Quy trình kỹ thuật canh tác cây điều ghép

Ngày đăng: 2016-12-05 16:11:15


I. Phạm vi, đối tượng, áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình này quy định các yêu cầu kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch sơ chế và bảo quản cây điều ghép sản xuất tại Lâm Đồng.

2. Đối tượng áp dụng: Quy trình này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến sản xuất cây điều ghép trên địa bàn Lâm Đồng. 

3. Mục tiêu kinh tế kỹ thuật:Thời gian kiến thiết cơ bản của cây điều ghép 3 năm. Năng suất bình quân trong giai đoạn kinh doanh: 1,5-2 tấn/ha

 

II. Đặc điểm và yêu cầy về điều kiện ngoại cảnh:

1. Đặc điểm:

Cây điều tên khoa học Anacardium occidentale, nguồn gốc ở Đông bắc Brazil, được trồng phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới với mục đích lấy hạt. Cây điều được trồng ở Việt Nam từ thế kỷ 18, nhưng trong một thời gian dài không được xem là cây nông nghiệp, chỉ trồng lẻ tẻ với mục đích chắn gió và là cây lâm nghiệp để phủ xanh đất trống đồi trọc do đặc tính chịu hạn, thích nghi với đất xấu. Cây điều chịu được những điều kiện khí hậu đa dạng và khắc nghiệt. Khí hậu nhiệt đới với lượng mưa hàng năm đầy đủ và có một mùa khô rõ rệt là những điều kiện tối thích để cây điều phát triển tốt. Độ cao nơi trồng điều so với mặt biển càng lớn thì cây sinh trưởng càng chậm, năng suất càng giảm.

Quy trình kỹ thuật canh tác cây điều ghép

 

2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh:

- Nhiệt độ:Điều là loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, vì vậy điều rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp và sương giá. Điều có khả năng sinh trưởng trong phạm vi giới hạn nhiệt độ khá rộng nhưng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 24-280C. Tuy nhiên muốn có năng suất cao, thì không nên chọn những vùng có nhiệt độ trung bình hàng năm dưới 200C.

- Ánh sáng:Điều là cây ưa sáng hoàn toàn và ra quả ở đầu cành nên các cây  trồng đơn độc hoặc trồng với mật độ thích hợp, bảo đảm chế độ ánh sáng đầy đủ cây cho năng suất khá cao. Trong thời gian cây ra hoa càng đòi hỏi nhiều ánh sáng. Trung bình cây điều cần khoảng 2.000 giờ nắng/năm. Ở miền núi, đặc biệt là ở những thung lũng có núi non che khuất thường xuất hiện sương mù buổi sáng và buổi chiều làm giảm cường độ ánh sáng, cây điều ở đó có thể vẫn sinh trưởng bình thường nhưng ra hoa đậu quả rất kém, sản lượng không đáng kể.

- Lượng mưa từ 1.000-2.000 mm/năm là thích hợp nhất. Sự phân bố mưa trong năm lại ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả hơn là tổng lượng mưa. Mùa điều ra hoa kết trái thường kéo dài khoảng 2 tháng, vào giai đoạn này yêu cầu thời tiết phải thật khô ráo. Nếu ở giai đoạn này nhất là vào thời kỳ cây trổ hoa nếu gặp mưa, dẫu chỉ là mưa nhỏ cũng đủ làm phấn hoa bết lại, khó bám dính vào côn trùng truyền phấn khiến cho quá trình thụ phấn bị ngưng trệ, sự thụ tinh không xảy ra được. Mặt khác, hoa điều chứa nhiều mật ngọt, gặp điều kiện ẩm ướt sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển gây hư hỏng các chùm  hoa và cho các quả non đang hình thành. Vì vậy chế độ mưa thích hợp cho cây điều ra hoa đậu quả là có hai mùa, mùa mưa và mùa khô phân biệt rõ rệt và khô  kéo dài 4-5 tháng. Trong mùa mưa cây điều sinh trưởng, tích lũy chất dinh dưỡng để khi bước vào mùa khô sẽ ra hoa đậu quả thuận lợi.

- Đất đai:Cây điều mọc được trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây điều chỉ sinh trưởng và cho năng suất cao ở những vùng có tầng đất sâu, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt. Cây phát triển tốt trên đất sét pha cát không có tầng đất cái, với mực nước ngầm ở độ sâu từ 3-6m. Cây điều cũng có thể phát triển tốt trên đất cát pha, vì đặc tính thoát nước tốt, mặc dù loại đất này có độ màu mỡ không cao. Đất đỏ cũng thích hợp cho cây điều sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng điều trên các loại đất sét nặng, bí chặt, đất feralit vùng đồi có tầng đá nổi hoặc tầng sỏi kết gần trên mặt; đất cát rời rạc có tầng nước ngầm ở quá sâu thì cây vẫn sống nhưng không phát triển được và cho cho năng suất rất thấp.

 

 

III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều ghép

1. Giống và tiêu chuẩn giống:

- Đặc điểm một số giống điều chọn lọc: Giống điều phải đạt các tiêu chuẩn sau: Năng suất cao và ổn định (1,5-2 tấn/ha); Tỷ lệ nhân lớn hơn 28%; Kích cỡ hạt ít hơn 170 hạt/kg; Số trái/chùm từ 5-10 trái. Tỷ lệ chồi ra hoa lớn hơn 75%, cây sinh trưởng khỏe, phát tán đều và ít sâu bệnh.

Các giống điều ghép được trồng phổ biến ở Lâm Đồng là BO1, PN1, MH4/5, MH 5/4,…

Quy trình kỹ thuật canh tác cây điều ghép

 

- Tiêu chuẩn cây giống điều ghép:Tuổi cây làm gốc ghép từ 3-4 tháng tuổi; tuổi cây xuất vườn kể từ khi ghép > 45 ngày tuổi; Chiều cao cây tính từ mặt bầu 20-25cm; Số tầng lá đã phát triển hoàn chỉnh đạt 1-2 tầng; đường kính gốc > 8mm; chiều cao chồi ghép > 10cm; thân mọc thẳng, vết ghép tiếp hợp tốt; cây giống không bị nhiễm sâu bệnh, dị hình; kích thước bầu đất 15 x 33cm hoặc 15 x 25cm; được huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn từ 10-15 ngày.

2. Chuẩn bị đất trồng:

Sau khi kiểm tra thổ nhưỡng loại trừ những chỗ có lớp đất mặt quá mỏng hoặc có quá nhiều đá, đất thoát nước kém hoặc đất có những yếu tố bất lợi khác và tiến hành dọn sạch thực bì hoang dại trên toàn bộ lô đất của vườn điều. Các loại cây bụi ưa sáng, mắc cỡ, cỏ tranh là những loài cây hoang dại phát triển rất mạnh trong mùa mưa và chết đồng loạt vào mùa khô lại có thể tái sinh mạnh hơn vào năm sau vừa làm đất bạc màu thêm vừa gây nguy cơ cháy là nhân tố bất lợi cho vườn điều. Đối với loại cây bụi lớn có hệ rễ ăn sâu dùng máy ủi sạch sau đó cày tơi lại 1 lần và bừa 1 lần, đối với cây bụi nhỏ và cỏ dại có thể cày 1 lần và bừa 1 lần. Công việc làm sạch thực bì phải được tiến hành vào đầu mùa mưa khi phần lớn các loại cây, cỏ dại mới tái sinh đồng loạt và chưa kịp ra hoa, kết hạt.

Đối với đất đồi núi không cày bừa được phải chặt cây đánh gốc rồi mới cuốc hố trồng theo bậc thang tại chỗ để hạn chế tình trạng xói mòn rửa trôi đất trong mùa mưa. Việc làm đất kỹ lưỡng và kịp thời vụ chi phí có thể hơi cao, song tính toán lâu dài thực ra lại có hiệu quả cao vì giảm được công chăm sóc sau này đồng thời tạo điều kiện cho vườn điều sinh trưởng thuận lợi và sớm được thu hoạch.

Xây dựng vườn điều: Để bảo đảm việc chăm sóc và bảo vệ đất, vườn cây cần được được thiết kế, xây dựng trước khi trồng. Trong quá trình phân chia lô trên vườn điều phải chú ý đến đường vận chuyển. Việc chuẩn bị hố trồng phải được đánh dấu trước để bảo đảm khoảng cách trồng đúng như dự kiến.

- Thiết kế băng chống xói mòn: Trên những vùng đồi, có độ dốc lớn cần tiến hành làm bậc thang cho từng gốc điều. Tốt nhất là tiến hành làm bậc thang tại chỗ bằng cách lấy phần đất ở phần dốc phía trên gốc cây (a) đem đắp vào gốc  cây phía dốc bên dưới (b) bán kính vòng bậc thang rộng khoảng 1,5 m.

Làm bậc thang

- Thiết kế hàng cây chắn gió: Nhìn chung ở những vùng có gió mạnh làm gãy cành, gây ảnh hưởng xấu khi cây ra hoa đậu quả cần thiết lập hàng cây chắn gió kết hợp dùng làm băng cản lửa. Hàng cây chắn gió nên thiết lập thẳng góc với hướng gió hại chính hay nghiêng một góc 600. Cây chắn gió nên chọn những cây có sức chịu dựng cao như muồng đen, keo tai tượng…

3. Thời vụ trồng:

Trồng vào đầu mùa mưa, ngay khi đất được hưởng lượng nước mưa đầu vụ trở nên mềm, dễ làm. Như vậy cây sẽ có điều kiện sinh trưởng thuận lợi suốt cả mùa mưa. Ở Lâm Đồng, thời vụ trồng điều thích hợp nhất là khi mùa mưa ổn định, thường bắt đầu trồng vào tháng 6 đến 15 tháng 8 dương lịch.   

4. Mật độ và khoảng cách trồng:

Thực tế sản xuất điều cho thấy nhiều vườn điều trồng dày, sau khi tỉa thưa năng suất vẫn không cao bởi vì điều là cây ưa sáng, tán lá phát triển mạnh trong những năm đầu, khi trồng quá dày cây sẽ bị vống cao với bộ tán lá hẹp, thưa thớt cho dù đã tỉa bỏ bớt cây thì tán lá vẫn không phát triển rộng được. Kết quả là năng suất vẫn không được cải thiện. Mật độ  trồng khuyến cáo là 178 cây/ha, khoảng cách 7x8m.

5. Đào và chuẩn bị hố trồng:

Trước khi trồng nên thiết kế để định hướng và định cự ly trồng cho chính xác. Nếu trồng theo hàng, cần thiết kế các hàng theo hướng Bắc - Nam để cây tận dụng tối đa điều kiện ánh sáng cho sự phát triển bộ  tán lá và sự ra hoa kết quả sau này. Đào hố theo hình hộp có kích thước 50x50x50cm hoặc 60x60x60cm. Khi đào hố cần chú ý để lớp đất mặt tơi xốp, nhiều mùn sang một bên miệng hố, phần đất dưới sâu để riêng ở miệng hố bên kia.

Đào hố xong, trộn lớp đất mặt đã để riêng với 10-20kg phân chuồng hoai + 0,5kg phân lân để bón lót. Sau khi đã trộn đều, kéo xuống lòng hố. Việc trộn phân lấp hố phải hoàn tất trước khi trồng ít nhất từ 20 -25 ngày.

6. Kỹ thuật trồng:

Khi mưa ổn định, đem cây con đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn ra trồng.  Đối với đất xám hàm lượng sét cao, thoát nước kém phải vun đất đắp gốc để nước không đọng trong hố trồng sau những cơn mưa lớn. Khi trồng, rải 10-20g Furadan/hố (để hạn chế kiến mối phá hoại cây con), tiến hành móc trộn lại hố, đặt bầu cây xuống cạnh hố dùng dao sắc cắt bỏ đi khoảng 2-3cm dưới đáy bầu, đặt bầu cây xuống chính giữa hố, rạch 1 đường theo chiều dọc của bầu và kéo bầu nilon ra, nén chặt đất quanh gốc cây. Trồng xong nếu không gặp mưa, cần tiến hành tưới nước cho điều với lượng tưới ít khoảng 20 - 30 lít/hố để rễ và đất trong bầu liên kết với đất trong hố và cung cấp đủ nước cho cây con phòng khi gặp hạn trong những ngày đầu.

Trồng dặm ngay khi thấy cây con chết để đảm bảo mật độ trồng và sinh trưởng đồng đều của vườn cây. Trong 2 năm đầu, cây còn nhỏ dễ bị gió mạnh  làm long gốc, nghiêng cây và gãy cành, nên trồng các loại cây chắn gió tạm thời như cây muồng hoa vàng vào giữa 2 hàng điều.

7. Làm cỏ:

Việc trừ cỏ ở những vườn điều mới trồng trong những năm đầu tiên là rất quan trọng vì cỏ dại sẽ cạnh tranh chất dinh dưỡng, ánh sáng và nước với điều. Trong thời gian cây còn nhỏ cần làm sạch cỏ ngay trong gốc và cách mép tán từ 30-50 cm, thường làm sạch cỏ 3 đến 4 đợt/năm. Vào cuối mùa mưa nên phát dọn sạch cỏ và đốt hoặc cày chống cháy ngay để hạn chế cháy vườn vào mùa khô. Trong vườn điều kinh doanh đã khép tán, làm cỏ 1 năm 2-3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Việc làm cỏ và dọn sạch vườn vào cuối mùa mưa có tác dụng giúp cho việc thu hoạch sản phẩm được thuận lợi.

8. Trồng xen:

Các cây họ Đậu như đậu phụng, đậu tương, đậu đen...là những cây trồng xen thích hợp; những loại cây khác như khoai mì, ngô, dứa...vẫn có thể trồng xen vào vườn điều nhưng điều quan trọng là phải bón phân đầy đủ cho cây trồng xen lẫn cây trồng chính.

Trong những năm đầu (ít nhất là 3 năm) khi vườn điều chưa khép tán, nên trồng cây ngắn ngày cách gốc điều từ 1 - 1,5m. Chú  ý không nên trồng xen vào vườn điều các loại cây trồng có cùng loại sâu, bệnh hại như bọ xít muỗi. Ngoài ra, trên các vườn điều có độ dốc lớn có thể trồng các băng cây xen theo đường đồng mức để chống xói mòn và rửa trôi đất (dứa, cỏ vertiver, cốt khí).

9. Tủ gốc và che phủ đất:

Tủ gốc cho cây điều nhỏ tuổi có tác dụng giữ ẩm, điều hòa nhiệt độ đất, hạn chế cỏ dại và cung cấp một phần chất dinh dưỡng khi vật liệu tủ hoai mục. Có thể dùng nhiều vật liệu tủ lấy từ nơi khác đến hay từ chính  lá cây điều và cỏ khô tại chỗ.

Trồng cây phủ đất cũng có tác dụng như tủ gốc nhưng có phạm vi rộng hơn, không chỉ giới hạn ở phần gốc cây. Cây phủ đất có thể là cây phân xanh như muồng hoa vàng, cốt khí...hoặc là một số cây hoa màu đậu đỗ. Cây phủ đất vừa giữ độ ẩm, chống xói mòn đất, cải tạo tiểu khí hậu trong vườn cây, là nơi trú ngụ của các loài ký sinh, thiên địch chống sâu  hại.

10. Tạo hình:

Cây điều nếu để phát triển tự nhiên sẽ phát sinh rất nhiều cành gần sát mặt đất tạo thành cây có dạng bụi và các cành của những cây gần nhau sẽ đan chéo vào nhau làm cho năng suất cây trồng bị giảm thấp. Do đó cần phải quan tâm tạo hình ngay từ 2 năm đầu tiên sau khi trồng.

- Tác dụng của tạo hình (bẻ chồi, tỉa cành, tạo tán): Tạo điều kiện cho ánh sáng xâm nhập sâu vào bên trong tán điều, tăng độ thông thoáng, tăng khả năng đậu quả và hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, cây có tán cân đối, tránh cành đan xen giữa các cây làm giảm sản lượng, xén tỉa tạo hình kịp thời cho phép giảm  những đầu tư không cần thiết về công lao động, vật tư và làm cho vườn cây đạt sản lượng cao.

Quy trình kỹ thuật canh tác cây điều ghép

 

Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán:

+ Khi cây còn nhỏ 1-3 năm tuổi thường xuyên theo dõi và đánh bỏ chồi vượt kịp thời, để cố định 1 thân chính, cắt những cành dưới thấp, chỉ để lại các cành cách mặt đất ở độ cao từ 0,6 m trở lên. Điều này giúp cho cây tập trung dinh dưỡng để vươn cao, về sau việc chăm sóc vườn cây được dễ dàng, thu nhặt quả cũng được thuận lợi. Nên cắt những cành có góc phân cành hẹp, nhằm tạo điều kiện cho ánh sáng xuyên qua dễ dàng, tạo cho cây non có bộ tán phát triển cân đối.

+ Khi cây ở thời kỳ kinh doanh (từ năm thứ 4 trở đi): Việc tỉa cành tạo tán được thực hiện đều đặn 2 lần/năm. Lần 1 sau khi thu hoạch xong kết hợp với dọn  vườn và làm cỏ đợt 1, đợt này thường làm vào tháng 5-6 hàng năm. Lần 2 tiến hành tỉa cành tạo tán vào trước lúc ra hoa khoảng 2-3 tháng để việc ra hoa đậu quả được thuận lợi, khoảng tháng 9-10 hàng năm.

Khi tỉa cành cần cắt bỏ những cành khô, mục, cành bị sâu bệnh phá hoại, các cành rợp trong tán cây và các cành đan xen vào nhau. Một số trường hợp cây sinh trưởng mạnh, ít ra hoa quả, có thể tỉa cành nặng để hạn chế sinh trưởng sẽ kích thích phát dục, nâng cao năng suất của cây. Trên những cây lớn tuổi, cành to, già cỗi có tán giao nhau giữa các cây, có thể tỉa đau bằng cách cắt ngọn cành tới 2/3 chiều dài cành. Việc tỉa đau thường làm suy yếu cây, vì thế 2 - 3 năm mới tạo hình đau 1 lần. Trong việc tỉa cành chú ý làm vệ sinh tốt các vết cắt, nhất là các cành to, nếu không làm tốt sẽ tạo điều kiện cho bệnh chảy mủ phát triển làm suy yếu cây. Dụng cụ tỉa là cưa sắc hay kéo, khi tỉa tránh làm tổn thương các cành giữ lại trên cây. Quét dung dịch Bordeaux 1% lên các mặt cắt lớn.

11. Bón phân:

11.1. Bón phân thời kỳ KTCB của vườn điều ghép thường kéo dài khoảng 3 năm kể từ khi trồng tùy theo điều kiện đất đai và chăm sóc. Ngoài lượng phân hữu cơ được bón lót khi trồng mới, Ở giai đoạn này cây cần được bón phân nhiều đợt (3-4 đợt/năm) với liều lượng ít vào lúc cây đã hoàn thành đợt lá trước và chuẩn bị phát đợt lá tiếp theo. Liều lượng phân bón khuyến cao như sau:

+ Lượng phân nguyên chất:

Tuổi cây

Số lượng phân nguyên chất(g/cây/năm)

N

P2O5

K2O

Năm thứ nhất

60

25

21

Chăm sóc năm thứ 2

129

50

36

Chăm sóc năm thứ 3

253

83

72

+ Lượng phân nguyên chất quy thành phân thương phẩm:

Tuổi cây

Số lượng phân bón thương phẩm (g/cây/năm)

Urê

Super Lân

Kaliclorua

Năm thứ nhất

130

150

35

Chăm sóc năm thứ 2

280

300

60

Chăm sóc năm thứ 3

550

500

120

Phân lân được chú ý trong các năm đầu tiên để giúp vào sự phát triển của bộ rễ. Khi cây còn nhỏ để tránh hiện tượng cây bị xót rễ, cháy lá hoặc chết, khi bón phân cần rải đều trên mặt cách xa gốc 25-30cm, dùng cuốc xăm xới và lấp phân. Cây lớn thì bón theo chu vi hình chiếu của rìa bên ngoài tán cây. Trước khi bón nên trộn đều phân Urê với phân Kali để bón, phân lân cần bón riêng.

11.2. Bón phân thời kỳ kinh doanh của vườn điều ghép được tính từ năm thứ 4 trở đi. Giai đoạn này cây thường phát triển từ 1-2 đợt lá/năm. Lượng phân bón cho điều thường được chia làm 2 đợt, đợt 1 bón vào đầu mùa mưa (tháng 5- 6),  đợt 2 bón vào cuối mùa mưa nhưng phải trước khi chấm dứt mưa khoảng 1 tháng (tháng 9-10). Khi vườn điều chưa khép tán nên bón phân theo hình vành khăn: đào rãnh sâu 10- 15cm quanh mép tán sau đó rải đều phân và lấp lại. Đối với những vùng đất dốc thì đầu mùa mưa bón trên phần đất cao và cuối mùa mưa bón trên phần đất thấp của tán. Khi vườn cây đã khép tán nên đào rãnh giữa hai hàng cây theo ô bàn cờ để bón phân. Nên bón thêm phân chuồng khoảng 10-20 kg/cây/năm hoặc 5-10kg phân hữu cơ vi sinh. Ở những vùng đất nghèo dinh dưỡng có thể tăng lượng phân bón lên gấp đôi. Liều lượng phân bón khuyến cáo cho cây điều ở thời kỳ kinh doanh như sau:

+ Khối lượng phân nguyên chất:

Tuổi cây

(năm)

Số lần bón (lần/năm)

Số lượng phân nguyên chất (g/cây/đợt)

N

P205

K2O

Năm thứ 4

1

2

369

323

83

83

90

120

Từ năm thứ 5 trở đi

Điều chỉnh lượng phân bón theo tình trạng của vườn cây

+ Khối lượng phân nguyên chất quy thành phân thương phẩm:

Tuổi cây

(năm)

Số lần bón (lần/năm)

Loại phân (g/cây/đợt)

Urê

Super Lân

Kaliclorua

Năm thứ 4

1

2

800

700

500

500

150

200

Từ năm thứ 5 trở đi

Điều chỉnh lượng phân bón theo tình trạng của vườn cây

Bổ sung dinh dưỡng cho vườn điều vào thời điểm ra hoa đậu quả để thu được năng suất cao bằng cách sử dụng các chế phẩm phun qua lá chuyên dùng cho cây điều như HPC - B97, TN Grow…. Ở những vườn điều kinh doanh cần có máy phun cao áp mới phun được cho cây điều trưởng thành.

IV. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

Phòng trừ sâu bệnh hại nên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp nâng cao hiệu quả kinh tế: Làm cỏ vệ sinh vườn sạch sẽ; bón phân cân đối; theo dõi quản lý dịch hại bằng cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời đúng lúc, đúng thuốc đúng cách và đúng liều lượng có nhiều loại sâu bệnh hại điều nhưng trong quy trình này chỉ trình bày một số loài gây hại nặng và phổ biến như sau:

A. Sâu hại:

1. Sâu đục thân (Xén tóc nâu)(Plocaederus spp)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:Có 2 loài sâu đục thân gây hại trên cây điều. Sâu trưởng thành là bọ cánh cứng, họ Cerambicidae, bộ Coleoptera dài khoảng 25-40 mm, có đôi râu đầu gồm 10 đốt. Râu đầu có gốc to, đầu mỗi đốt râu có màu đen. Thân màu nâu đỏ, đầu và ngực màu nâu sẫm hoặc đen tuyền. Trứng có hình bầu dục, màu trắng đục. Sâu non có màu trắng. Trưởng thành cái đẻ trứng từng cái riêng lẻ vào các khe hở của vỏ gốc thân từ 1m trở xuống hoặc phần rễ cây phơi ra ngoài. Sau 4-6 ngày trứng nở. Sâu non đục vào phần mô vỏ cây, chỗ sâu đục có nhựa tiết ra ngoài cùng với mùn cây. Sâu non ăn các mô dưới biểu bì của thân cây tạo ra thành những đường hầm nhiều ngóc ngách làm tắc các mô mạch dẫn nhựa của cây. Vòng đời của sâu đục thân khoảng 10 tháng. Sâu gây hại lẻ tẻ từng cây hoặc thành  từng vùng cục bộ  trong vườn. Trên một cây có thể chỉ gây hại một vài cành. Khi cây bị gây hại nặng, lá cây bị vàng và rụng, cành hoặc thân bị khô dần và chết.   

-  Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Đây là loài sâu rất khó phòng trừ, hiệu quả nhất là  thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sớm các lỗ đục, rạch lỗ đục giết  chết sâu non, bắt trưởng thành giết bằng tay khi chúng vũ hóa ra ngoài, chặt bỏ cây chết và đốt để tránh lây lan.

Biện pháp hóa học: Sử dụng hỗn hợp vôi + lưu huỳnh + nước theo tỷ lệ (10:1:40), có thể thêm đất sét quét quanh gốc từ 1,2m trở xuống để ngăn ngừa  trưởng thành đẻ trứng hoặc dùng các loại thuốc như Tungcydan 55EC, Tungatin 3.6EC và Amara 55E để phòng trừ.

2. Sâu đục ngọn (Bọ phấn đầu dài)(Alcides sp.)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Trưởng thành thuộc họ Curculionidae,  bộ Coleoptera, có màu nâu đen, dài 10-13mm. Phần đầu kéo dài thành một vòi cứng để đục lỗ và đẻ trứng vào mô non của chồi. Trứng có màu kem, hình bầu dục. Sâu non có màu hơi vàng, đầu màu nâu. Trứng và sâu non nằm trong đường hầm do trưởng thành đục trong lõi chồi non. Trưởng  thành dùng vòi đục 8 -10 lỗ vào gần ngọn chồi non và đẻ trứng vào đó. Khi mới bị bọ phấn đục, chồi vẫn xanh tốt. Sau đó thối đen, héo và rụng. Vòng đời của bọ phấn khoảng 45-53 ngày.  Sâu xuất hiện và gây hại phổ biến từ tháng 6-8, nhất là vào giai đoạn cây có nhiều chồi non.

-  Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Phát hiện sớm chồi bị sâu đục, cắt và đem chôn xuống đất hoặc đốt; phun thuốc trừ sâu non thường không có hiệu quả vì sâu non ẩn náu trong lõi chồi.

Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc như Quilux 25EC, Kinalux  25EC, Bian 40EC để phòng trừ.

3. Bọ xít muỗi(Helopeltis antonii.)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:Trưởng thành có màu nâu đỏ, đầu đen, ngực đỏ, bụng có màu trắng. Con cái dài 8mm, con đực dài 6mm. Trứng màu đen được đẻ dưới lớp biểu bì chồi non, gié hoa, cuống và gân lá. Bọ xít dùng vòi chích vào các mô non của lá, chồi non, hoa, quả và hạt non. Lá non bị hại thì trên phiến lá xuất hiện các chấm màu đen, lá cong và biến dạng và khô trên cây. Trên bề mặt hạt non bị gây hại có những đốm tròn, nâu, hạt bị nhăn lại và khô. Quả bị gây hại thì bị rụng non. Vết chích của bọ xít còn tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Bọ xít muỗi xuất hiện quanh năm nhưng thường gây hại nặng vào giai đoạn cây có chồi non và ra hoa. Bọ xít muỗi thường xuất hiện và hút nhựa vào sáng sớm trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Tuy nhiên ở những vườn điều rậm rập và ẩm thấp thì bọ xít muỗi thì có thể xuất hiện suốt trong ngày. Tại các vườn điều non do cây con phát sinh chồi liên tục nên bọ xít muỗi phá hoại quanh năm. Bọ xít muỗi làm cây bị khô ngọn, cháy lá, khô hoa, rụng trái.

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Tạo hình, tỉa cành tạo thông thoáng cho cây, dọn vệ sinh, làm cỏ...nhất là vào thời gian trước lúc ra hoa. Nuôi kiến đen (Dolichoderus  thoracinus) trong vườn điều để hạn chế sự phát triển của bọ xít muỗi.

Biện pháp hóa học: Khi mức độ gây hại của bọ xít muỗi lên cao > 10% cây, chồi bị hại có thể dùng một trong số các loại thuốc như: Alfathrin 5EC, Etimex 26ECvà Tungcydan 60EC để phòng trừ bọ xít muỗi.

4. Sâu phỏng lá (Acrocercop syngramma)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Trưởng thành thuộc họ Lythocolletidae, bộ Lepidoptera. Sâu non mới nở có màu trắng, khi phát triển đẩy đủ có màu nâu đỏ. Thời kỳ sâu non dài 10-14 ngày. Trưởng  thành đẻ trứng ở các chồi non, lá non. Sâu non ăn phần thịt lá, lớp biểu bì lá phồng lên tạo thành các đốm trắng trên lá. Sau đó phần phồng lên này sẽ bị khô và gãy vụn. Sâu thường gây hại cây điều  non, nhất là cây con trong vườn ươm hoặc cây điều kinh doanh trong thời kỳ ra lá non.

- Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh vườn, làm sạch cỏ dại và chăm sóc cây khỏe hạn chế sâu gây hại. Khi bị nặng vào các thời kỳ cây ra các đợt chồi non có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu để phun như: Sherpa 25 EC, Decis 2.5 EC, Cymerin 25 EC.. với nồng độ 0,3%

5. Sâu róm(Cicula trifenertrata)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:Sâu non mới nở có màu nâu vàng, khi lớn lên có màu nâu đen, toàn thân có lông dài và gai gây ngứa. Khi đẫy sức sâu non dài 6cm. Trưởng thành là loài bướm đêm thuộc họ Saturnidae, bộ Lepidoptera. Trưởng thành có màu vàng nâu. Bướm đực thường nhỏ hơn bướm cái và có màu  nhạt hơn. Bướm đẻ trứng thành từng dãy xếp đều xung quang mép dưới lá. Trứng có hình bầu dục. Sâu non ăn phiến lá chỉ còn trơ cuống. Sâu thường sống  thành từng đàn ở mặt dưới lá. Sâu có thể phát triển thành dịch ăn  trụi lá cả vườn điều làm cây suy kiệt và chết cành. 

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Hàng năm sau khi thu hoạch cần tiến hành tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế trưởng thành đẻ trứng, thường xuyên thăm vườn kiểm tra và phát hiện kịp thời, vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom các cành, lá có ổ trứng, kén và sâu non mới nở đem tiêu hủy, dùng bẫy đèn để thu hút trưởng thành ở giai đoạn vũ hóa.

Biện pháp hóa học: Phát hiện kịp thời để phun trừ khi sâu non còn nhỏ (tuổi 1, 2). Dùng một trong các loại thuốc trừ sâu như: Vovinam 2.5EC, Tungcydan 55EC, 30EC, Tungent 5SC và Tungperin 10EC, 25EC để phòng trừ.

6. Sâu đục quả và hạt(Thylocoptila paprosema)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:Sâu thường xuất hiện và phá hoại vào giai  đoạn đậu và phát triển quả làm thiệt hại về năng suất và chất lượng hạt điều. Sâu  tấn công trái bất cứ giai đoạn nào làm cho trái bị nhăn lại và rụng. Sâu non có màu hồng đậm và rất linh hoạt, bên ngoài được phủ một lớp lông tơ, đầu có màu đen. Sâu non đẫy sức dài 15-19mm. Trưởng thành thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Trưởng thành thường đẻ trứng vào kẻ giữa quả và hạt. Sâu non nở ra sẽ đục vào trong quả hoặc hạt là các bộ phận này bị nhăn nheo và rụng. Sâu non khi đẫy sức sẽ rơi xuống đất và hóa nhộng sống trong kén ở trong đất.

- Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh vườn, loại bỏ quả, hạt bị sâu đục và đem tiêu hủy. Có thể dùng thuốc Basitox 40EC phun vào giai đoạn cây đậu quả. Chú ý khi phun thuốc phải theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

B. Bệnh hại:

1. Bệnh lỡ cổ rễ:

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại nặng cho cây con trong vườn ươm và vườn kiến thiết cơ bản, nhất là đối với cây con dưới 3 tuần tuổi. Cây con bị héo lá. Lớp vỏ của phần gốc thân sát mặt đất bị thối, thâm đen, lõm vào trong, cây con héo dần và chết. Bệnh lở cổ rễ cây con có thể do các loại nấm gây hại:  Phytophthora sp., Pythium sp.,Fusarium sp., Rhizoctonia sp. Bệnh xuất hiện và phát triển mạnh khi độ ẩm của đất quá cao, đất vào bầu không được xử lý hay lấy đất tại những vùng nhiễm bệnh và vườn ươm ẩm thấp, ngập úng.

- Biện pháp phòng trừ: Phòng bệnh là vấn đề quan trọng nhất đối với bệnh này: Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng nước nóng (52-550C); xử lý đất vô bầu bằng Formalin 40% ở nồng độ 8%. Dùng bạt nilon che kín 10 ngày sau đó dỡ bạt trộn đều trước khi gieo; xây dựng vườn ươm tại nơi khô ráo và thoát nước tốt; đảm bảo mật độ gieo trồng thích hợp; sử dụng nguồn nước tưới sạch bệnh.

Có thể tham khảo dùng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Thuốc gốc đồng, Iprodione, Metalaxyl + Mancozeb

2. Bệnh thán thư:

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây điều, gây hại trên lá, chồi, nhất là hoa và quả. Vết bệnh trên lá là những đốm cháy màu nâu không có hình dạng cố định. Trên chồi là các vết màu nâu hoặc nâu đen dọc theo chiều dài chồi, các vết bệnh này có thể liên kết lại với nhau. Khi bệnh nặng chồi bị khô, teo lại. Trên chùm hoa, bệnh xuất hiện ở đầu, nách hoặc ở cuống chùm hoa, bệnh làm khô và rụng bông. Trên quả, vết bệnh  lúc đầu là các chấm nhỏ có màu nâu đậm, sau đó lớn dần và liên kết lại với nhau  thành từng các vết lớn có màu nâu đậm. Nhân và quả bị nhiễm bệnh teo lại và có thể rụng non. Trong trường hợp bệnh gây hại nặng thì cành có vết bệnh sẽ khô héo và chết dần. Bệnh thán thư do nấm Gloeosporium  sp.và Colletotrichum  gloeosporoides gây ra. Bệnh xuất hiện từ đầu mùa mưa nhưng gây hại nặng vào giữa và cuối mùa mưa khi cây điều ra chồi, hoa và quả non. Trên cây điều kiến  thiết cơ bản, bệnh phát triển và gây hại nặng từ tháng 8 đến tháng 12, trên cây điều kinh doanh, bệnh thường tập trung gây hại mạnh vào hai giai đoạn là tháng 11-12 (quả non) và tháng 3 - 5 (trổ hoa).

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, cắt bỏ các cành, lá, hoa bị bệnh đem chôn hoặc đốt để giảm nguồn bệnh. Thường xuyên diệt cỏ dại.

Biện pháp hóa học: Dùng các loại thuốc như Score 250EC, Kocide 46.1DF, Agrodazim 50SL, Carban 50SC, Carbenzim 500FL, Norshield 86.2WG xử lý 2 lần cách nhau 7 ngày, phun vào giai đoạn cây ra  lá non, đặc biệt vào giai đoạn chồi hoa mới nhú ra, quả mới vừa đậu. Khi vườn điều chuẩn bị ra hoa dùng Viben-c (20 - 25g/8 lít nước; 0,25-0,3%), Bendazol 50 WP (30-40 g/81ít nước; 0375-0,4%)  phun phòng bệnh phá hoại chồi hoa và trái non.

3. Bệnh khô cành: (Corticium salmonicolor)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa khi vườn cây có độ ẩm cao. Nấm thường tấn công vào các cành gây khô dần từ ngọn trở xuống. Lá trên cành bị bệnh vàng và rụng dần cùng với hiện tượng khô cành. Lúc đầu các đốm bệnh xuất hiện trên vỏ có màu trắng sau chuyển sang màu hồng. Bệnh thường tấn công vào vỏ chỗ phân cành. Bào tử lan dần xuống gốc theo nước chảy.

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn trồng, dọn cỏ và phát quang bụi rậm làm cho vườn thông thoáng, cắt tỉa và đốt các cành bị sâu bệnh chết khô nhằm tiêu diệt mầm mống bệnh tiềm tàng trên vườn.

Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Carbendazim, Hexaconazole, Validamycin. Phun theo liều lượng khuyến cáo.

 

V. Thu hoạch sơ chế và bảo quản:

Việc thu hoạch, bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá trị các sản phẩm hạt và trái. Vì vậy đòi hỏi phải thu hái đúng kỹ thuật, kịp thời và bảo quản tốt nhằm duy trì tối đa chất lượng sản vốn có của sản phẩm.

1. Xác định độ chín của hạt và quả: Cần phân biệt giữa chín hình thái và chín sinh lý. Chín sinh lý là giai đoạn hoàn thành sự phát triển của phôi và hạt có thể nẩy mầm để phát triển thành cây khi có điều kiện thích hợp nhưng chưa hoàn  tất quá trình biến đổi hóa sinh bên trong sản phẩm thu hoạch. Chín hình thái là giai đoạn quả chín hoàn toàn và thường hoàn thành sau khi chín sinh lý. Vì vậy để bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao cần phải thu hoạch khi quả chín hình thái. Với trái điều dấu hiệu chín hình thái biểu thị khi màu sắc bên ngoài của  trái đã chuyển sang màu đỏ hoặc vàng (tùy theo giống). Ở thời điểm này trái có độ chát thấp nhất, thịt trái mềm, mọng nước, ngọt và có hương thơm đặc trưng của trái. Với hạt, dấu hiệu chín hình thái biểu thị khi vỏ hạt chuyển từ màu xanh  lá cây sang màu nâu xám. Thông thường hạt chín muộn hơn quả vài ngày vì vậy khi hạt chín thì quả đã quá chín và rụng xuống đất. Đối với điều, hạt là bộ phận có giá trị kinh tế lớn nhất vì vậy có thể thu hoạch bằng cách nhặt hạt dưới đất sau khi quả rụng sẽ bảo đảm hạt có chất lượng cao nhất. Trước khi sắp bước vào vụ thu hoạch cần dọn sạch cỏ, lá khô dưới tán cây để dễ phát hiện trái điều rụng.

2. Phương pháp thu hoạch: Tùy theo yêu cầu của sản xuất có thể chọn lựa một  trong hai phương pháp thu hoạch sau:

- Thu hái trên cây: Nếu cần thu hoạch cả hạt và trái điều thì việc thu hái được tiến hành ngày ngay trên cây. Phương pháp này thường tốn công nhưng thu được cả trái để sử dụng vào mục đích khác. Quả khi hái xuống được tách riêng hạt và trái. Trái cần đưa vào sử dụng hay chế biến ngay do rất dễ bị hư hỏng vì quá trình lên men xảy ra trong vòng 24-36 giờ sau khi thu hái. Đây là trở ngại chính trong việc vận chuyển, chế biến trái điều.

- Thu nhặt dưới đất: Nếu không cần sử dụng trái điều thì để quả rụng xuống đất và thu nhặt quả dưới đất với định kỳ 2-3 ngày một lần nếu không có mưa hoặc thu nhặt hàng ngày khi trời mưa. Đây là phương pháp thu hoạch phổ biến ở các vườn trồng điều. Phương pháp thu hoạch này tiết kiệm được công thu hoạch và bảo đảm được chất lượng hạt nhưng phải có biện pháp chống thất thu và mất mát.

3. Phương pháp tách quả và hạt: Quả thu hoạch về phải tách riêng hạt và trái ra. Hạt phải được loại bỏ cuống, làm sạch phần  thịt  trái dính ở cuống hạt và có thể rửa cho thật sạch. Sau đó làm sạch đất cát để không gây trở ngại cho việc phân loại hạt trong quá trình chế biến.

4. Phơi hạt điều: Sau khi làm sạch, hạt điều được phơi từ 2-3 ngày để bảo đảm độ ẩm hạt xuống dưới 9% (bấm ngón tay vào vỏ hạt không có vết) rồi dùng sàng (lỗ sàng 1cm) loại bỏ những dị vật trong hạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy hạt điều ở độ ẩm 9% có thể bảo quản dễ dàng mà không ảnh hưởng đến chất lượng nhân điều bên trong. Việc sơ chế này rất quan trọng cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế vì hạt điều là nguyên liệu cần được cung cấp quanh năm cho nhà máy chế biến.

Nếu hạt có độ ẩm quá cao sẽ bị nấm mốc phá hại trong quá trình bảo quản mặt khác nhân điều chứa nhiều chất béo (38-47%) rất bị hư hỏng và màu sắc của  nhân điều sẽ chuyển từ màu trắng sang vàng làm giảm giá trị của sản phẩm. Những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt điều là thu hoạch khi hạt chưa chín hoàn toàn (hạt còn non), độ ẩm trong hạt còn cao (> 9%) và nơi cất giữ không đạt yêu cầu thông thoáng và mát.


Theo Trung tâm khuyến nông lâm đồng





TIN TỨC KHÁC :