Quy trình phòng chống rệp bông xơ hại mía

Ngày đăng: 2016-05-07 07:46:37


I. Điều tra

1. Chọn địa bàn, cây trồng

Từ bảng diện tích gieo trồng của tỉnh Nghệ An năm 2014 có thể nhận thấy Nghĩa Đàn là một trong những huyện có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh với diện tích 8.648 ha.

2. Tiến hành điều tra

2.1 Thông tin của trạm nguyên liệu

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hòa trạm trưởng trạm nguyên liệu số 4 nhà máy đường NASU để nắm được các thông tin chung về hạch toán cây mía như năng suất, giá bán, doanh thu và chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, về các dịch hại chính trên cây mía mà người dân quan tâm phòng trừ và các xã điển hình trồng mía trong huyện.

2.2 Thông tin của xã

Về Nghĩa Hội, một trong những xã điển hình trồng mía của Nghĩa Đàn chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Trọng cán bộ địa bàn của trạm nguyên liệu số 4 để nắm thêm thông tin về hạch toán cây mía, dịch hại chính trên mía cũng như các hộ dân trồng mía điển hình của xã.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Sơn, ông Phạm Văn Thắng, xóm 1 xã Nghĩa Hội những hộ nông dân điển hình của xã để làm rõ thông tin về hạch toán cây mía cũng như các dịch hại chính trên cây mía.

2.3 Tổng hợp thông tin của huyện

Từ các thông tin điều tra được cho thấy năng suất mía của Nghĩa Đàn đạt 60 - 70 tấn/ ha/ vụ. Giá bán tùy vào thuộc chỉ số đường nên thường dao động từ 800.000 – 900.000 đồng/ tấn. Doanh thu trung bình từ cây mía từ 50 - 65 triệu đồng/ ha/ vụ, trừ các khoản chi phí mỗi ha người dân lãi trung bình khoảng 7 - 15 triệu đồng với mía tơ và 20 - 30 triệu đồng với mía lưu gốc. Để đạt được năng suất từ trung bình trở lên chi phí đầu tư cho 1 ha/ vụ của người dân về thuốc BVTV khoảng 1 - 1.5 triệu đồng, phân bón 15 - 16 triệu đồng, nhân công 18 - 20 triệu đồng.

Từ đó chúng tôi kết luận chọn cây mía ở huyện Nghĩa Đàn vì hạch toán cho thấy cây mía là cây trồng chính của huyện, lợi nhuận cao hơn trồng lúa nên người dân quan tâm phòng trừ sâu bệnh.

Chúng tôi tính chi phí chi tiết sử dụng thuốc trên từng dịch hại chính trên mía tại huyện Nghĩa Đàn. Từ chi phí sử dụng thuốc có thể thấy rệp bông xơ là một trong các đối tượng dịch hại chính trên mía được người dân quan tâm phòng trừ, chi phí cho sử dụng thuốc trừ rệp bông xơ hại mía tại huyện Nghĩa Đàn khoảng 2.5 tỷ đồng. Chúng tôi kết luận chọn rệp bông xơ hại mía tại huyện Nghĩa Đàn vì đây là đối tượng dịch hại chính có nhu cầu sử dụng thuốc cao.

3. Tập quán dùng thuốc

Từ các thông tin thu thập được chúng tôi nhận thấy các loại thuốc trừ rệp bông xơ tập trung vào hai nhóm. Nhóm một là các sản phẩm ưu thế về mặt kỹ thuật với các hoạt chất ThiamethoxamImidacloprid ... đây là những hoạt chất có khả năng lưu dẫn mạnh có tác động tiếp xúc, vị độc, nếu dùng theo 4 đúng có thể đạt hiệu lực trên 95% trong việc phòng trừ rệp bông xơ. Nhóm hai là các sản phẩm ưu thế về mặt giá với hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Dimethoate ... các sản phẩm này cũng khá hiệu quả trong phòng trừ rệp bông xơ. Hiện tại các dòng hoạt chất này khá phổ biến nên ngoài chất lượng doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá.

Dựa và kinh nghiệm và ý kiến của các chuyên gia chúng tôi xếp hạng và xác định được chỗ đứng các sản phẩm trong hai nhóm trên trong việc phòng chống rệp bông xơ tại Nghĩa Đàn.

4. Đề xuất thuốc

Chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp tiến hành làm trình diễn phòng chống rệp bông xơ với các sản phẩm có ưu thế về mặt kỹ thuật theo quy trình cụ thể, nghiên cứu chính sách đối với các loại thuốc có ưu thế về giá, tổ chức hội thảo giới thiệu các sản phẩm và kết quả trình diễn.

 

II. Cây mía

1. Tổng quan

Cây mía là loại cây có nhiều dưỡng chất như đạm, can xi, khoáng, sắt và nhiều nhất là đường. Mía bổ xung dinh dưỡng cho cơ bắp, thanh nhiệt, giải khát, xóa tan mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa. Ngoài sản xuất đường, mía còn là nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác như giấy, ván ép, sản xuất điện từ bã mía, chăn nuôi bò sữa từ lá và ngọn mía; rỉ đường được dung làm nguyên liệu trong công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, rượu, dung môi Axeton, Butanol, nấm men, Axít Citric, Lactic, Glyxerin, thức ăn gia súc và phân bón.

1.1 Tình hình gieo trồng

Cây mía là cây trồng nhiệt đới, phát triển tốt trong phạm vi từ 350 vĩ tuyến Bắc đến 350  vĩ tuyến Nam. Cây mía không kén đất, có thể trồng được trên nhiều loại đất từ đất cát đến sét nặng. Mía sinh trưởng phát triển tốt từ 21- 350C, cây mía thích ứng rất rộng từ vùng khô có lượng mưa từ 800-900 mm/năm đến vùng mưa nhiều 2000- 3000 mm/ năm. Tuy nhiên, mía là cây ưa nắng, thông thường thời gian nắng khoảng từ 2.400 giờ trở lên trong năm mới đạt để cây mía phát triển tiềm năng của nó. Việt Nam nằm ở vị trí 8-230 vĩ tuyến Bắc nên hoàn toàn thích hợp cho cây mía phát triển

Mía đường thế giới phát triển từ thế kỷ 16 và với tốc độ tăng trưởng rất mạnh, đầu những năm cách mạng công nghiệp (1750-1830) sản lượng đường thế giới đạt 820 nghìn tấn/ năm, hiện nay đạt 170 triệu tấn/ năm. Trên thế giới cây mía  được trồng ở hơn 100 nước. Những nước sản xuất đường nhiều gồm: Braxin khoảng 35 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 24 triệu tấn, Trung Quốc khoảng 13 triệu tấn, Thái Lan khoảng 8,4 triệu tấn, Mỹ khoảng 7,1 triệu tấn, Mexico khoảng 5,5 triệu tấn, Úc khoảng 4,5 triệu tấn, Nam Phi khoảng 2,2 triệu tấn, Indonesia khoảng 2 triệu tấn, Ai Cập khoảng 1,8 triệu tấn, Cu Ba khoảng 1,3 triệu tấn. Braxin và Ấn Độ là hai nước đứng đầu thị trường đường, Ethanol và điện từ mía đường; 69% mía đường của Braxin được sản xuất Ethanol.

Ở nước ta diện tích trồng mía khoảng 310 nghìn ha và có 40 nhà máy chế biến đường (năng suất bình quân 60 tấn/ ha, thấp hơn năng suất bình quân của thế giới là 70 tấn/ ha). Cây mía ở nước ta được trồng tại các vùng chính như sau (Diện tích trồng mía tại các địa phương thay đổi qua từng năm do chuyển đổi cơ cấu cây trồng):

Vùng miền núi phía Bắc diện tích trồng mía chiếm 7,8% diện tích trồng mía của cả nước (Sơn La 4,5 nghìn ha, Tuyên Quang 7 nghìn ha, Cao Bằng 2,5 nghìn ha, Hòa Bình 8,7 nghìn ha …).

Vùng đồng bằng Sông Hồng có diện tích trồng mía không đáng kể.

Vùng Bắc Trung Bộ diện tích trồng mía chiếm 22,9% diện tích trồng mía của cả nước (Thanh Hóa 26 nghìn ha, Nghệ An 28 nghìn ha…).

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ diện tích trồng mía chiếm 17,6% diện tích trồng mía của cả nước (Phú Yên 20 nghìn ha; Khánh Hòa 17,2 nghìn ha; Quảng Ngãi 5,2 nghìn ha; Bình Định 2,7 nghìn ha).

Vùng Tây Nguyên có diện tích trồng mía chiếm 11,5% diện tích trồng mía của cả nước (Tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc là 2 tỉnh trồng mía chủ lực tại các tỉnh Tây Nguyên).

Vùng Đông Nam Bộ diện tích trồng mía chiếm 16,5% diện tích trồng mía của cả nước (Tây Ninh 21 nghìn ha; Đồng Nai 6,7 nghìn ha…).

Vùng đồng bằng Sông Cửu Long diện tích trồng mía chiếm 23,8% diện tích trồng mía của cả nước (Long An 13,5 nghìn ha; Hậu Giang 14 nghìn ha; Trà Vinh 6 nghìn ha; Sóc Trăng hơn 12 nghìn ha…).

1.2 Kỹ thuật canh tác

Để cây mía phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng mía cần áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng mía do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. Đối với Quy trình kỹ thuật trồng mía người trồng cần nắm vững và áp dụng một số kỹ thuật then chốt sau: thời vụ trồng; đất trồng và làm đất; giống và chuẩn bị hom giống; đặt hom; trồng xen cải tạo đất mía; chăm sóc gồm: trồng dặm, tỉa lá mía, tưới nước, bón phân; phòng trừ sâu bệnh; phu hoạch.

1.3 Dịch hại

Cây mía cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm. Các dịch hại trên cây mía phát sinh có liên quan rất lớn bởi các điều kiện sinh thái. Có loại dịch hại là đối tượng gây hại chính ở vùng này nhưng là dịch hại thứ yếu của vùng khác. Các kết quả điều tra cho thấy trên mía có 50 loại sâu và 30 loại bệnh, trong đó những loài sâu, bệnh hại chính trên cây mía gồm.

Về sâu hại: Rệp bông xơ hại mía (hại lá) Ceratovacum lanigera là đối tượng gây hại chủ yếu khi cây mía vươn lóng đến thu hoạch tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra; Bọ hung đen Alissonotum impressicolle và bọ hung nâu Anomate expensa(cả 2 loại này đều hại rễ va gốc cây mía) hiện diện ở hầu hêt các tỉnh trong cả nước nhưng gây hại nặng cục bộ tại một số địa phương thuộc vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ; Sâu đục thân mình trắng (còn gọi là sâu đục ngọn) Scirpophaga novella, Sâu đục thân 4 vạch Proceras venosatus và rệp sáp đỏ Saccharicocus sacchari gây hại phổ biến tại các vùng trong cả nước; Sâu đục thân mình vàng (đục mắt) Argyroploces schistaceana hại chủ yếu tại các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra; Sâu đục thân mình hồng lớn (cú mèo) Sesamia sp gây hại nặng chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong những năm gần đây xén tóc đen Dorythenes walker xuất hiện và  gây hại nghiêm trọng tại tỉnh Gia Lai; Sâu đục thân Chilo tumidicostalis là loại sâu gây hại mới xuất hiện gây hại nặng trên diện rộng tại tỉnh Tây Ninh.

Về bệnh hại: Bệnh than đen Utilago scitaminea; Bệnh đốm vàng Cercospora koepkei; Bệnh gỉ sắt Puccinia melanocephala; Bệnh thối đỏ Colletotrichum falcatum là 4 loại bệnh gây hại phổ biến tại các vùng trồng mía trong cả nước. Trong những năm gần đây (từ năm 2005) bệnh chồi cỏ hại mía Grassy Shoot Disease mà tác nhân gây hại làPhytoplasma do rầy xanh là môi giới truyền bệnh gây hại phổ biến tại các vùng trồng mía phía tây của tỉnh Nghệ An.

2. Bảo vệ tổng hợp

Việc phòng trừ các loại dịch hại trên cây mía có tác động rất lớn tới năng suất và phẩm chất sản phẩm. Việc áp dụng quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp trên cây mía là cần thiết, biện pháp hóa học là một trong nhiều biện pháp của quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV và tuân thủ thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng.

 

III. Rệp bông xơ

Quy trình phòng chống rệp bông xơ hại mía

1. Giới thiệu chung

Rệp bông xơ (Ceratovacuna lagigera  Zehntner) là một trong vài loài dịch hại nguy hiểm trên cây mía ở nước ta và nhiều nước khác trong khu vực, chúng có mặt ở hầu hết các vùng chuyên canh cây mía của cả nước.

1.1. Triệu chứng, mức độ hại

Cả con trưởng thành và rệp non đều nằm tập trung ở mặt dưới của lá mía chích hút nhựa. Nếu nặng, có thể làm lá mía bị vàng úa, cây mía sinh trưởng, phát triển kém, còi cọc, các lóng mía có thể bị ngắn lại. Ngoài việc gây thất thu năng suất nghiêm trọng, chúng còn làm giảm hàm lượng đường trong cây (có khi lên tới 40-50%) và giảm chất lượng nguyên liệu (khi chế biến không ra được đường kết tinh mà chuyển sang dạng mật).

Hom giống lấy từ ruộng bị rệp hại nặng sẽ mất khả năng mọc mầm hoặc mọc mầm rất yếu, mía gốc mất khả năng nẩy chồi hoặc nẩy chồi rất chậm, yếu ớt, ruộng mía mất khoảng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến mật số cây và sức khỏe của cây mía ở vụ mía lưu gốc kế tiếp...

Ngoài ra, chất bài tiết do rệp thải ra vẫn còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóngCapnodium  sp.(muội đen) phát triển phủ đen kín mặt lá làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây.

1.2 Nhận dạng

Rệp trưởng thành có 2 dạng. Rệp cái đẻ con không có cánh cơ thể dài 2mm, trên lưng phủ đầy sáp dạng sợi bông trắng. Thân màu vàng hoặc vàng xanh. Râu đầu ngắn có 5 đốt. Rệp cái đẻ con có cánh cơ thể dài 2mm. Cánh dài 3,5 mm, trong suốt che hết phần bụng, mạch cánh thoái hóa. Đầu màu đen. Ngực màu nâu tối. Bụng màu đen hoặc xanh đậm. Chân màu đen. Râu đầu ngắn nhỏ có 5 đốt.

Rệp non đẫy sức dài 0,7 mm, có hai dạng. Dạng có cánh mới nở màu xanh đậm, tới tuổi 4 lưng ngực giữa dài ra. Ngực sau và lưng bụng có lớp sáp sợi dài, ngực giữa và ngực sau có mầm cánh. Râu đầu có 5 đốt. Dạng không có cánh mới nở màu vàng nhạt, sau chuyển thành màu xanh lục nhạt. Đến tuổi 4 trên lưng có nhiều lớp sáp trắng. Râu đẩu có 4 đốt.

1.3 Sinh vật học

Sau khi hóa trưởng thành khoảng 2-3 ngày thì rệp sinh sản. Rệp đẻ trực tiếp ra con, mỗi con cái dạng không có cánh có thể đẻ từ 33-63 con, dạng có cánh có thể đẻ từ 14-20 con. Sau khi đẻ 20-30 phút rệp mẹ có thể chết.

Sau khi được đẻ ra, rệp non phát tán ra xung quanh để tìm nơi sinh sống. Rệp non lột xác 3 lần, sau khi sinh từ 30-40 ngày thì rệp non thành rệp trưởng thành (dạng có cánh) và sau 15-30 ngày (dạng không có cánh).

Cả rệp non và rệp trưởng thành sống tập trung thành từng đám ở mặt sau của lá mía để trốn tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Rệp non hoạt động nhanh nhẹn hơn rệp trưởng thành. Một năm có thể có từ 20-30 lứa (nếu điều kiện sống thuận lợi khoảng 14-16 ngày có một lứa).

1.4 Sự phát sinh phát triển

Sự xuất hiện của các dạng hình rệp (có cánh hoặc không có cánh) có quan hệ mật thiết với điều kiện sống, nếu điều kiện sống thuận lợi (thức ăn nhiều và phù hợp, thường rơi vào thời kỳ cây mía đang vươn lóng, sinh trưởng mạnh, thời tiết mát mẻ…) thì dạng không có cánh chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Ngược lại, nếu điều kiện thức ăn không thuận lợi (lá mía già, dịch lá cạn kiệt dần, sắp hết thức ăn (thường rơi vào thời kỳ cuối vụ sắp thu hoạch) để bảo tồn nòi giống thì dạng có cánh thường xuất hiện nhiều hơn để phát tán đi tìm nguồn thức ăn mới.

Rệp sinh trưởng và phát triển mạnh nhất trong điều kiện thời tiết mát mẻ (nhiệt độ khoảng 20-23 độ C), nếu nóng trên 28 độ C và lạnh dưới 15 độ C thì phát triển kém. Mưa lớn và kéo dài, làm cho rệp bị rửa trôi, rệp cũng sẽ gây hại ít hơn.

Những giống mía có phiến lá dầy, hẹp, góc độ lá nhỏ (lá dựng đứng nhiều) thường bị rệp gây hại ít hơn những giống mía có phiến lá mỏng, rộng, góc độ lá lớn (xòe ngang nhiều).

Thực tế đồng ruộng cho thấy, rệp có thể phát sinh quanh năm, nhưng thường có mật số cao và gây hại nhiều vào thời kỳ vươn lóng trở đi, nhất là từ tháng 8, tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Rệp phát triển mạnh khi cây mía đang sinh trưởng mạnh đặc biệt là trên những ruộng mía bón quá thừa phân đạm, mọc um tùm rậm rạp thiếu ánh sáng.

Để hạn chế tác hại của rệp sơ bông trắng trên mía, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:

2. Biện pháp canh tác

Sau thu hoạch, cần thu gom hết tàn dư của cây mía đưa ra khỏi ruộng đốt tiêu hủy, dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ… để hạn chế rệp lây lan cho vụ sau.

Nên trồng tập trung gọn thời vụtránh trồng lai rai nhiều thời vụ trong một khu đồng để hạn chế rệp di chuyển từ những ruộng đang thu hoạch sang những ruộng liền kề mía đang vương lóng, đang còn nhỏ… Nhằm cắt đứt cầu lối thức ăn trên đồng ruộng cho rệp sinh sống.

Không lấy hom ở những ruộng đã bị rệp gây hại nặng làm giống cho vụ sau. Nên theo dõi tập đoàn giống đang được trồng phổ biến ở địa phương, để lựa chọn những giống có khả năng chống chịu cao với rệp để trồng cho các vụ sau. Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy những giống trong nhóm mía ROC thường là những giống chống chịu với rệp tốt hơn các giống MY 55-14, F 156…

Phải bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, giúp cây mía sinh trưởng, phát triển mạnh, có sức chống đỡ với rệp.

Phải tỉa cây để ổn định mật độ sớm và thường xuyên bóc tỉa thu gom lá già, lá có nhiều rệp,... để ruộng luôn thông thoáng, hạn chế rệp phát sinh phát triển.

Không nên để ruộng quá khô hạn, nếu có điều kiện nên tưới giữ ẩm đất thường xuyên.

Kiểm tra ruộng mía thường xuyên (nhất là từ khi mía bắt đầu vươn lóng) để phát hiện sớm rệp khi chúng mới phát sinh còn ở diện hẹp, thu gom những lá có nhiều rệp đem tiêu hủy.

3. Biện pháp lợi dụng thiên địch

Có rất nhiều loài thiên địch ăn rệp cần được bảo vệ như bọ rùa đỏ, bọ rùa 8 chấm, nhện, bọ đuôi kìm (một con bọ đuôi kìm có thể ăn 20-30 con rệp/ ngày đêm, nếu có điều kiện có thể nuôi bọ để thả vào ruộng mía), sâu non vệt xanh cũng là một thiên địch của rệp (nếu mật số rệp còn thấp, mà có từ 5-10 tổ sâu này/ lá thì không cần phun thuốc diệt rệp)…

4. Biện pháp thuốc bảo vệ thực vật

Theo quy trình phòng chống rệp bông xơ hại mía.

 

IV. Khảo sát chọn thuốc

1. Hiện trạng phòng trừ

Qua điều tra thực tế, chúng tôi thấy người dân thường phòng trừ rệp bông xơ vào thời điểm khá muộn, cuối tháng 9 đầu tháng 10. Lúc này mật độ rệp đã quá ngưỡng phòng trừ, nấm muội đen ký sinh trên mía nhiều làm giảm khả năng quang hợp của lá mía, cây mía đang chuyển từ thời kỳ vươn lóng sang tích lũy đường nên hàm lượng và chất lượng đường bị ảnh hưởng nhiều. Sau thời kỳ mưa bão tháng 7, 8, 9 làm cây mía đổ ngã, ruộng mía rậm rạp, khó điều tra phát hiện và xử lý rệp.

Việc phòng trừ rệp không được thực hiện tập trung đồng bộ mà hộ dân nào phát hiện rệp thì phun thuốc, hoặc chỉ phun tại các ổ rệp không phun cả ruộng dẫn đến tình trạng rệp lây lan trong ruộng và giữa các ruộng.

Các loại thuốc người dân thường sử dụng phòng trừ rệp bông xơ chủ yếu thuộc nhóm tiếp xúc, xông hơi có độ độc cao, phải phun trúng ổ rệp thì mới có hiệu lực. Lượng thuốc và lượng nước dùng lớn do phải phun ướt đều toàn bộ cây mía dẫn đến khó sử dụng thuốc, công sức người dân phải bỏ ra nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe người phun cũng như môi sinh môi trường.

Thuốc được phun trực tiếp vào các ổ rệp nên tiêu diệt luôn cả thiên địch, gây mất cân bằng sinh thái. Sau khi sử dụng thuốc không còn thiên địch khống chế nên rệp có thể tái phát nhanh chóng.

Chúng tôi nhận thấy với hiện trạng phòng trừ rệp bông xơ hại mía này hiệu lực phòng trừ dịch hại thường không cao, rệp dễ tái phát, người dân phải phun thuốc 2 – 3 lần, mệt mỏi trong việc phòng trừ rệp, cây mía cho năng suất, chất lượng đường thấp, thời gian lưu gốc ngắn.

2. Đề xuất giải pháp

Chúng tôi đề xuất thời điểm phòng trừ rệp bông xơ hại mía sớm hơn, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Lúc này cây mía bắt đầu khép tán và tạo ra tiểu khí hậu đồng ruộng nên rệp bông xơ không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện môi trường. Nhiệt độ và ẩm độ phù hợp, rệp phát sinh rất thuận lợi đạt đến ngưỡng phòng trừ. Đây cũng là thời điểm bóc lá lần cuối, cây ít bị đổ ngã, ruộng mía thông thoáng dễ dàng cho việc phun thuốc. Rệp xuất hiện kéo theo các loài thiên địch đạt số lượng nhất định. Điều kiện thuận lợi giúp rệp bùng phát về số lượng, và lượng thiên địch phát sinh không đủ để khống chế rệp gây mất cân bằng sinh thái. Thời điểm này phù hợp cho việc phòng trừ rệp lấy lại cân bằng sinh thái đồng ruộng.

Mía là cây thân thảo có khả năng lưu dẫn cao nên chúng tôi chọn loại thuốc lưu dẫn có hoạt chất thiamethoxam và acetamiprid, đây là loại thuốc có độ độc trung bình, không mùi, an toàn. Loại thuốc này đã sử dụng hiệu quả để trừ rầy trên lúa, chúng tôi tính toán và đưa ra liều dùng cao hơn trên lúa do sinh khối mía cao hơn nhiều cây lúa.

Chúng tôi chọn cách phun lướt trên mặt lá mía, một lần phun 4 hàng với bình 16 - 18 lít và một lần 6 hàng với bình 25 lít để giảm lượng nước cũng như công lao động của người dân. Chúng tôi phun lên mặt trên của lá mía nên ít gây ảnh hưởng đến thiên địch và phun đồng loạt trên diện rộng làm rệp không có khả năng lây lan.

Với giải pháp trên chúng tôi dự báo hiệu lực trừ rệp sẽ cao, ít ảnh đến thiên địch nên chỉ cần phun 1 lần/ vụ. Cây mía phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

3. Kế hoạch, thực hiện

Chúng tôi lập kế hoạch và tiến hành khảo sát hiệu lực theo quy phạm nhà nước để so sánh giải pháp đề xuất với phương pháp sử dụng phổ biến tại địa phương.

4. Báo cáo, kết luận

Sau khi thực hiện giải pháp đề xuất, chúng tôi kiểm tra thấy hiệu lực trừ rệp của thuốc đạt trên 96%, chỉ cần phun 1 lần cả vụ, trong khi các thuốc địa phương đang sử dụng hiệu lực trừ rệp chỉ đạt 70 – 80% và phải phun từ 2 – 3 lần. Thuốc ít ảnh hướng đến thiên địch giúp cân bằng sinh thái trong ruộng mía, rệp không bùng phát. Thuốc không mùi, ít ảnh hưởng đến người phun và môi trường, cách sử dụng thuận tiện tiết kiệm nước và công phun thuốc.

Năng suất mía tăng thêm 5 – 10%, chất lượng mía tăng, chỉ số đường đạt từ 10CCS trở lên so với thuốc tại địa phương thường dưới 10CCS. Đường sản xuất ra trắng, hạt to, không dính là đường chất lượng cao.

Chúng thấy đây là một trong những giải pháp rất khả quan trong việc phòng trừ rệp bông xơ trắng nên được khuyến cáo sử dụng. Chúng tôi đề xuất xây dựng quy trình 4 đúng (IPM), tiến tới xây dựng quy trình tổng hợp bảo vệ cây trồng (ICM).

 

V. Quy trình phòng chống

1. Xây dựng quy trình

Cán bộ kỹ thuật dựa trên các kết quả khảo sát thuốc theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía, đề xuất quy trình phòng chống dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng.

Đề xuất sử dụng thuốc bao gồm các nội dung: đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng nồng độ, liều dùng. Trong đó đúng lúc là vấn đề quan trọng mang ý nghĩa quyết định, chọn đúng thời điểm về giai đoạn sinh trưởng của cây trồng xung yếu với dịch hại cũng như mật độ, tỷ lệ hại của dịch hại tới ngưỡng để tiến hành phòng trừ.

Ứng với giai đoạn sinh trưởng của cây trồng chúng tôi xác định công thức thuốc, phương pháp xử lý thích hợp nhất. Tùy theo công thức thuốc và phương pháp xử lý mà chúng tôi đưa ra nồng độ, lượng dùng phù hợp.

Việc mô tả các kết quả đạt được và cảnh báo khi áp dụng quy trình để người sử dụng nắm rõ là vô cùng quang trọng.

Để giúp cây phát triển tốt, đạt năng suất chất lượng cao chúng tôi tiếp tục đề xuất biện pháp chăm sóc sau khi phun thuốc.

2. Duyệt quy trình

Phụ trách kỹ thuật duyệt quy trình phòng chống dịch hại để ban hành.

Thực tế, chúng tôi đã sử dụng quy trình phòng chống rệp bông xơ hại mía như dưới đây:

a, Quy trình sử dụng thuốc

Giai đoạn sinh trưởng cây trồng

Đặc điểm dịch hại

Công thức thuốc

Phương pháp xử lý

Nồng độ, 
lượng dùng

Kết quả đạt được và cảnh báo

Vươn lóng

(15/8 – 10/10)

Rệp chớm xuất hiện

(Phun phòng đồng loạt toàn bộ diện tích)

Thiamethoxam240gr/kg +Acetamiprid10gr/kg

1. Bình 16 - 18L, phun ướt nhẹ mặt trên lá mía

2. Một lần phun 4 hàng, mỗi bên 2 hàng.

01 gói 12,6gr/ 16 - 18L/ 330m2.

Phun 30 bình (30 gói)/ ha

1. Phun 1 lần - sạch rệp cả vụ.

2. Phun không trúng, rệp vẫn chết.

3. Không mùi - sạch cho người phun, dân cư, môi trường.

4. Tiết kiệm lượng nước phun (500 lít/ ha), công phun.

5. Sau 2 giờ gặp mưa không cần phun lại.

6. Rất ít ảnh hưởng đến thiên địch.

1. Bình 25L, phun ướt nhẹ mặt trên lá mía.

2. Một lần phun 6 hàng, mỗi bên 3 hàng.

1,5 gói 12.6gr/ 25L / 500m2.

Phun 20 bình (30 gói)/ ha

b, Biện pháp chăm sóc cây mía sau phun thuốc

- Tưới nước cho mía.

- Ngừng bón phân cho mía.

- Làm cỏ và bóc tỉa lá cho ruộng mía thông thoáng.

 

VI. Xúc tiến bán hàng

Việc điều tra thị trường và khảo sát hiệu lực thuốc cho thấy quy trình phòng chống rệp bông xơ hại mía mà chúng tôi đề xuất được đánh giá cao, chúng tôi tiến hành hoạt động xúc tiến để đưa sản phẩm vào thị trường với những nội dung sau:

1. Mẫu mã, vật tư quảng cáo

Nghiên cứu thiết kế mẫu mã và quy cách đóng gói sản phẩm phù hợp với tập quán vùng trồng mía để người dân dễ dàng trong việc sử dụng thuốc là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Cùng với nhãn thuốc chúng tôi cũng thiết kế các vật tư quảng cáo như tờ rơi, poster, băng đĩa hướng dẫn quy trình IPM phòng chống rệp bông xơ hại mía dễ hiểu dễ nhớ …

2. Hỗ trợ kỹ thuật

Chúng tôi tiếp tục thực hiện các trình diễn khẳng định hiệu lực của thuốc để người dân, cán bộ địa phương nắm rõ về sản phẩm; quay phim ghi nhận kết quả trình diễn để làm công cụ tuyên truyền cho hội thảo và quảng cáo sản phẩm sau này; đúc kết kinh nghiệm thực tế khi người dân sử dụng thuốc và so sánh với các kết quả khảo sát để hoàn chỉnh lý luận khi sử dụng thuốc phòng trừ dịch hại.

Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện các cuộc hội thảo đầu bờ, hội thảo nông dân để phân tích tác hại của rệp bông xơ hại mía kết hợp quảng cáo rộng rãi sản phẩm, tiếp thu ý kiến và giải đáp thắc mặc của người dân về sản phẩm.

Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trên đã tạo nên nhu cầu của vùng đối với thuốc khảo sát.

3. Chính sách, đối ngoại, chế tài

Các chính sách, biện pháp đối ngoại, các chế tài cũng được chúng tôi nghiên cứu để quản lý hiệu quả việc đưa thuốc vào vùng thị trường.

Cùng với việc đó chúng tôi liên hệ với các đại lý, nhà phân phối trên địa bàn để giới thiệu hiệu quả của quy trình sử dụng thuốc cũng như những nhận xét, phản hồi của người dân trong khu vực.

Những hoạt động trên đây là tiền đề cho nội dung chuyển giao kỹ thuật phòng trừ rệp bông xơ hại mía.

 

VII. Chuyển giao ứng dụng

Chúng tôi đặt ra mục tiêu thâm nhập thuốc trừ rệp bông xơ của khách hàng vào vùng mía Nghệ An để giúp người dân nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

1. Tổ chức chuyển giao

Lãnh đạo công ty khách hàng chủ trì dự án chuyển giao, chi phối toàn bộ hoạt động của dự án, giám sát tiến độ, nội dung, kinh phí thực thi dự án.

Nhóm chuyển giao phải là nhóm kỹ thuật của công ty đáp ứng các yêu cầu: có quy trình phòng chống rệp bông xơ được ban hành, có thuốc bảo vệ thực vật chuyển giao, có kỹ năng làm việc tốt, trách nhiệm cao, nhiệt tình, ăn ở tại địa bàn triển khai dự án, bám sát chỉ đạo cụ thể từng mô hình theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Ban dự án bao gồm phụ trách về bán hàng, kỹ thuật, cố vấn chuyên môn của khách hàng và đại diện đơn vị phân phối, ban dự án có trách nhiệm sau: xác định khả năng thâm nhập và tiềm năng phát triển thuốc dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường; xây dựng chi tiết nội dung dự án và định mức kinh tế kỹ thuật của từng nội dung trên cơ sở Quy trình phòng chống rệp bông xơ được ban hành; xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên trong từng nội dung công việc của dự án; xây dựng tiến độ thực hiện dự án và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, kịp thời giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để đảm bảo tiến độ của dự án.

Dự án chuyển giao được thẩm định để xem xét đánh giá theo các chỉ tiêu: mục tiêu, nội dung và các giải pháp khoa học của dự án; năng lực nhóm chuyển giao, nhân lực, khả năng tài chính trong việc tổ chức triển khai và khả năng thâm nhập và phát triển sản phẩm tại địa bàn.

2. Nội dung chuyển giao

Chúng tôi chọn huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An là một trong những địa bàn để xây dựng mô hình chuyển giao. Mô hình bao gồm cán bộ nông vụ, các hộ tự nguyện tham gia dự án đán ứng các yêu cầu: có khả năng đầu tư; nhiệt tình với khoa học muốn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới; có khả năng lôi cuốn và hướng dẫn các hộ khác làm theo. Số lượng hộ tham gia ở giai đoạn đầu là 3 hộ trạm nguyên liệu để có thể xây dựng được “các điểm sáng” ở cấp hộ nông dân. Thời gian chuyển giao là 2 năm.

Nội dung chuyển giao cốt lõi là quy trình phòng trừ dịch hại diễn giải hết sức cụ thể, đơn giản và phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ của cán bộ và người dân trong vùng dự án. Chúng tôi chú trọng đào tạo huấn luyện, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về mặt kỹ thuật cũng như trách nhiệm của họ khi tham gia dự án.

3. Các bước chuyển giao

Tập huấn, hướng dẫn để người dân, cán bộ nông vụ tự làm, (không làm thay người dân). Tập huấn sâu cho đội ngũ cán bộ nông vụ để họ có thể làm chủ được công nghệ cần chuyển giao. Tập huấn kỹ cho các hộ nông dân làm thí điểm để họ có thể tự làm được “cầm tay chỉ việc”.

Quy trình chuyển giao được thực hiện tới từng hộ. Hồ sơ công việc được ghi chép và lấy ý của hộ nông dân, cán bộ nông vụ, trạm trưởng nguyên liệu.

Chúng tôi theo dõi giám sát tiến độ công việc và hồ sơ công việc trên cơ sở đó và đánh giá định kỳ kịp thời điều chỉnh khó khăn vướng mắc.

4. Báo cáo chuyển giao

Kết quả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, tác động của dự án, tính bền vững của dự án, khả năng nhân rộng của dự án là nội dung của báo cáo chuyển giao.

Dự án được đánh giá về tiến độ thực hiện, số lượng công việc theo mục tiêu, chất lượng công việc theo mục tiêu và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.

Qua 2 năm triển khai dự án các cán bộ nông vụ của trạm nguyên liệu và người nông dân trong dự án đã nắm vững được quy trình phòng chống rệp bông xơ hại mía và có thể tự thực hiện cũng như tuyền truyền hướng dẫn các hộ dân khác thực hiện.


Theo Bảo vệ thực vật cộng đồng





TIN TỨC KHÁC :