Theo Thành An / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :