Lâm nghiệp

20 người tranh mua đường lậu ở Long An

Ngày đăng: 2017-07-14 08:00:36


Trên thị trường, giá đường cát dành cho đại lý chỉ khoảng 17.000 đồng/kg nhưng hơn 20 thương lái đã kéo về Long An tranh mua đường thanh lý, đẩy giá lên đến 26.000 đồng/kg - cao gấp 2,2 lần so với giá khởi điểm là 12.000 đồng/kg...

 
 

20 nguoi tranh mua duong lau o long an hinh anh 1

Vận chuyển đường lậu trên sông, gần cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú, An Giang

Ngày 14.7, ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, ông đã trực tiếp đề nghị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An làm rõ hiện tượng thương lái mua đường cát bán thanh lý với giá cao bất thường nhằm mục đích gì. Vụ mua bán này diễn ra vào ngày 6.7 tại Long An, với giá đường bán ra cao gấp 1,5 lần so với giá thực tế và cao gấp 2,2 lần so với giá khởi điểm. Chỉ có 14 tấn đường nhưng người trúng đấu giá phải tốn thêm khoảng 200 triệu đồng mới lấy được số đường này.

Theo hồ sơ, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ đấu giá Thanh Nam (phường 5, TP Tân An, Long An) tổ chức bán đấu giá 14 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An bắt giữ. Giá khởi điểm của lô đường này là 12.000 đồng kg (giá thị trường khoảng 17.000 đồng/kg). Có hơn 20 đơn vị đã đăng ký tham gia đấu giá.

Ngay trong vòng đấu đầu tiên, các cơ sở mua bán đường ở Long An đã phải “dừng cuộc chơi” bởi giá bị đẩy cao hơn mức 17.000 đồng/kg chỉ sau một vòng đấu. Các đơn vị đến từ biên giới An Giang đã liên tục đẩy giá lên cao. Ở vòng đấu cuối cùng, bà Nguyễn Thị Bé Em (An Giang) đã mua được lô hàng với giá lên đến 26.000 đồng/kg.

Xong buổi đấu giá, có 2 nhóm đã đánh nhau ngay bên trong trụ sở công ty đấu giá.

Ông Nguyễn Anh Việt - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Long An cho biết, ngay sau khi trúng giá, bà Em đã thanh toán xong ngay trong ngày để nhận hàng.

Ông Trần Hùng cho rằng, lâu nay có hiện tượng các con buôn bỏ ra số tiền rất lớn để “mua lỗ” đường lậu nhằm quay vòng hóa đơn nhằm hợp thức hóa đường lậu. “Hiệp hội mía đường nhiều lần đề nghị các địa phương bán đường thanh lý cho các nhà máy đường để tránh tình trạng quay vòng hóa đơn nhưng nhiều địa phương không thực hiện. Chúng tôi sẽ làm rõ hiện tượng mua đường giá cao rồi đưa ngược về biên giới kiểu này” - ông Trần Hùng nói.

Hiện Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng có nhiều văn bản đề nghị các địa phương bán đường thanh lý cần giới hạn đối tượng mua, chỉ bán cho các nhà máy đường để nhà máy tái chế nhằm triệt đường quay vòng của hóa đơn nhưng nhiều địa phương không thực hiện


Theo Phương Dung / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :