Chăn nuôi

Tỉnh cấm treo trâu, làng chuyển sang mổ thường để tế thần

Ngày đăng: 2017-02-09 08:07:14


Lễ hội Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) năm nay không thực hiện nghi thức treo con trâu lên cây trước cửa đền mà chuyển sang hình thức khác để mổ tế thần linh.

Chiều 8/2, ông Lê Minh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên (Yên Bái), Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Đông Cuông, cho biết năm nay sẽ không tiến hành nghi lễ treo trâu trước khi mổ tế thần như mọi năm mà chuyển sang giết mổ bình thường. Lễ tế diễn ra lúc 0h ngày 9/2, tức ngày Mão đầu tiên của năm Đinh Dậu.

"Trâu vẫn sẽ được mổ để tế Mẫu Đệ nhị thượng ngàn và các vị thần linh vì đây là nghi lễ tế thần của người Tày đã truyền nhiều đời nay. Các hoạt động khác diễn ra bình thường", ông nói.

Việc bỏ nghi thức này thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái không tổ chức treo cổ trâu đến chết trong lễ hội đền Đông Cuông. Theo ông Đức, đại đa số người dân đồng thuận nhưng cũng có ý kiến không đồng ý vì đây là nghi lễ lâu đời của địa phương.

tinh-cam-treo-trau-lang-chuyen-sang-mo-thuong-de-te-than

Trâu trắng được chọn lựa kỹ để tế thần trong hội đền Đông Cuông đêm nay. Ảnh: P.X.

Vài ngày qua, hình ảnh con trâu bị treo lên cây trong lễ hội Đông Cuông những năm trước lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng nghi thức này tàn nhẫn, không phù hợp với ngày nay.

Có mặt tại Đông Cuông mấy ngày nay để tìm hiểu lễ tế trâu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hữu Sơn cho biết, tục treo trâu mang ý nghĩa vùng miền của cả thung lũng nơi đây, không riêng người Tày ở Đông Cuông. "Đến tận nơi tìm hiểu, chứng kiến mới thấy phong tục này không phản cảm như nhiều người nghĩ", ông nhận xét.

TS Sơn phân tích, trước khi tế thần, trâu được treo lên và giữ để khỏi giãy giụa. Đây là nghi lễ bình thường so với những cách tế khác như đâm trâu, đập đầu trâu đến chết. Hình ảnh mà cộng đồng lan truyền còn thua xa nhiều hình thức hiến sinh gia súc lớn ở một số vùng Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. 

"Cần nhìn tục treo trâu trong con mắt của cộng đồng dân tộc đó chứ không phải nhận xét của một cộng đồng khác rồi quy là phản cảm. Văn hóa là đa dạng và bình đẳng. Không nên lên án khi chưa hiểu rõ, làm như vậy coi như đã giết chết một phong tục của địa phương trong cơn bão mạng", ông nói.

Hội đền Đông Cuông hàng năm bắt đầu với nghi thức treo trâu trắng tế Mẫu, được cử hành vào thời khắc sang canh ngày Mão đầu tiên của năm mới. Trâu tế được lựa chọn kỹ, giao cho gia đình nào đó trong làng nuôi dưỡng. Trâu tế xong sẽ dâng lễ tạ ơn Mẫu và thần linh che chở cho dân làng, cầu mưa thuận gió hòa, được mùa no ấm.

Năm 2017, lễ hội diễn ra từ ngày 7 đến 9/2 (từ 11 đến hết 13 tháng giêng) tại quần thể di tích cấp quốc gia Đông Cuông.


Theo Hoàng Phương / Vnexpress





TIN TỨC KHÁC :