Chăn nuôi

Nuôi dê, thu 2 tỷ đồng/tháng

Ngày đăng: 2017-02-13 07:10:07


Rời bỏ vị trí quản đốc tại một công ty xuất nhập khẩu ở TPHCM với mức lương cao, cử nhân Quản trị kinh doanh Phạm Văn Hưng trở về cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) cùng người thân mở trang trại chăn nuôi dê núi đầu tiên trên vùng đất này.

Nuôi dê công nghệ cao

Năm 2013, nhận thấy chăn nuôi dê là mô hình kinh tế tiềm năng nên chàng trai tuổi 30 Phạm Văn Hưng rời TPHCM, tìm đến một số trang trại để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, Hưng trở về quê hương (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, Lâm Đồng) vận động anh em trong gia đình phá bỏ vườn cà phê, cùng nhau lập trại chăn nuôi dê rộng 3 ha. Hưng sang Thái Lan học kỹ thuật, chọn mua hàng trăm con dê giống Boer về nuôi.

Vạn sự khởi đầu nan, mặc dù đã kỳ công chăm sóc nhưng sau 4 tháng, đàn dê chậm phát triển và thường xuyên bị bệnh. Đàn dê 300 con giảm dần, còn gần 200. Nhiều người nghi ngại về mô hình chăn nuôi này, người thân cũng bàn lui trước áp lực lớn về vốn. Không nản chí, Hưng tìm thuê những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm ở các nơi về theo dõi, xử lý sự cố, chăm sóc đàn dê và chuyển giao kỹ thuật. “Qua đó, bản thân mình cũng có cơ hội học hỏi để có kỹ năng chuyên sâu hơn trong lĩnh vực này”, Hưng nói.

“Kỹ thuật và đầu ra là hai điều quan trọng nhất khi triển khai mô hình chăn nuôi này. Nắm thật chắc kỹ thuật rồi mới triển khai đầu tư. Hoặc là hợp tác với những công ty lớn để được chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra”.

Phạm Văn Hưng

Các kỹ thuật viên ở trang trại cho biết, ưu điểm của dê Boer là ăn khỏe, tăng trọng nhanh, thân hình to lớn. Trọng lượng của dê đực có thể lên tới 60 - 70kg. Tuy nhiên, vì con giống được nhập về từ nước ngoài nên phải có cách chăm sóc phù hợp để dê nhanh chóng thích nghi với thời tiết, khí hậu tại nơi ở mới, trong đó chú trọng phòng chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại, như: phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng, dọn và xử lý phân, nước thải thường xuyên để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Sau khi làm chủ kỹ thuật và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, Cty TNHH dê núi Lâm Đồng do Phạm Văn Hưng làm giám đốc mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trang trại lên 5ha, xây dựng hoàn thiện mô hình chăn nuôi khép kín với vốn đầu tư cả chục tỷ đồng, bao gồm các khu vực chuồng trại, đồng cỏ, chế biến thức ăn… Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại thuận lợi cho việc gắn mã số riêng cho mỗi cá thể rồi theo dõi qua hệ thống máy tính. Thông tin của từng con được phân tích, tổng hợp để đưa ra các quyết định quản lý toàn bộ chu trình chăn nuôi, phân loại nhóm dê, luân chuyển đàn, quản lý sinh sản và phát hiện sớm dịch bệnh. Trang trại có các chuyên gia về dinh dưỡng, kỹ sư chăn nuôi và đội ngũ thú y chăm sóc đàn dê; quản lý chặt chẽ từ khâu cho ăn, phối giống, sinh sản đến phòng ngừa và chữa bệnh nên chất lượng dê giống, dê thịt đều đảm bảo trước khi xuất bán.

Doanh thu 2 tỷ đồng/tháng

Nói về bí quyết kinh doanh, Hưng khẳng định, công ty rất chú trọng công tác hậu mãi. Mỗi khi xuất bán dê giống đều cử kỹ sư đến tận nơi để hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ, chăm sóc, chữa bệnh… và nếu bà con yêu cầu, công ty sẽ thu mua lại sản phẩm sau quá trình chăn nuôi với giá thỏa thuận. Trang trại còn có chế độ bảo hành: Con dê nào được chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng đến khi đủ tháng (khoảng 10 tháng) mà không động dục thì khách hàng có thể trả lại cho công ty. Bởi chú trọng chất lượng và làm ăn uy tín nên trang trại này trở thành nơi cung cấp dê giống, dê thịt uy tín đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Trại dê của gia đình Hưng ngày càng phát triển. Hiện số lượng dê đã được nhân lên hơn 1.000 con. Bình quân mỗi tháng, công ty xuất bán khoảng 200 con dê giống và gần 100 con dê thịt. Giá dê giống trên dưới 10 triệu đồng/con, còn dê thịt hơn 4 triệu đồng/con. Doanh thu hơn 2 tỷ đồng/tháng. Nhiều nơi đặt mua dê thịt với số lượng lớn nhưng trang trại không đủ lượng hàng để cung cấp.

Phạm Văn Hưng dự định sắp tới mở rộng quy mô trang trại và tăng đàn lên 6-7 nghìn con; chú trọng hơn nữa đến khâu nuôi dê lấy sữa vì sữa dê hiện có giá cao, cung không đủ cầu và sẽ phối hợp đưa thịt dê sạch vào siêu thị. Việc bán phân dê cũng mang lại cho Công ty nguồn thu đáng kể.

Chính quyền địa phương đánh giá đây là mô hình chăn nuôi dê theo hướng trang trại đầu tiên ở Di Linh, đảm bảo vệ sinh môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên giới thiệu nhiều đoàn đến trang trại tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi dê núi. Trang trại tách biệt hẳn khỏi khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường. Đàn dê sinh trưởng tốt, nhiều triển vọng phát triển, hy vọng cung cấp nguồn giống tốt để bà con nông dân phát triển chăn nuôi dê tại địa phương.


Theo Kim Anh / Tiền phong





TIN TỨC KHÁC :