Kỹ thuật trồng cây Sa nhân

Ngày đăng: 2016-04-23 03:18:06


Từ lâu, nhân dân ta đã biết dùng Sa nhân làm thuốc chữa bệnh. Hoa và hạt Sa nhân có thể điều trị các chứng ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng do lạnh, nôn mữa, kiết lỵ, đi tả, phụ nữ có thai, đau bụng ra máu... Ngoài ra, dùng Sa nhân kết hợp với cây gia củ gấu, ích mẫu, ngãi cứu làm thuốc an thai.  Ngày nay, hạt Sa nhân còn được chiết suất lấy dầu để làm hương liệu trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm rất có giá trị.

       Hạt Sa nhân vừa là loại dược liệu quý, vừa có giá trị kinh tế cao. Hiện nay trên thị trường, giá một 01 kg hạt Sa nhân khô vào khoảng 70 - 80 nghìn đồng. Ðây còn là loại dược liệu đang được xuất khẩu Sang nhiều nước trên thế giới.

Kỹ thuật trồng cây Sa nhân
  

I. Sự phân bố của cây Sa nhân :

      Cây Sa nhân thuộc loại cây nhiệt đới. Cây Sa nhân chỉ sinh trưởng ở những vùng có độ ẩm cao, nhiều sương mù và dưới tán cây rừng. 
      Ở nước ta, Sa nhân phân bố nhiều ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh Miền Trung. Ðặc biệt ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận... , cây Sa nhân mọc trong tự nhiên có đến vài nghìn ha.

 

II. Phân loại Cây Sa nhân :

       Cây Sa nhân có đến 250 loài. Những năm gần đây, một số nhà khoa học đã xác định được có 19 loài Sa nhân trồng và mọc hoang ở nước ta. Trong đó có 3 loài Sa nhân chính là Amomum Villosum, Amomum Xanthiodes và Amomum Longiligulare. Loài Sa nhân Amomum Villosum hay còn gọi là Sa nhân thầu dầu, mè tré có diện tích mọc hoang nhiều nhất và chất lượng, cũng như năng suất hạt rất cao, đồng thời dễ trồng và quản lý chăm sóc.
        Loài Sa nhân này dạng cây nhỏ, cao 1,5m, sống lâu năm, thân rễ phình to và mọc ngang. Lá hình mũi mác dài 14-40 cm, rộng 2-8 cm đầu nhọn phía gốc tròn gần như không có cuống, 2 mặt nhẵn. Hoa tự ra nhiều nhưng mọc thưa từ gốc thân lên, cán mang hoa, lúc đầu nằm ngang, Sau mọc thẳng đứng, dài 6-8cm. Hoa màu trắng vàng nhạt, tràng hình ống, thuỳ hình trứng dài 13mm. Quả hình trứng, trên có những gai nhỏ, quả dài 2 cm, rộng 12 - 15 mm, hạt có đường kính 3 mm.
 
 

III.Ðiều kiện sinh trưởng của Cây Sa nhân :

     Cây Sa nhân thuộc loại cây nhiệt đới, thích hợp ở nhiệt độ bình quân hằng năm từ 220C - 280C. Ở nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cây phát triển kém và ít đậu quả. Sa nhân loại cây ưa thích bóng râm, chủ yếu sống dưới tán cây rừng. Nhưng bị tán cây rừng che bóng râm quá nhiều thì cây Sa nhân mọc rất rậm rạp, ít ra hoa kết quả . 
       Cây Sa nhân thường mọc trên các sườn núi, ở độ cao khoảng 300-350 m so với mặt biển trở lên. Sa nhân thường phát triển tốt ở những vùng có lượng mưa hàng năm khoảng 2500 mm, độ ẩm bình quân hàng năm trên 80%. 
       Trong thời gian Sa nhân ra hoa vào tháng 4-5 hàng năm, phải có sương mù dày đặc thì tỷ lệ đậu quả mới cao. Sa nhân thích hợp với mọi loại, nhưng tốt nhất là đất pha cát, thoát nước tốt.

       Do có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng và phát triển mạnh, nên cây Sa nhân mọc trong tự nhiên rất nhiều. Chỉ tính riêng ở Ninh Thuận, diện tích cây Sa nhân mọc trong tự nhiên đã có gần 2 nghìn ha. Do vậy , bà con có thể chọn những khu vực Sa nhân mọc tự nhiên thuận tiện việc đi lại, phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển tốt nhất của cây Sa nhân, để tiến hành quản lý, chăm sóc và thu hoạch quả. Thực tế, nếu được chăm sóc và quản lý tốt thì mỗi ha Sa nhân tự nhiên có thể cho thu hoạch từ 250-300 kg quả và hạt. Ðây không những sẽ là nguồn thu đáng kể cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ rừng, chống xói mòn.
 
 

IV. Hướng dẫn cách chăm sóc Sa nhân mọc tự nhiên

       + Cây Sa nhân mọc trong tự nhiên chủ yếu là mọc dưới tán cây rừng. Bà con chỉ nên để tán cây che ánh sáng độ 45 - 50% là phù hợp, nếu quá râm mát cây Sa nhân chỉ phát triển cành lá, ít ra hoa đậu quả, nên tỉa bỏ bớt tán cây che bóng râm vào tháng 8, tháng 9. Cành lá chặt bỏ đi phải dọn sạch, đốt lấy tro bón vào đất trồng, để làm phân. Khi chặt tỉa cành cây to phải cẩn thận không để cành cây rơi làm cho Sa nhân bị tổn thương, làm ảnh hưởng tới năng suất quả.
       + Ðể giúp cây Sa nhân sinh trưởng tốt, bà con cũng cần làm cỏ, mỗi năm nên làm cỏ từ 2- 3 lần. Lần đầu làm cỏ trước lúc ra hoa, dọn sạch cỏ dại, giúp cho cây có đủ khoảng trống tạo điều kiện thuận lợi cho cây ra hoa, đậu quả. Làm cỏ lần 2 vào lúc đã hái quả, làm sạch cỏ dại và tỉa bỏ các cây già, vun đất, giữ cho đất ẩm, giảm bớt sự bốc hơi nước. Lúc làm cỏ nên chú ý không làm tổn thương cây. Mùa Ðông đến, mặc dù có nhiều cỏ dại nhưng không được dọn cỏ, để giữ ấm cho cây, khỏi bị sương giá làm thương tổn Sa nhân. Chú ý phải dọn sạch cỏ tranh trong khu vực quản lý, chăm sóc cây Sa nhân, vì cỏ tranh sẽ làm Sa nhân chết hàng loạt.
       + Ðể tăng sản lượng quả, bà con cũng nên bón thêm phân cho Sa nhân. Bón phân chia làm 3 đợt: đợt đầu vào tháng 2, mỗi ha bón 50 kg phân đạm, để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây ra hoa kết quả; bón đợt thứ 2 vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, dùng NPK bón liên tục 2 - 3 lần ( cứ cách 7 - 10 ngày bón 1 lần ) kích thích cho quả to, dài , chín sớm bảo đảm quả chắc mẩy; bón đợt thứ 3 là Sau lúc cho thu hoạch quả, giúp cây có đủ chất dinh dưỡng phát triển tốt, tăng sản lượng ở vụ sau.

 

V. Thu hoạch , sơ chế và bảo quản Sa nhân:

     Ðối với Sa nhân mọc trong tự nhiên, cũng như được trồng lấy hạt, kỹ thuật thu hoạch Sa nhân là quan trọng nhất. Hiện nay, phần lớn sản lượng Sa nhân đều được thu hái trong tự nhiên. Nhưng đa số bà con vẫn không nắm được kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Do vậy, chất lượng dược liệu và giá trị kinh tế của Sa nhân bị giảm đáng kể. Việc thu hoạch Sa nhân phải được tiến hành nhanh và đúng lúc.


(Dược sĩ Nguyễn Xuân Tuyển hướng dẫn)
        Thu hoạch: Việc thu hái quả Sa nhân thường diễn ra vào giữa mùa hè và mùa thu. Thời gian và cách thu hái quả Sa nhân rất quan trọng, nó sẽ quyết định phẩm chất của dược liệu và ảnh hưởng đến sản lượng vụ sau. Việc thu hái quả Sa nhân phải nhanh, gọn hạn chế một số động vật gặm nhấm, bò sát, chim phá hoại quả và phải hái đúng lúc, đúng kỹ thuật.


        Hái đúng lúc: Quả Sa nhân chỉ chín sau khoảng 20 ngày. Quả vừa chín có màu đỏ tía thì phải hái ngay là tốt nhất. Loại quả này gọi là Sa nhân hạt cau, đảm bảo phẩm chất 100%. Sa nhân hạt cau cho hạt to mẩy, màu nâu bóp thấy rắn chắc, có vị cay nồng. Nếu thu hái sớm thì hạt Sa nhân còn non chỉ đạt khoảng 60-70% phẩm chất. Quả Sa nhân còn non sẽ cho hạt không mẩy, màu trắng hay hơi vàng, vị không chua. Còn nếu để quả chín mọng mới thu hái gọi là Sa nhân đường thì chất lượng cũng sẽ kém chỉ khoảng 30-40%. Sa nhân đường có vị ngọt, không cay, màu đen, phơi không khô. Ðể đảm bảo thu hái Sa nhân đúng lúc, hàng ngày phải thường xuyên kiểm tra độ chín của quả, khi vừa chín phải thu hái ngay nhằm đạt phẩm chất tốt .
       Hái đúng kỹ thuật : Dùng kéo hay dao cắt chùm quả , nếu Sa nhân mọc quá rậm thì tỉa bớt những cây đã già để đảm bảo mật độ thu hoạch cho vụ sau .

      Sơ chế: mục đích của việc sơ chế Sa nhân là sấy cho khô đều , làm cho vỏ hạt bám chắc lấy nhân quả để đảm bảo chất lượng và bảo quản được lâu .

      Cách làm khô : Làm khô Sa nhân bằng phương pháp sấy . Dùng gạch hay đá xây dựng lò sấy, rộng khoảng 1,3 m, cao 1m. Phía trên làm giàn để sấy Sa nhân. Mỗi lần sấy cho 30-40 kg Sa nhân lần giàn sấy, dùng than đun nóng phía dưới. Sau 12 giờ sấy , bà con đảo Sa nhân ở trên xuống phía dưới và tiếp tục sấy 12 giờ nữa . Lúc quả khô khoảng 80% thì bà con cho vào bao tải đem đi ủ. Tiến hành ủ trong 12 giờ, sau đó lại đem sấy, đến khi dùng tay bóp thì hạt vụn ra là được.
Quả Sa nhân đảm bảo chất lượng là quả phải to, chắc, nhân màu nâu tươi, mùi thơm, không bị vỡ nát.


        Bảo quản: Sau khi quả Sa nhân được sấy khô, bà con cho vào thùng gỗ, trong thùng có lót giấy chống ẩm. Mỗi thùng cho 25 Kg Sa nhân và phải bịt kín không cho không khí lọt vào. Sa nhân rất dễ hút ẩm, nên khi bảo quản chủ yếu là phải chống ẩm.
       Ngoài việc quản lý, chăm sóc cây Sa nhân tự nhiên, bà con cũng có thể trồng cây Sa nhân thâm canh dưới tán cây của những vườn cây ăn quả lâu năm. Thực tế ở tỉnh Ninh Thuận, có nhiều hộ nông dân đã đưa cây Sa nhân về trồng trong vườn cây ăn quả mang lại hiệu quả rất cao. Sản lượng và chất lượng quả Sa nhân luôn cao hơn 4-5 lần so với việc quản lý và thu hái từ tự nhiên.
 
       Trồng cây Sa nhân thâm canh trong vườn cây ăn quả không những mang lại sản lượng Sa nhân cao hơn mà còn giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần phần phát triển mô hình vườn hộ, nhất là ở những vùng miền núi.

VI. Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sa nhân

      Cách nhân giống: Có hai cách nhân giống Sa nhân là nhân giống hữu tính (trồng bằng hạt) và nhân giống vô tính (trồng bằng chồi). Trên thực tế, phương pháp nhân giống vô tính đơn giản và mang lại hiệu quả cao hơn, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây. Cây Sa nhân được trồng bằng chồi sau hai năm có thể cho thu hoạch quả và hạt, còn trồng bằng hạt phải mất 3-4 năm cây Sa nhân mới ra hoa kết quả. Hiện nay, cây Sa nhân mọc tự nhiên rất nhiều, bà con có thể tuyển chọn những cây có từ 2-3 chồi đem trồng là tốt nhất.

       Cách trồng: Cây Sa nhân trong tự nhiên có khả năng thích nghi với nhiều loại đất, nhưng sinh trưởng tốt và cho sản lượng quả cao trên vùng đất đồi núi có pha cát, có độ ẩm trong đất từ 50-60% và thoát nước tốt. Vùng đất chọn để trồng Sa nhân phải có nhiệt độ không quá cao hoặc quá thấp, dao động từ 220C - 300C. Ðêm và sáng sớm thường có sương mù là tốt nhất để cây Sa nhân dễ ra hoa và đậu quả .
         Trồng Sa nhân chia làm 2 vụ chính: trồng vào mùa xuân và mùa thu. Mùa xuân trồng vào tháng 3 - 4 , lúc này có nhiều mưa khí hậu ôn hoà. Ở khu vực miền Trung nên trồng vào mùa thu vào tháng 7 - 8, khi mùa mưa bắt đầu. 
         Ðào lỗ trồng theo hình dích dắc , trồng sâu 7 - 10 cm, trồng xong lấp đất dẫm nhẹ và tưới nước vào gốc, phủ cỏ hoặc rơm rạ vào xung quanh gốc. Lúc trồng chú ý để chồi non nhô lên trên mặt đất. Cây giống nhổ ngày nào nên trồng ngay ngày ấy là tốt nhất và cây giống nên cắt bỏ hết lá chỉ để lại đoạn thân dài 17-33 cm.
         Trồng cây Sa nhân theo mật độ: Cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1m. nên trồng vào những ngày râm mát, nếu trồng ngày nắng to tỉ lệ sống sẽ thấp. Khi trồng, bà con không nên trồng quá nông, vì nếu gặp gió to cây sẽ bị đổ ngã. 

       Chăm sóc: Cây Sa nhân có khả sinh trưởng và phát triển rất mạnh và rất ít bị sâu bệnh. Nhưng để có sản lượng hạt cao, bà con nên có chế độ chăm sóc đầy đủ cho cây Sa nhân.

         + Làm cỏ: Lúc Sa nhân còn nhỏ rất dễ bị cỏ dại lấn át , nên phải thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc cây . Nếu vườn trồng Sa nhân xuất hiện cỏ tranh thì phải tìm biện pháp nhanh chóng diệt sạch cỏ, vì cỏ tranh sẽ làm cho Sa nhân chết hàng loạt.
         + Bón phân: Nếu cung cấp đủ lượng phân bón thì sẽ giúp cho cây Sa nhân phát triển nhanh, rút ngắn thời gian ra hoa đậu quả, đồng thời tăng sản lượng hạt. Bà con có thể bón lót bằng phân chuồng hoai, với lượng khoảng 10 tấn/ha. Ngoài ra trong năm có thể bón thúc bằng phân NPK hoặc Urea và chia làm ba lần bón: Lần đầu vào tháng 2 hàng năm, để cung cấp thêm dinh dưởng cho cây trước khi ra hoa. Lần hai vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 để cây có đủ dinh dưỡng cho quả to, chín sớm và cho hạt chắc. Bón lần ba khi đã thu hoạch quả xong, để đảm bảo dinh dưởng cho cây Sa nhân phục hồi và phát triển tốt ở năm sau. Lượng phân bón để bón thúc khoảng 100-150 Kg/ha, chia đều cho ba lần bón. 

     Thực tế ở tỉnh Ninh Thuận, Nếu được chăm sóc tốt thì cây Sa nhân mọc tự nhiên có thể cho năng suất bình quân 300 Kg/ha, với giá bán trên thị trường từ 30-40 nghìn đồng một kg, người nông dân cũng thu được trên 10 triệu đồng. Khi được trồng thâm canh dưới tán cây ăn quả, cây Sa nhân sẽ cho năng suất và thu nhập cao hơn gấp 4-5 lần. Nhiều hộ nông dân ở miền núi tỉnh Ninh Thuận, trong đó có cả đồng bào dân tộc Răc lây, nhờ vào việc quản lý và chăm sóc diện tích Sa nhân mọc tự nhiên ở những sườn núi thấp, cũng như trồng Sa nhân thâm canh đã có một nguồn thu nhập ổn định, góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo . 

 

VNPT Ninh Thuận


Theo VNPT Ninh Thuận





TIN TỨC KHÁC :