Lâm nghiệp

Cao su tiếp tục giảm giá dù triển vọng nhu cầu khả quan

Ngày đăng: 2017-04-11 06:57:46


Giá cao su thiên nhiên sau khi giảm 8% trong tháng 3/2017 tiếp tục giảm 2,5% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 4/2017 do lo ngại nguồn cung dư thừa.


hình ảnh minh họa

Hợp đồng giao tháng 9 trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) – tham chiếu cho toàn thị trường châu Á – phiên 10/4 ở mức 239,4 yen (2,15 USD)/kg, so với mức 246 yen (2,19 USD) ngày 30/3.

Trên các sàn giao dịch khác, hợp đồng giao tháng 9 tại Thượng Hải ngày 10/4 có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 7/11/2016, là 15.405 NDT/tấn; hợp đồng giao tháng 5 trên sàn Singapore (SICOM) giá 171,1 US cent/kg (so với 174 US cent cuối tháng 3).

Sau khi tăng giá hơn 60% trong quý IV/2016, giá cao su liên tiếp giảm từ đầu năm 2017, đã giảm khoảng 7% trong quý I.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục mạnh tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường trong bối cảnh nguồn cung ở các nước sản xuất chủ chốt ở châu Á gia tăng gây áp lực giảm giá.

Sinopec của Trung Quốc vừa chỉ thị cho chi nhánh sản xuất cao su thuộc nhà máy ở Yanshan phải đóng cửa để kiểm tra các tiêu chuẩn về môi trường, sau khô Bộ Bảo vệ Môi trường phát hiện có mùi hôi bốc ra từ cơ sở sản xuất này.

Tồn trữ cao su tại các kho ngoại quan trên Sàn giao dịch Thượng Hải đang tăng lên, tăng 0,4% trong tuần qua, hiện đạt 1.217 tấn.

Tại Ấn Độ, sản lượng trong nước cải thiện và giá giảm khiến cao su nhập khẩu trở nên kém hấp dẫn hơn so với cao su trong nước. Ngoài ra, mưa tăng trong những tháng hè ở một số khu vực sản xuất cao su chủ chốt của nước này góp phần nâng sản lượng tăng lên.

Tuy nhiên, thị trường cao su vẫn đang hy vọng vào nhu cầu gia tăng từ một số thị trường lớn ngoài ANRPC và sự gia tăng doanh số bán ô tô của Trung Quốc.

Sản lượng của các nước thành viên Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) trong 3 tháng đầu năm 2017 vẫn tiếp tục tăng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, lên 2,499 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ cao su của nhóm thị trường này đạt 1,951 triệu tấn, chiếm 78% tổng sản lượng của nhóm.

Sau khi giảm mạnh từ giữa tháng 2, nhập khẩu cao su có xu hướng hồi phục nhẹ vào cuối tháng 3 nhờ triển vọng kinh tế cải thiện ở Mỹ và châu Âu, doanh số bán ô tô cao hơn dự kiến ở Trung Quốc và giá dầu mỏ hồi phục.

Kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng tích cực hứa hẹn nhu cầu cao su thiên nhiên từ các khu vực ngoài ANRPC sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Triển vọng nhu cầu được cải thiện khi Mỹ bỏ đánh thuế đối với lốp xe tải nặng xuất xứ từ Trung Quốc.

Thị trường cao su thiên nhiên dự báo cũng sẽ được hỗ trợ bởi triển vọng giá dầu tăng khi OPEC đang lên kế hoạch gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng, kết hợp cùng các nước sản xuất lớn ngoài OPEC.

Trong báo cáo mới nhất, ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2017 sẽ vượt trên 3 triệu tấn so với nhu cầu. Sản lượng của các nước thành viên dự báo sẽ tăng 4,2% so với năm, trong đó Thái Lan tăng 4,7%, Việt Nam tăng 6,7%, Trung Quốc tăng 8,5%, Malayssia tăng 4,5%, Ấn Độ tăng 4,8%, Campuchia tăng 37,2%, Philippines tăng 7,8% và Sri Lanka tăng 6,9%. Indonesia là quốc gia duy nhất sản lượng dự báo giảm từ 3,158 triệu tấn trong năm 2016 xuống còn 3,15 triệu tấn trong năm 2017.

Tiêu thụ cao su của ANRPC năm 2017 dự báo sẽ tăng 1,8%, từ 8,04 triệu tấn năm 2016 lên 8,19 triệu tấn. Trong đó, chỉ có Malaysia có lượng tiêu thụ giảm khoảng 1% xuống 490.000 tấn so với 498.000 tấn năm 2016. ANRPC dự báo xuất khẩu cao su tự nhiên của các nước thành viên trong năm 2017 tăng 2,6%, đạt 8,99 triệu tấn. Đồng thời, năm 2017 nhập khẩu cao su tự nhiên dự kiến tăng 1,8% lên 8,19 triệu tấn so với 8,04 triệu tấn năm 2016. Theo đó, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu cao su lớn nhất, dự báo sẽ nhập khẩu 4,3 triệu tấn trong năm 2017.

Trong giai đoạn tháng 4 – 6/2017, dự báo sản lượng của các nước thành viên ANRPC dự báo sẽ tăng 5,8% lên 2,491 triệu tấn, từ mức 2,355 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.


Theo Vân Chi / Trí thức trẻ





TIN TỨC KHÁC :