Chăn nuôi

Tên là Hùm lại khoái chăn dê, khiến dân cả xã mê học nuôi theo

Ngày đăng: 2017-10-23 07:44:12


"Tui tên là Hùm nhưng lại khoái nuôi dê. Tui nuôi dê cỡ 20 chục năm nay rồi. Tui là người đầu tiên đưa con dê về miệt vườn đồng bằng trong khi lúc đó ai ai cũng nói chuyện nuôi cá, nuôi tôm, trồng cây ăn trái. Duy trì đàn dê từ hồi tới giờ, mỗi năm gia đình có lãi gần 400 triệu đồng...", đó là lời thổ lộ của ông Trần Văn Hùm, 72 tuổi, ngụ ấp Thành Tiến, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

 

“Mấy ông tới trễ một chút là tui đi mất rồi. Lúc này bà con ở đây nuôi dê nhiều lắm, mình phải đi tư vấn kỹ thuật nuôi dê gần như khắp xã. Cực nhưng vui vì nhiều người đã có cuộc sống ổn định từ mô hình nuôi dê...".

ten la hum lai khoai chan de, khien dan ca xa me hoc nuoi theo hinh anh 1

Ông Trần Văn Hùm là người đầu tiên đưa mô hình nuôi dê về miệt vườn xã Thành Đông, huyện Bình Tân (Vĩnh Long). Ảnh: Tô Phục Hưng.

Ông Hùm là người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi dê Boer tại xã Thành Đông từ năm 1997. Hiện nay ông đang có đàn dê gồm 100 con dê thịt và hơn 40 con dê nái sinh sản. Với giá bán dê thịt từ 100.000 đến 110.000 đồng/ ký; dê giống khoảng 3 tháng sau khi sinh có giá từ 1,2-1,4 triệu đồng/con, trừ hết chi phí, ông Hùm còn lãi xấp xỉ 400.000.000 đồng/năm từ mô hình nuôi dê.

Thấy mô hình nuôi dê của ông Hùm đơn giản nhưng hiệu quả, dân trong ấp, ngoài xã nhiều người mê. Vì vậy, từ năm 1997 tới nay đã có trên 100 hộ dân của xã Thành Đông đến tham quan, học tập và làm chuồng, nuôi dê theo. Số hộ nuôi dê nhiều nhất là ở ấp Thành Tiến, Thành Khương, Thành Thới. Hiện nay, tổng đàn dê của xã Thành Đông đã lên đến hàng ngàn con.

Ông Nguyễn Văn Thâm, trưởng ấp Thành Tiến phấn khởi nói : “Nhờ nuôi dê mà hàng trăm hộ dân ấp này thoát nghèo. Người nuôi ít nhất vài ba con, nhiều nhất vài chục con. Người có công lớn nhất là chú Sáu Hùm. Chú vừa là người cung cấp dê giống cho bà con nuôi, vừa là hướng dẫn viên, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi dê rất bài bản. Người dân trong ấp nói vui là phải phong cho chú Sáu Hùm chức danh “ kỹ sư dê” mới xứng tầm...".

ten la hum lai khoai chan de, khien dan ca xa me hoc nuoi theo hinh anh 2

Dù là dê nái sinh sản hay dê thịt thương phẩm thì đều cũng được ông Trần Văn Hùm chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật. Ảnh: Tô Phục Hưng.

Ông Trần Văn Hùm cho biết, nuôi dê rất nhẹ công chăm sóc, ít bị dịch bệnh, chi phí đầu tư không cao. Dê nuôi ở miệt vườn đồng bằng rất dễ ăn những loại thức ăn đơn giản có sẵn tại địa phương như dây khoai lang, cỏ tạp, một số loại lá cây...Ngoài thức ăn xanh, ông Hùm còn cho đàn dê ăn thêm xác đậu nành từ các cơ cở chế biến tàu hủ, tàu hủ ky của huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh. Theo ông Hùm, dê ăn xác đậu nành khỏe mạnh, tăng trưởng rất nhanh, lông mượt, màu sắc đẹp, đặc biệt là thịt nhiều hơn.

Chính vì đàn dê thịt thương phẩm của ông Hùm được chăm sóc, cho ăn uống tốt nên rất được nhiều thương lái từ TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp đến đặt mua. Dưới sàn nuôi, ông Hùm đặt các vỉ lưới để hốt phân dê mỗi ngày vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, không có mùi hôi, vừa có nguồn phân dê bán. Biết tiếng trại dê của ông Hùm và cả xã nuôi dê Thành Đông nên thương lái ở tận tỉnh Lâm Đồng tìm về thu mua phân dê để đem bán cho các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng, cà phê, tiêu...Ông Hùm và các hộ nuôi dê ở Thành Đông bán phân dê với giá 15.000 đồng/bao trọng lượng 10 ký.

ten la hum lai khoai chan de, khien dan ca xa me hoc nuoi theo hinh anh 3

Ông Trần Văn Hùm đang trộn thức ăn cho đàn dê. Ảnh: Tô Phục Hưng.

Theo lời kể của ông Hùm: từ ngày nuôi dê nái sinh sản, gia đình ông luôn có lãi, mức độ lãi ít, nhiều tùy từng thời điểm. Bình quân, 1 năm Ông Hùm để mỗi con dê nái sinh sản đẻ 1 lần. Mỗi dê nái đẻ từ 1-4 con/lứa. Những năm trước đây dê giống có giá từ 3-3.5 triệu đồng/con, nay đã sụt giảm khá mạnh, nhưng theo ông Sáu Hùm thì dù giá giảm người nuôi vẫn còn có lời...

Bà Nguyễn Thi Lan, ngụ ấp Thành Tiến kể thêm: “Hồi trước tui nuôi bò, tuy cũng có lời nhưng ít. Từ khi nuôi dê Boer theo mô hình của chú Sáu Hùm, tiền lời tăng lên hơn hẳn nuôi bò. Bởi vậy, từ đó mấy cái chuồng heo bỏ không do heo rớt giá trước đây, giờ tui cải tạo lại chuyển sang nuôi 30 con dê thịt. Với đàn dê thịt, năm rồi nhà tui cũng kiếm lời trên 100 triệu đồng...”

Khi đã có của ăn của để, lão nông 72 tuổi Trần Văn Hùm (hiện đang là chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ xã Thành Đông) lại lặn lội tham gia đi làm nhiều chuyện "bao đồng" được người dân mến như: bắc cầu, sửa lộ giao thông, xây dựng nhà tình thương, dựng bếp ăn nhân đạo, vận động giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn bất hạnh.

ten la hum lai khoai chan de, khien dan ca xa me hoc nuoi theo hinh anh 4

Từ người đầu tiên nuôi dê cách đây 20 năm, ông Trần Văn Hùm đã giúp cả trăm hộ dân xã Thành Đông gây dựng mô hình nuôi dê. Ảnh: Tô Phục Hưng.

Với những cống hiến của mình, ông Trần Văn Hùm đã được nhân Kỷ niệm chương "Vì Người cao tuổi Viêt Nam"; năm 2016 ông được nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Long.

Ông 6 Hùm nói vui : “Tui tên Hùm vậy chớ hiền khô, nghe ai gặp khổ là tui thấy trăn trở. Làm cực vậy chớ thấy khỏe trong mình lắm. Ai có cần tìm hiểu về cái chuyện nuôi dê, cứ gặp tui. Tui sẳn sàng hướng dẫn. Ai đang quá khổ, cứ kiếm Sáu Hùm, tui sẽ vận động hết mình”.
Ngoài nuôi đàn dê đẹp đến mê, gia đình ông Hùm còn trồng 4 công nhãn da bò và 8 công đất trồng luân canh lúa-khoai và 2 mô hình này mỗi năm mang lại nguồn thu gần 300 triệu đồng.


Theo Tô Phục Hưng / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :