Chăn nuôi

Quản thực phẩm: Thiếu liên kết là hỏng!

Ngày đăng: 2017-08-14 07:02:36


Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chỉ đáp ứng được 20%-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập nên việc kiểm soát, quản lý gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của các tỉnh, thành

 

TP HCM đang ráo riết triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chất lượng thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, hướng tới bảo đảm cho người dân TP được tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn.

Từ cuối năm 2016 đến nay, các chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, rau củ đã được thực hiện và sắp tới sẽ áp dụng với các mặt hàng thịt, trứng gia cầm và nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Theo kế hoạch, từ ngày 1-1-2018, TP HCM sẽ kiểm soát toàn bộ chuỗi quy trình từ con giống, chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ. Trong giai đoạn hiện tại, đối với mặt hàng thịt heo, việc truy xuất nguồn gốc dừng lại ở khâu kiểm soát từ trại chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ ở kênh bán sỉ, bán lẻ. Từ ngày 31-7-2017, TP HCM chính thức áp dụng bắt buộc 100% thịt heo bán vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn (chiếm 85% lượng heo tiêu thụ trên thị trường TP HCM) phải truy xuất được nguồn gốc: ngoài các loại hóa đơn, chứng từ theo quy định của nhà nước, thịt heo vào chợ phải đeo vòng nhận diện và vòng này được kích hoạt đầy đủ thông tin theo quy định của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Quản thực phẩm: Thiếu liên kết là hỏng! - Ảnh 1.

Phần lớn thịt heo về chợ Bình Điền vẫn chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc Ảnh: Hoàng Triều

Mặc dù các công tác tuyên truyền hỗ trợ, tập huấn, kiểm tra, kiểm soát… liên tục được tổ chức từ tháng 12-2016 đến nay nhưng kết quả thu được còn rất khiêm tốn. Chỉ 35%-36% lượng heo về TP HCM có đầy đủ thông tin truy xuất từ trại chăn nuôi đến chợ sỉ (đó là chưa triển khai tới giai đoạn từ chợ sỉ đến chợ lẻ để tiểu thương mua thịt heo ở chợ lẻ có thể "soi" được nguồn gốc miếng thịt mình mua qua phần mềm ứng dụng trên smartphone). Một lượng lớn heo từ các tỉnh đưa về TP HCM tiêu thụ, nhiều nhất là từ Long An, chưa được truy xuất nguồn gốc. Không thể xử lý những vi phạm này bằng các chế tài mang tính pháp lý; các giải pháp "mềm" được triển khai như tăng cường chốt chặn, kiểm tra, lấy mẫu test nhanh chất cấm… đối với những xe chở heo không thực hiện đeo vòng truy xuất để xử lý vi phạm (nếu có) với hy vọng sẽ tạo áp lực buộc các chủ thể tuân thủ quy định của đề án. Đối với việc truy xuất nguồn gốc rau quả, các hợp tác xã lẫn người tiêu dùng đang "chóng mặt" với các loại tem truy xuất. Người tiêu dùng không quan tâm "soi" tem để đọc thông tin, cơ sở sản xuất, kinh doanh dán tem chiếu lệ theo yêu cầu của chương trình.

Cho rằng kiểm soát, quản lý chất lượng thực phẩm để từ đó nâng cao chất lượng sống cho người dân TP HCM là việc cần làm, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp rất ủng hộ chủ trương chung của TP. Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của các đề án cũng như hiệu quả quản lý của việc truy xuất nguồn gốc tới trại nuôi như hiện nay. Biết được miếng thịt, bó rau được cung cấp từ trại nuôi/trồng nào chưa đủ, quan trọng là phải biết được miếng thịt/bó rau đó đã được nuôi/trồng thế nào, hàm lượng ra sao, có nhiễm chất cấm không? Đó là chưa kể đến những bất cập do cơ cấu, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước còn phức tạp, có sự trùng lắp chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm người dân TP HCM tiêu thụ hằng ngày, ngoài việc truy xuất nguồn gốc, giải pháp liên kết với các tỉnh quy hoạch, xây dựng vùng nuôi trồng và kiểm tra chặt quy trình nuôi trồng, vận chuyển, phân phối, biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất chăn nuôi là tối cần thiết. Khi ý thức tiêu dùng tăng cao, người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì người sản xuất sẽ chủ động sản xuất "sạch" để bán cái mà thị trường cần chứ không chỉ bán cái mình có sẵn như hiện nay. 

Sẽ có hướng dẫn thống nhất

Hiện nay, trên thị trường chỉ có vài đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc nhưng hoạt động độc lập, mỗi nơi một kiểu, thiếu thống nhất, người tiêu dùng muốn sử dụng phải tải rất nhiều ứng dụng về điện thoại. Đến khi tra cứu thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua việc quét mã vạch trên sản phẩm cũng không thống nhất, mỗi nơi cung cấp một kiểu khiến người tiêu dùng thêm rối. Do đó, vừa qua, UBND TP HCM đã giao Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM chủ trì soạn thảo văn bản quy định về nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn. Hiện văn bản này dự thảo lần 3 và đang lấy ý kiến các sở, ngành trước khi trình UBND TP HCM phê duyệt.

Một thành viên ban soạn thảo cho biết nguyên tắc truy xuất nguồn gốc mà dự thảo đưa ra là phải theo dõi nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất - kinh doanh để có thể tìm được nguyên nhân khi xảy ra sự cố.

N.Ánh

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

Làm đúng quy định pháp luật

 

 

Ở các nước phát triển, thực phẩm không được phép bẩn. Ở Việt Nam, lâu nay chúng ta phải đi canh, chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát rất vất vả nên cách tiếp cận của TP HCM là phải làm tốt ngay từ gốc. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh muốn bán hàng ra nước ngoài hay vào các siêu thị đều phải đáp ứng tất cả yêu cầu, đòi hỏi về quy cách, chất lượng sản phẩm do nhà mua hàng đặt ra nhưng bán hàng ra kênh tiêu thụ truyền thống thì chưa chú ý đến vấn đề này.

Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng như một số đề án áp dụng đối với các mặt hàng thực phẩm khác sẽ được TP HCM triển khai mang tính chất tiên phong. Chúng tôi cố gắng suy nghĩ, hành động để qua đó đúc kết những bài học chung, trên cơ sở đó có thể kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định chung trên phạm vi cả nước.

Với đề án này, TP hoàn toàn không đặt tiêu chuẩn cao hơn hay đứng trên tiêu chuẩn chung của cả nước mà đang làm đúng theo quy định, dựa trên cơ sở pháp lý nhưng trước nay chưa ai làm. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng giúp các tỉnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tiến tới liên kết vùng.

Ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified):

Nhiều người không muốn minh bạch

 

 

Việc áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc giúp quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn nhưng thực tế là nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng thực phẩm không có động cơ để thực hiện do không có hoặc chưa thấy lợi ích về kinh tế. Nhiều đơn vị bán lẻ đang đẩy mạnh hàng nhãn riêng nên không muốn nhà cung cấp làm thương hiệu sản phẩm thông qua việc truy xuất nguồn gốc. Đơn vị phân phối sỉ (như hợp tác xã) thu mua từ nhiều nguồn cũng không muốn công khai thông tin nông dân sản xuất vì sợ các đối thủ cạnh tranh giật mối làm ăn. Cuối cùng là nông dân, chủ các trang trại, người trực tiếp sản xuất thực phẩm vẫn giữ thói quen cũ, chưa quen thực hiện các quy trình canh tác tốt vì không chắc sẽ bán được giá cao hơn.

Tuy vậy, hiện có nhiều đơn vị chủ động thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm để tạo sự khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là một phần trong các hoạt động xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng giữa thị trường vàng thau lẫn lộn.

Điều này cho thấy nếu thị trường yêu cầu thì dù khó, nhà sản xuất buộc phải thực hiện để giữ thị trường và bảo vệ chính mình.

TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế

Không nên "ngăn sông cấm chợ"

 

 

Quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm là việc cần làm nhưng nên có lộ trình phù hợp, tránh đột ngột cho các bên có liên quan. Cần kiên trì bởi đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, công nghệ mà còn là quá trình thay đổi nhận thức, thói quen của nhiều chủ thể từ nông dân, đơn vị chăn nuôi, thương lái, tiểu thương bán lẻ và cả người tiêu dùng.

Trong khi chưa có quy định chung về tiêu chuẩn cao hơn đối với thực phẩm, TP HCM không nên áp dụng các biện pháp "ngăn sông cấm chợ" mà cần tăng cường tuyên truyền, công bố, phổ biến những địa chỉ bán thực phẩm an toàn, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân để họ chủ động đến mua hàng. Dần dần, khi ý thức người dân nâng lên, họ sẽ chủ động đòi hỏi hàng hóa, sản phẩm phải truy xuất quản lý được nguồn gốc. Khi ấy, các tỉnh muốn bán hàng vào TP HCM phải tự động đáp ứng yêu cầu của thị trường TP HCM. Đến thời điểm chín muồi, có thể khuyến nghị Chính phủ có cơ chế, lộ trình áp dụng cho các đô thị, KCX - KCN.

T.Nhân - N.Ánh ghi


Theo Phương An / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :