Chăn nuôi

Nông dân làm giàu từ nuôi bò sữa

Ngày đăng: 2017-02-11 07:06:49


Tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Dương Văn Hùng ở xã Phượng Cách (Quốc Oai), chắc hẳn nhiều người ngỡ ngàng. Khởi nghiệp với 2 con bò, sau vài năm gắn bó với nghề, gia đình ông đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ông Dương Văn Hùng cho biết, thấy nhiều nơi thành công từ mô hình nuôi bò sữa, cuối năm 2007 ông bàn với người thân trong gia đình mua bò sữa về nuôi. “Nghề nào cũng vậy, khi mới bắt tay vào làm bao giờ cũng gặp vô vàn khó khăn bởi chưa có kinh nghiệm, vốn ít, do vậy, khởi nghiệp tôi chỉ mua 2 con về nuôi thử nghiệm” - ông Hùng chia sẻ.

Thuận lợi cho gia đình ông Dương Văn Hùng, thời điểm đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Tây (nay là Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) tạo điều kiện cho được đi học kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa tại các huyện Thanh Oai, Ba Vì, Gia Lâm. Không những thế, gia đình ông Hùng còn được tham gia chương trình Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa Việt - Bỉ. Với sự đam mê chăn nuôi gia súc, lại chịu khó học hỏi, ông Hùng hiểu rõ chăn nuôi bò sữa không đơn giản như mọi người nói. Ông Hùng bắt đầu tìm hiểu từ những người thất bại trong chăn nuôi bò sữa và thấy rằng cái chính dẫn đến thất bại vẫn là thiếu kiến thức, vì chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò sữa, ông Hùng cho hay: Giống bò sữa chỉ ưa dùng một loại thức ăn là cỏ VA06. Tuy nhiên, muốn bò cho sản lượng sữa cao nhất, chất lượng tốt nhất, đạt yêu cầu kiểm định của Công ty cổ phần Sữa Ba Vì thì thức ăn cho bò phải bao gồm cả thức ăn xanh, thức ăn khô và tinh bột; chuồng trại phải luôn thoáng đãng, sạch sẽ; người nuôi cần chọn con giống tốt và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hằng ngày...

Kể từ thời điểm chăn nuôi thử nghiệm bò sữa đến nay, gia đình ông Hùng đang là người đi đầu của gần 20 hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Phượng Cách với tổng đàn 60 con. Ông Hùng tiết lộ: Để bò sữa hằng ngày khỏe mạnh và cho sữa đều đặn, thì phải bảo đảm có nguồn cỏ sạch, an toàn hoặc nguồn thức ăn như thân cây ngô, lá ngô, cây họ đậu...

Chủ tịch UBND xã Phượng Cách Nguyễn Đắc Hải cho biết: Gia đình ông Dương Văn Hùng là một điểm sáng về phát triển chăn nuôi nông hộ để mọi người học tập. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, năm 2012, xã Phượng Cách đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa. Qua đó, người dân xã Phượng Cách đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng lâu dài cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, từ đó làm nền tảng để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống cho người dân, qua đó, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.


Theo Phúc Bản / Hà Nội Mới





TIN TỨC KHÁC :