Chăn nuôi

Thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ vay vốn nuôi gà thả đồi

Ngày đăng: 2019-08-12 06:56:57


Là địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nhờ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong những năm qua Hội Nông dân xã Thanh Hóa đã tích cực phối hợp đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hội viên nông dân đặc biệt là các hội viên nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững.

 
 

Thực hiện nội dung ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện từ năm 2004, xác định thực hiện ủy thác vay vốn cho hội viên nông dân nghèo vay vốn để có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Hội, trong những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Thanh Hóa đã tham mưu cho Ban giảm nghèo xã, UBND xã chỉ đạo thành lập 12 tổ tiết kiệm và vay vốn và giao cho Hội quản lý, với gần 600 tổ viên tham gia.

thoat ngheo vuon len kha gia nho vay von nuoi ga tha doi hinh anh 1

Nông dân xã Thanh Hóa vay vốn ưu đãi  đầu tư nuôi gà thả vườn, thả đồi. Ảnh:  T.L

Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh số cho vay ủy thác qua Hội đạt 3.064 triệu đồng, với 79 lượt hộ vay vốn, bình quân vay 38,8 triệu đồng/hộ. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác do Hội quản lý là 25.517 triệu đồng, với 549 hộ dư nợ, bình quân dư nợ 46,5 triệu đồng/hộ, dư nợ Hội quản lý chiếm tỷ trọng 59% dư nợ của toàn xã, là đơn vị HND xã có dư nợ ủy thác lớn nhất trong 20 HND cấp cơ sở trên địa bàn huyện.

Bình quân mỗi tổ tiết kiệm vay vốn quản lý dư nợ 2.100 triệu đồng. Theo khảo sát đánh giá hiệu quả vốn đầu tư, đa số các hội viên vay sử dụng vốn đúng mục đích, đồng vốn phát huy tốt hiệu quả, có 485 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, 296 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng nhờ vay vốn; có 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn.

Đi đôi với giải ngân cho vay, Hội cũng đã tích cực phối hợp, tuyên truyền về chủ trương tổ viên gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo nguồn vốn tích lũy trả nợ, trả lãi khi gặp khó khăn, đến nay có trên 96% số tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền 424 triệu đồng, bình quân mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư 35 triệu đồng.

Điển hình mô hình hội viên vay vốn phát huy tốt hiệu quả như hộ gia đình anh Hoàng Ngọc Xuân (ở thôn 4 Thanh Lạng), vay vốn Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 70 triệu đồng, đầu tư làm mô hình tổng hợp vườn-ao-chuồng để chăn nuôi bò, gà, cá nước ngọt, nuôi ong lấy mật và trồng cây ăn quả, tạo việc làm cho 3 lao động.

Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Hộ gia đình chị Phan Thị Bích Hóa (ở thôn 4 Bắc Sơn), vay vốn chương trình hộ nghèo số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, trồng cỏ để làm nguồn thức ăn, hàng năm thu nhập cho gia đình từ 40-45 triệu đồng.

Trong thời gian tới, HND xã sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện đôn đốc thu lãi để giảm thiểu lãi tồn đọng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt là giám sát hội viên trong khâu sử dụng vốn, đảm bảo nguồn vốn phải sử dụng đúng mục đích, từ đó phát huy hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ, đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với mức gửi cao hơn, tạo điều kiện cho hội viên nghèo vừa được vay vốn vừa có ý thức tích lũy để trả dần nợ vay, hạn chế áp lực trả nợ một lần khi đến hạn…


Theo Tất Thành / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :