Chăn nuôi

Vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần: 25 cán bộ thú y bị kỷ luật

Ngày đăng: 2017-10-21 08:10:54


Liên quan đến vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á (H. Củ Chi, TPHCM), hàng loạt cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM bị xử lý kỷ luật. Đây được coi như đòn “thức tỉnh” ý thức trách nhiệm của nhân viên, cán bộ quản lý trong công tác của mình.

 

Vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần: 25 cán bộ thú y bị kỷ luật - ảnh 1Chuẩn bị tiêu hủy heo “an thần” ở bãi rác Đông Thạnh.

“Xử” 25 cán bộ liên quan

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho hay, Sở đã gửi văn bản báo cáo UBND TP về việc xử lý vụ hàng loạt heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á.

Là người đứng đầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP, nhưng ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng buông lỏng trách nhiệm quản lý, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng kỷ luật Sở NN-PTNT kỷ luật mức cảnh cáo đối với ông Thảo, đề nghị Ban Giám đốc Sở điều chuyển công tác về một đơn vị khác thuộc Sở. Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó cũng bị hội đồng quyết định hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Hội đồng kỷ luật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP quyết định giáng chức đối với quyền Trưởng trạm Thú y Củ Chi, cách chức đối với Phó trưởng trạm của đơn vị này. Hai nhân sự trên được điều động về phòng Tổ chức hành chính Chi cục Chăn nuôi và Thú y để bố trí công tác khác.

Bên cạnh đó, 16 viên chức trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở có mặt tại ca trực ngày 28/9 bị cảnh cáo; 3 viên chức thực hiện công tác kiểm soát giết mổ nhưng nghỉ ca trong ngày 29/9 bị khiển trách; kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng đối với 2 nhân viên hợp đồng lao động. Các trường hợp vi phạm đều không được bố trí công tác kiểm soát giết mổ trong thời gian tới.

“Sở đã chính thức yêu cầu chủ các cơ sở giết mổ phải lắp đặt camera giám sát tại khu vực tồn trữ, nhằm ngăn ngừa các trường hợp tiêm thuốc an thần. Các cơ sở cam kết tự nguyện tiêu hủy khi cơ quan chức năng phát hiện heo dương tính với thuốc an thần nhập vào để giết mổ. Chúng tôi cũng tham mưu cho UBND TP đề xuất Bộ NN&PTNT quy định hàm lượng tồn dư tối thiểu và phương pháp phát hiện thuốc an thần; chấp thuận xử lý tiêu hủy đối với heo dương tính với thuốc an thần khi bị phát hiện” – ông Trung chia sẻ.

Khởi tố, nếu tiếp tục vi phạm

Ngày 19/10, UBND TP HCM có công văn khẩn về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi, kinh doanh heo và thịt heo.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ban quản lý Đề án Nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo kiên trì triển khai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia hiểu và tự giác thực hiện đề án.

Đối với những trường hợp ngoan cố, không chấp hành, cần áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả thực hiện khởi tố các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Tuyến khẳng định đề án này là một giải pháp tiên phong, đột phá của TPHCM nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn sản phẩm thịt heo. Do đó, từng sở ngành, đơn vị liên quan phải tập trung, tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, thu gom, giết mổ kinh doanh heo và thịt heo; đặc biệt đẩy mạnh kiểm soát việc giết mổ heo trên địa bàn thành phố.

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc kiểm soát nguồn heo đưa vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, không để heo không có vòng nhận diện hoặc vòng nhận diện không đủ thông tin truy xuất nguồn gốc được đưa vào chợ kinh doanh.

Ông Tuyến cũng giao Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan trình UBND TP ban hành “Nội quy mẫu chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM” theo đúng trình tự văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý chất lượng thịt heo nói riêng và hàng hóa ở chợ đầu mối nói chung.

Không chấp nhận thương lái hành nghề tự do

Sau khi vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ được phát hiện, đoàn thanh tra đã xử phạt hành chính với 13 thương lái, trong đó 11 hộ bị phạt 32,5 triệu đồng; 2 hộ bị phạt 35 triệu đồng vì có hành vi khai báo không trung thực; đồng thời đình chỉ giết mổ 3 tháng đối với những cá nhân vi phạm. Lò mổ Xuyên Á tạm thời ngừng hoạt động 21 ngày, và sẽ mở cửa lại vào ngày 26/10.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, thành phố đã họp bàn và xác định một số giải pháp. Cụ thể, lúc trước thương lái hành nghề tự do, họ mua heo, đưa vào lò giết mổ rồi đưa ra chợ bán. Nay thành phố định hướng các thương lái phải có đăng ký kinh doanh, phải có pháp nhân để chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Kế đến, các pháp nhân này phải tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc. Trước đây chúng ta vận động họ trên tinh thần tự nguyện, còn giờ thành phố sẽ không chấp nhận những thương lái hành nghề một cách tự do như từ trước tới nay. Các lò mổ, chợ đầu mối sẽ buộc chỉ ký hợp đồng với các thương lái có đăng ký kinh doanh và tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc. Sắp tới thành phố cũng sẽ chỉ đạo các lực lượng liên quan tích cực hỗ trợ và giám sát các thương lái trong việc này.

Đã tiêu hủy hết gần 4.000 con heo

Ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng công ty TNHH MTV Môi trường TPHCM cho biết: “Đến chiều ngày 19/10, chúng tôi đã tiêu hủy hết số lượng gần 4.000 con heo tiêm thuốc an thần. Như vậy, việc tiêu hủy diễn ra trong vòng 19 ngày, hoàn thành sớm hơn tiến độ UBND TP giao. Bên cạnh việc tiêu hủy, công ty cũng kiểm soát tốt việc bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh”.


Theo Uyên Phương / Tiền Phong





TIN TỨC KHÁC :