Chăn nuôi

NÓI THẲNG: Thủ khoa chăn lợn, không thủ khoa làm gì?

Ngày đăng: 2017-10-11 07:43:45


Cứ mỗi mùa tuyển sinh, nghe tin học sinh nào đó nhà nghèo, chăn bò nhưng đỗ thủ khoa 2-3 trường đại học, tôi thường ít vui, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực.

Dòng suy nghĩ ngược ấy là: Có khi sẽ phải nghe những thông tin chua chát về thủ khoa 2-3 trường đại học năm nào bây giờ phải về quê chăn bò vì không tìm được việc làm.

Chẳng phải chỉ là suy đoán hay lý thuyết suông gì nữa, thực tế đã phơi bày hàng chục, hàng trăm trường hợp khôi nguyên phải xất bất xang bang tìm việc; ở chốn thị thành nhiều cơ hội tuyển dụng mà vẫn thất nghiệp triền miên, đành quy cố hương với mấy việc cũ như chăn bò, nuôi lợn ngày nào.

Mới nhất, Bùi Thị Hà - thủ khoa Trường ĐH Sư phạm 2 - ngậm ngùi trở về quê nhà Hà Giang chăn lợn, chờ xin việc.

Chăn lợn thực ra chẳng có gì xấu hổ nhưng đáng nói là bởi việc ấy ai cũng làm được, chẳng cần phải qua 4 năm đại học, chẳng cần đến cử nhân sư phạm, nói gì đến thủ khoa hay á khoa. 

Hà phải làm cái việc bất đắc dĩ ấy bởi em đang thất nghiệp. Cho dù đã có nhiều lời mời tuyển dụng từ vài đơn vị giáo dục ngoài công lập và Hà từ chối là vì muốn được về làm việc ở quê để tiện chăm sóc mẹ già song hình ảnh nữ thủ khoa sư phạm về quê chăn lợn vẫn gây cảm giác đắng đót làm sao!

Và đắng đót cũng bởi khoảng chỉ một năm trước thôi, thủ khoa vùng cực Bắc này được vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi suy tôn sự học và xiển dương hiền tài!

Cũng bởi chúng ta biết đâu chỉ có Bùi Thị Hà, hàng trăm ngàn cử nhân trên cả nước đang ngày ngày chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ chen chân vào thị trường lao động, trong đó lượng cử nhân sư phạm rất đông, theo ước tính của các cơ quan chuyên môn đến năm 2020 là khoảng 70.000 người.

Tôi có cô em họ, tốt nghiệp cử nhân sư phạm Vật lý ở Huế rồi ở không suốt 3 năm. Nghe bất cứ nơi nào cần giáo viên, dù chỉ là dạy hợp đồng, cô ấy đều lặn lội đến ứng thí nhưng vì số lượng ứng viên quá đông, lại quen biết gửi gắm cả rồi, nên lần nào cô cũng trượt.

Bạn bè, người quen khuyên nên "đi miền núi", cũng đi. Lần nọ, huyện miền núi cần 1 giáo viên Vật lý cho khối THPT, cô ấy là cử nhân đại học lẽ ra được ưu tiên, và ứng viên "đối thủ" thì yếu thế hơn bởi chỉ là cử nhân cao đẳng. Nhưng rồi cô em họ tôi cũng trượt vì miền núi thì... ưu tiên giáo viên miền núi.

Cô em họ tôi thất thểu trở về, mãi sau mới xin được chân bán vé tại một điểm du lịch xoàng. Mới đây, tôi về thăm; thấy tôi ái ngại, cô ấy bảo: "Cử nhân sư phạm Vật lý xin đi bán vé mà còn bị họ chê đó anh. Nhiều bạn bè lớp em cũng vậy nên em thấy... bình thường. Thủ khoa còn đi chăn lợn thì sá chi em". Thua!

Bán sức lao động, bán chất xám, bán kỹ năng và cả giá trị vô hình đó là "thương hiệu" người thầy, thế mà chẳng mấy người mua. Bùi Thị Hà là thủ khoa mà đã vậy, huống chi hàng chục ngàn trường hợp còn lại…

Muốn có được một chân ở trường công, cử nhân sư phạm phải qua thi tuyển công chức giáo dục tại địa phương. Mà cửa biên chế cực hẹp, lại lắm tiêu cực nên chẳng mấy người lọt qua được. Bùi Thị Hà cũng thế, phải chờ ít nhất đến đầu năm sau tỉnh Hà Giang mới tổ chức thi tuyển. Cũng không loại trừ thủ khoa sư phạm này sẽ bị trượt vỏ chuối, biết đâu!

Vả như có nơi này nơi kia hay tin thủ khoa thất nghiệp liền mời về làm việc, ví dụ như Bùi Thị Hà, thì thực ra cũng chỉ là hạt muối bỏ bể, bởi vì số trường hợp như thế quá nhiều, lo sao cho xuể. Do đó, mỗi lần như vậy, người ta nghĩ nơi tuyển dụng có chủ ý đánh bóng tên tuổi nhiều hơn là sự thành tâm.

Những điều đang diễn ra trước mắt buộc chúng ta phải đặt hàng loạt câu hỏi thẳng thắn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bộ phải làm gì để chung tay chặn dòng cử nhân sư phạm đang bế tắc về công ăn việc làm? Đã vậy, riêng năm 2017, các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu. Họ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp?

Dẫu biết giải quyết việc làm không phải là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo nhưng lẽ nào cứ nhắm mắt tuyển sinh bất chấp nhu cầu nhân lực của thị trường đang khủng hoảng thừa. Năm nay, nhiều trường tuyển sinh đầu vào ngành giáo viên chỉ với 9 điểm, tức chỉ 3 điểm mỗi môn là có cơ hội trở thành cử nhân sư phạm sau 3-4 năm!

Người thầy là trung tâm của chất lượng giáo dục và đào tạo mà như thế này ư?

 

Nhắm mắt mà học, nhắm mắt mà thi, nhắm mắt mà chọn ngành, nhắm mắt mà tuyển sinh..., rốt cuộc là cùng dẫn dắt vào một ngõ tối bức bí. Biết tối đen "như cái tiền đồ của chị Dậu" mà vẫn lao vào. Giáo dục khai sáng, khai phóng, khai trí và khai minh là đây sao?!

Thôi đành chốt hạ vấn đề trong tiếng thở dài bất lực, như nỗi lòng người trong cuộc đang vô công rỗi nghề: Thủ khoa đầu vào lẫn thủ khoa đầu ra cũng đều thất nghiệp "sặc máu", vậy thì đòi hỏi chất lượng làm gì cho mệt!

 


Theo Y Qua / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :