Trồng rừng khấm khá
Ngày đăng: 2015-04-04 15:05:52
Toàn bộ diện tích rừng của Vườn Quốc gia là cây tràm bản địa. Hiện nay giá gỗ tràm tăng, giúp các hộ trồng rừng tăng nguồn thu đáng kể.
Người dân vùng U Minh Hạ khá lên nhờ phát triển rừng
Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) có tổng diện tích 8.527,8 ha, nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời).
Về vùng rừng quốc gia U Minh Hạ cách đây vài năm tôi vẫn bị ám ảnh bởi một vùng đất phèn, cây lúa không thể “ngóc đầu” lên nổi, đời sống của người dân chồng chất khó khăn. Nay nhiều hộ khá hơn hẳn, mới biết họ phất lên nhờ rừng.
Khấm khá
Toàn bộ diện tích rừng của Vườn Quốc gia là cây tràm bản địa. Hiện nay giá gỗ tràm tăng, giúp các hộ trồng rừng tăng nguồn thu đáng kể.
Ông Lê Văn Hiển, một hộ dân canh tác rừng trong lâm phần U Minh Hạ thuộc xã Trần Hợi cho biết, tràm lớn loại dùng để làm cột nhà và đóng đồ đạc như bàn ghế, tủ, giường có giá khá cao, dao động trên dưới 100 ngàn đồng/cây. Còn tràm nhỏ, dùng để làm cừ, tùy loại từ 10 - 25 ngàn đồng/cây.
Gia đình ông Hiển có 3 ha tràm, tính trung bình mỗi năm thu 70 triệu đồng. Ông Hiển cho biết thêm, nhiều hộ ở đây được giao diện tích đất canh tác lớn, trồng cả chục ha tràm. Họ không cần phải thu hoạch mà chỉ khoán cho các thương lái với giá từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Thêm đó có nguồn cá đồng dưới rừng tràm, các hộ này thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.
Nhiều bà con nông dân ấp 12, xã Khánh An chia sẻ, nhờ giá trị từ rừng mang lại mà người dân đã khấm khá, không những cơm no áo ấm mà còn có của ăn của để xây nhà cửa khang trang, sắm sửa xe cộ. Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều hộ đầu tư trồng keo lai lãi lớn.
Rừng U Minh Hạ không chỉ nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng mà còn được biết đến bởi “giàu” phèn, rất khó khăn cho SX lúa. Có nơi 1 năm chỉ canh tác được một vụ lúa/năm, năng suất không cao. Chính từ cái khó này nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang tràm và trồng thử nghiệm cây keo lai. Không ngờ quyết định táo bạo của một số hộ mang lại lợi nhuận đáng kể.
"Đến nay có khoảng 5.000 ha keo lai được trồng tập trung tại U Minh Hạ, chủ yếu là củaCty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ và một số đơn vị được thuê đất rừng. Hiện người dân đang trồng mạnh loại cây này", ông Trần Văn Thức, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau.
Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh cho biết: "Nhiều năm trước, cây keo lai được trồng ở khu vực U Minh Hạ, bằng hình thức trồng phân tán trên các bờ kênh, bờ thửa của các hộ dân, đơn vị quản lý rừng. Những năm gần đây cây keo lai được người dân chú ý do dễ trồng, phát triển nhanh, dễ bán và có giá trị hơn lúa và tràm".
Chị Trần Thị Kiều ở xã Khánh An, một chủ hộ trồng rừng nói: "Keo lai đang được giá, loại cây lớn có giá hơn 3 triệu đồng/khối, cây nhỏ hơn là 2,5 triệu đồng/khối. Cành được lột vỏ, ngâm nước bán dùng để làm giấy là 800 đồng/kg.
Gia đình tôi có hai hàng cây keo lai được trồng bao quanh diện tích đất rừng, vừa qua tỉa một số cây lớn, được 4 khối gỗ cộng tiền vỏ cũng được gần 15 triệu đồng. Nhận thấy được cây keo lai có giá trị lớn, năm trước tôi đã cuốc 1 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng keo lai, hứa hẹn sau vài năm sẽ có nguồn thu nhập ổn định".
Theo đánh giá của các hộ trồng rừng ở vùng U Minh Hạ, keo lai là loại cây có khả năng chịu đựng được khô hạn, phèn mặn và rất nhanh lớn. Nó thích hợp với vùng này, trồng từ 3 - 5 năm đã có thể thu hoạch, không như cây tràm từ 7 - 10 năm. Cây keo lai đang được trồng nhiều không chỉ vì dễ trồng mà giá trị kinh tế cao hơn cây tràm từ 3 - 4 lần.
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, trước đây keo lai chưa có trong danh mục các loài cây trồng chính ở ĐBSCL. Do nhu cầu của dân và doanh nghiệp và hiệu quả đem lại về mặt kinh tế của cây keo lai, tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT và được Bộ thống nhất bổ sung 2 loài cây (keo lai và bạch đàn) là loài cây trồng rừng tại Cà Mau.
Theo NNVN
TIN TỨC KHÁC :