Lâm nghiệp

Các đại lý 'chao đảo' cùng giá tiêu

Ngày đăng: 2017-06-08 07:58:33


So với giá tiêu thu hoạch rộ tháng 3 cũng được 110 - 120 ngàn đồng/kg, nay giảm xuống còn 82.000 đồng/kg, khiến không ít đại lý cấp 2 trữ mặt hàng nông sản này té ngửa vì đã “tràn” kho, “chôn” vốn hàng tỷ đồng...


thu hoạch tiêu

Tiêu của các nhà vườn đang bước vào thời kỳ ra bông (còn gọi “bung cựa”) cần tập trung chăm sóc bón phân, xịt thuốc là chính, nên ít ai quan tâm đến giá tiêu sụt giảm mạnh mà người chịu tác động lớn nhất chính là các đại lý cấp 2, nơi cung cấp trực tiếp phân bón, thuốc BVTV trả chậm cho bà con.

Chúng tôi về tỉnh Bình Phước, nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước với trên 14.000ha để tìm hiểu. Theo phản ảnh của bà con nông dân, mặc dù giá tiêu đang tụt mạnh nhưng do đã kết thúc vụ thu hoạch cách đây 2 - 3 tháng, nên tiêu hột dân còn giữ lại rất ít, hầu hết đều đã bán đứt hoặc ký gửi tại các đại lý cấp 2. Các đại lý hiện “ôm” số lượng tiêu rất lớn do bán ra không kịp.

Bà Thanh, chủ đại lý T.O ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng, cho biết, đại lý của bà chuyên bán phân bón và thuốc BVTV trực tiếp cho bà con trồng tiêu trong vùng với lãi suất trả chậm 1 - 1,5%/tháng trong thời gian 6 tháng. Thông thường tiêu giống Ấn Độ kết thúc vụ trước tết, còn tiêu Vĩnh Linh dài ngày hơn nên sau tết (tức trong tháng 2 - 3 DL). Sau mỗi vụ thu hoạch, hầu hết bà con đều mang sản phẩm (tiêu hột) đến ký gửi cho đại lý để bảo quản, tránh hao hụt chờ lúc nào giá lên sẽ thông báo cho đại lý bán trả nợ. Trái lại, cũng có trường hợp nông dân mang hàng đến chốt giá ngay để thanh toán.

“Trong kho tôi đang còn trữ khoảng 40 tấn, trong đó trên 60% sản lượng là đã chốt giá trừ nợ cho bà con vào thời điểm tháng 3, lúc đó giá tiêu còn được 110 - 120 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện số lượng này coi như tôi đang “ôm” vì nếu bán ra lúc này là tôi đã lỗ mất gần 30 ngàn/kg, tức 1 tấn tiêu mất trắng 30 triệu đồng. Rõ ràng, đại lý nào chốt giá sớm thì chết dở!”, bà Thanh nói.

- Nhưng cũng có số nhà vườn đem ký gửi đại lý mà chưa “chốt giá” thì sao? Tôi hỏi.

“Có thể nói, gần như các đại lý cấp 2 nào ở đây cũng tồn ít nhất 10 tấn tiêu, trong đó số lượng của các nhà vườn đem đến ký gửi cho đại lý chờ lúc nào giá cao bán ra là không nhiều, và số này tập trung các hộ khá giả có diện tích trồng tiêu 3 - 4ha, còn lại đa số là nhà vườn có diện tích khoảng trên dưới 1ha, họ đã mang sản phẩm chốt giá ngay cho đại lý sau khi thu hoạch”, bà Oanh trả lời.

Ông Nguyên, chủ đại lý V.N ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, thì cho biết, tâm lý lâu nay của đại lý là đầu cơ tích trữ tiêu, do đây là mặt hàng thương mại thu lợi nhuận cao nhất trong mấy năm qua, mặc dù đòi hỏi đại lý phải “dày vốn” với ít nhất là 5 tỷ đồng vốn lưu động.

“Tuy nhiên, có ai ngờ năm nay giá tiêu không đạt như 2 năm trước mà giảm nhanh, giảm sâu như vậy. Mới đầu năm nay, vẫn còn giữ mức trên 130 ngàn đồng, sau đó từ tháng 4 bắt đầu tụt dần xuống 100 ngàn đồng, rồi hiện trên 80 ngàn đồng/kg. Bây giờ các đại lý cấp 2 như tụi này thật sự chới với, bao nhiêu vốn liếng đều nằm hết trong kho, tiêu đầy kho mà bán ra không được, nói thật, bây giờ vốn còn không đủ để nhập phân bón, thuốc sâu bán cho bà con”, ông Nguyên nói.

“Giá tiêu tụt xuống không những làm các đại lý chao đảo mà còn ảnh hưởng đến chi phí đầu tư mùa vụ của nông dân trong lúc này, bởi các loại phân bón, thuốc BVTV, giá dầu để tưới nước mùa khô vẫn ở mức cao. Nếu giá hồ tiêu còn xuống nữa trong thời gian tới, mặc dù nó chưa ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bà con nông dân vì còn 6 tháng nữa mới thu hoạch, nhưng có thể ảnh hưởng đến suất đầu tư, chế độ chăm bón cho cây tiêu”, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh.


Theo Nhật Vy / Nông nghiệp Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :