Chăn nuôi

Truy xuất nguồn gốc bằng smartphone: Không dễ

Ngày đăng: 2018-07-11 07:06:53


Ứng dụng phần mềm quản lý trên điện thoại thông minh (smartphone) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang được nhiều doanh nghiệp, địa phương áp dụng để bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Nhưng thực tế, để áp dụng trên diện rộng khi phần lớn người tiêu dùng vẫn có thói quen mua sắm ở chợ truyền thống không hề dễ dàng.

 
 

Chạm tay là có

Chỉ cần một cái chạm nhẹ trên màn hình điện thoại, trong vài giây, mọi thông tin về vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) sẽ được cập nhật với giá cả chi tiết, rõ ràng. Có được điều này là nhờ vụ vải năm nay, lần đầu tiên huyện Thanh Hà thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng mã QR. Theo đó, các khách hàng có thể sử dụng smartphone có kết nối internet và được cài ứng dụng quét mã QR để tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải.

truy xuat nguon goc bang smartphone: khong de hinh anh 1

TP.HCM đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt lợn qua smartphone từ năm 2016. Ảnh: tư liệu

"Cùng với việc chuẩn hóa thông tin truy xuất và mức độ truy xuất cần tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác giữa các tác nhân, tăng tính minh bạch và phục vụ quản lý Nhà nước, cần xây dựng quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn”.

TS Phạm Duy Khánh

Ông Trịnh Văn Thiện - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ những địa chỉ sản xuất chân chính, tránh bị làm giả, làm nhái. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm.

Ngay từ cuối năm 2016, TP.HCM đã chính thức vận hành đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn và công bố danh sách các điểm bán thịt lợn có thể truy xuất thịt lợn từ nơi sản xuất đến nơi giết mổ.

Việc truy xuất nguồn gốc có thể được thực hiện khá hiệu quả ở các kênh phân phối hiện đại nhưng có vẻ lại không dễ thực hiện tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống khi thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. TP.HCM đã triển khai mạnh mẽ việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn ngay tại chợ đầu mối. Theo đó, thịt lợn không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định không được phép đưa vào 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn là Hóc Môn, Bình Điền nhưng việc này không đơn giản vì ít xe đáp ứng đầy đủ thông tin.

Tồn tại nhiều hạn chế

Đáng chú ý, về vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý nhưng việc thực thi các quy định và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất, xác thực nguồn gốc đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính như Mỹ, EU còn nhiều hạn chế.

Theo TS Phạm Duy Khánh - Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), người tiêu dùng hiện ngày càng quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Tại Việt Nam, mặc dù việc triển khai truy xuất nguồn gốc chuỗi nông sản ở nhiều tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng điện tử “QRcode” cho sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; chưa kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân; không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; thông tin chưa minh bạch và được xác nhận; chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc; chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc…

Đưa ra một số gợi ý giải pháp về truy xuất nguồn gốc nông sản, TS Phạm Duy Khánh cho rằng, cùng với việc chuẩn hóa thông tin truy xuất và mức độ truy xuất, cần tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác giữa các tác nhân, tăng tính minh bạch và phục vụ quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn, nâng cao vai trò của cơ quan Nhà nước trong kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc.

Về giải pháp giúp minh bạch hóa thông tin, TS Phạm Duy Khánh cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain, tăng cường vai trò, quyền mặc cả của nông dân trong chuỗi thông qua các mô hình liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, cần hỗ trợ xây dựng thử nghiệm hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cho từng nhóm sản phẩm xuất khẩu chiến lược.

Theo GS-VS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, muốn áp dụng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cần phải sản xuất theo chuỗi và đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Cần đẩy mạnh khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị cho nông sản. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật để đảm bảo uy tín của sản phẩm.


Theo Khánh Nguyên / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :