Lâm nghiệp

Agribank ưu đãi tái canh cà phê

Ngày đăng: 2017-03-21 07:21:19


Sau 4 năm (từ năm 2013) triển khai chương trình Mục tiêu phát triển ngành cà phê, Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã cho 12 tổ chức, 5.704 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay tái canh cây cà phê với tổng diện tích 10.436 ha và dư nợ 738 tỉ đồng.

Tập trung cho ngành kinh tế trọng điểm

Xác định Tây Nguyên là vùng trọng điểm cà phê của cả nước, ngành NH nói chung và Agribank nói riêng đã luôn ưu tiên, dành nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư cho lĩnh vực này. Đến ngày 31-12-2016, dư nợ cho vay cà phê của toàn ngành NH tại Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỉ đồng, tăng 13,53% so với cùng kỳ năm 2015 (chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc). Trong đó, Agribank đã cho vay trên 15.400 tỉ đồng (chiếm 34% dư nợ toàn ngành), trong đó cho vay tại địa bàn Tây Nguyên đạt 13.000 tỉ đồng (chiếm 84% dư nợ cho vay cà phê của Agribank).

Hàng ngàn ha cà phê ở Tây Nguyên cần được tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng Ảnh: CAO NGUYÊN
Hàng ngàn ha cà phê ở Tây Nguyên cần được tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng Ảnh: CAO NGUYÊN

Nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng này đã giúp nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số... có điều kiện mở rộng sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực như phát triển các loại hình cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu...), phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm ổn định an ninh - quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên…

Hướng đến xuất khẩu cà phê bền vững

Năm 2017, xuất khẩu cà phê sẽ giảm mạnh so với 2016 do hạn hán, đặc biệt là diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng... Để xuất khẩu cà phê bền vững, ngoài đẩy mạnh tái canh thì việc nâng cao chất lượng, xuất khẩu cà phê chế biến là những giải pháp tối ưu trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), xuất khẩu mặt hàng cà phê năm 2017 chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 20%-30% so với năm trước. Việc sản lượng cà phê sụt giảm đã được cảnh báo từ nhiều năm nay khi thời tiết ngày càng cực đoan, hạn hán xảy ra trên diện rộng tại Tây Nguyên. Ngoài ảnh hưởng thời tiết, sản xuất cà phê cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khác. Từ 2014-2020, diện tích cà phê cần tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 150.000 ha, trong đó thay thế 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, từ năm 2010-2016, các tỉnh Tây Nguyên mới tái canh được 80.000 ha.

Cà phê Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% thị phần toàn cầu, đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nói chung và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Để duy trì mức tăng trưởng và giá trị xuất khẩu, ngành cà phê cần chuyển sang chế biến thay vì xuất khẩu thô như hiện nay và tận dụng lợi thế riêng để phát triển thương hiệu cà phê Việt.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết giá trị của cà phê nhân chỉ chiếm 1/20 trong chuỗi giá trị ngành cà phê, phần còn lại nằm ở các khâu chế biến sâu và phân phối. Trong bối cảnh nhu cầu cà phê trên thế giới tăng, sản lượng sụt giảm, ngành cà phê cần cơ cấu lại để nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, cần tập trung vào khâu chế biến, rang, xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác để xuất khẩu. Từ đó, nâng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 lên 5-6 tỉ USD.

Gỡ khó cho cây cà phê

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NH Nhà nước, cho rằng: “Tái canh cây cà phê là chương trình lớn nhất mà ngành NH dành cho khu vực Tây Nguyên. Đến nay, vốn đã sẵn sàng giải ngân nhưng tiến độ vẫn chậm và tái canh cây cà phê có thể chậm trễ là do chúng ta chưa có chính sách đồng bộ để hỗ trợ người trồng”.

Theo ông Tú, bên cạnh chỉ đạo Agribank tiếp tục đẩy mạnh cho vay, NH Nhà nước sẽ xem xét chỉ đạo thêm một số tổ chức tín dụng tham gia cho vay tái canh trên địa bàn Tây Nguyên, kết hợp với đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cà phê và các cây công nghiệp khác trên địa bàn.


Theo Hoàng Anh / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :