Chăn nuôi

Mười năm mơ ước xuất khẩu thịt

Ngày đăng: 2017-02-15 08:41:58


Năm 2007, ngành chăn nuôi kỳ vọng sẽ xuất khẩu thịt đã qua chế biến vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, sản phẩm thịt của Việt Nam vẫn chưa thể xâm nhập được thị trường này. Rào cản ở đây không phải là giá bán mà là dịch bệnh.

 

Heo được nuôi ở một trang trại tại Đồng Nai. Ảnh: NH

Vẫn là mơ ước

Năm 2007, một số tờ báo đưa tin Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra dự thảo quy định nhập khẩu các mặt hàng chế biến từ thịt của Việt Nam với 29 điều kiện kèm theo. Theo đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ những điều kiện này, họ có thể xuất khẩu sản phẩm chế biến từ thịt sang thị trường khó tính này.

Song ở thời điểm đó, lý do Việt Nam chưa thể xuất khẩu thịt heo sang Nhật Bản là vì Việt Nam bị xếp vào danh sách những nước có dịch lở mồm long móng trong chăn nuôi gia súc.

Kể từ đó đến nay, ước mơ xuất khẩu thịt heo sang Nhật vẫn chỉ là mơ ước. Dịch bệnh vẫn là rào cản mà ngành chăn nuôi chưa thể giải quyết được.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, cho biết một trong những quy định quốc tế là thịt heo xuất khẩu phải đảm bảo sạch, không có kháng sinh. Vì thế, căn cứ trên tình hình chăn nuôi của Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi heo thì rất khó để nghĩ đến chuyện xuất khẩu thịt heo sang những nước như Nhật Bản.

Thực ra, không phải cơ quan quản lý không nhìn thấy điều này. Trên thực tế, tháng 8-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có đề án Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014-2018. Theo đề án này, bảy tỉnh sẽ phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh. Đây là những tỉnh có tổng đàn gia cầm, gia súc lớn của cả nước.

Ngay cả TPHCM, địa phương không có thế mạnh về chăn nuôi heo, trong năm 2015, nhờ hỗ trợ từ dự án Cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) TPHCM do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam tài trợ, đã có được vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi tại chín xã thuộc hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sau khi các xã này áp dụng tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap).

Tuy nhiên, vùng an toàn dịch bệnh của TPHCM chủ yếu để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, còn vùng an toàn dịch dịch bệnh theo đề án nói trên đến nay đã đi được hơn một nửa đoạn đường, nhưng theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn của cơ quan quản lý.

Theo ông Công, nếu vùng an toàn dịch bệnh chưa làm được thì phải làm cho được, lúc đó mới bàn tiếp chuyện xuất khẩu thịt heo. “Muốn xuất khẩu được thịt heo, Việt Nam phải có vùng an toàn dịch bệnh, và vùng an toàn dịch bệnh đó phải lớn chứ không phải ở một huyện. Một khi chúng ta chưa có vùng an toàn dịch bệnh, xin đừng nói đến xuất khẩu thịt heo”, ông Công nói.

Kỳ vọng vào con gà

Ngày 26-10-2016, Bộ NN&PTNT đã có quyết định số 4377/QĐ-BNN-TY phê duyệt kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu. Mục tiêu là xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong đó có lộ trình cho việc xuất khẩu thịt gà. Cụ thể, trong năm 2017 sẽ có ít nhất một doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, mục tiêu này sẽ đạt được vì hiện tại đã có Công ty Koyu & Unitek của Nhật đến Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy và vùng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm thịt gà để xuất sang thị trường Nhật Bản.

Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ kỳ vọng, những hợp đồng xuất khẩu thịt gà của Koyu & Unitek là tiền đề để cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu thịt gia cầm đã qua chế biến đến một số quốc gia trong khu vực.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện đã có một số quốc gia, vùng lãnh thổ phát đi thông điệp muốn nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam trong những năm tới, bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, để xuất khẩu thịt gà, điều bắt buộc là gà phải được nuôi trong một chu trình khép kín và được kiểm soát dịch bệnh. Với năng lực của các công ty chăn nuôi trong nước, điều này sẽ khó thực hiện được nếu không có sự hợp tác với những đối tác trong ngành.

Điều này cũng được Công ty cổ phần Hùng Nhơn ở tỉnh Bình Phước nhận ra. Chủ tịch HĐQT công ty, ông Vũ Mạnh Hùng, cho biết để xây dựng một chu trình chăn nuôi khép kín, công ty liên kết với Công ty De Hues (Hà Lan) chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và Công ty TNHH Bel Gà (Bỉ) để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín.

Dự kiến, tổ hợp chăn nuôi này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu con gà thịt, trong đó các bộ phận như cánh, đùi sẽ bán trong nước, còn ức sẽ xuất sang thị trường Mỹ. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch, còn tương lai thì...


Theo Ngọc Hùng / TBKTSG





TIN TỨC KHÁC :