Lâm nghiệp

Cơ cấu giống mía Việt Nam 'loạn' như nở hoa

Ngày đăng: 2017-09-16 08:01:41


Việt Nam có quá nhiều giống mía nhưng không có giống nào chủ lực. So sánh vòng tròn cơ cấu với một số nước trên thế giới, giống mía Việt Nam loạn như nở hoa.

 

TS. Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía đường Việt Nam (SRI) ví von như thế về hiện trạng cơ cấu giống mía trong nước tại Hội thảo giới thiệu giống mía mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác ngày 15.9 ở Bình Dương.

Trong khi Thái Lan có khoảng 7 giống (giống KK3 chủ lực); Úc có khoảng 10 giống (Q208 chủ lực); Trung Quốc khoảng 8 giống (giống ROC22 chủ lực) thì Việt Nam hiện có hơn 62 giống nhưng không có giống nào chủ lực.

“Đây là thực trạng loạn giống mía ở Việt Nam. Tình trạng này cũng phổ biến ở các vùng, miền trồng mía trên cả nước”, TS. Đương nhận xét.

co cau giong mia viet nam loan nhu no hoa hinh anh 1

TS. Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía đường Việt Nam

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này bắt nguồn trước hết từ việc các nhà máy đường và nông dân chạy đua theo yếu tố giống mới mà quên đi vai trò của kỹ thuật canh tác đi kèm, dẫn tới chưa hiểu hết bản chất từng giống nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và chất lượng của giống.

TS. Đương kể thực tế, có giai đoạn chỉ trong 3 năm, cả nước nhập 4.000 giống mía mới. Đây là điều mà thế giới không thể tưởng tượng nổi.

“Bài học rõ rệt nhất là thành công nhà máy Nước Trong khi họ chỉ tập trung 1 giống chủ lực, hiện vẫn cho chữ đường 11 – 12 CCS là bình thường”, TS. Đương nói.

Bản thân các nhà máy đường cũng chưa có hệ thống nhân giống và cung ứng mía giống, chưa chủ động nguồn giống và đầu tư cho nông dân nên không kiểm soát được cơ cấu giống vùng nguyên liệu của mình.

co cau giong mia viet nam loan nhu no hoa hinh anh 2

Cơ cấu giống mía Việt Nam so các nước trên thế giới

Chất lượng mía cũng bị ảnh hưởng nặng khi dùng 99% mía thịt (dùng mía nguyên liệu làm mía giống) làm suy thoái chất lượng, suy giảm hiệu quả chứ bản thân mía đơn tính không suy thoái chất lượng. Tỷ lệ giống mía có chữ đường cao trong cơ cấu giống các vùng cũng còn thấp.

"Một giống mía được coi là chủ lực thường được xác định chiếm 30% trong cơ cấu giống. Khi nào mía nội chiếm 50% thì mới gọi là phát triển. Hiện giờ giống mía của chúng ta vẫn còn kém; tỷ lệ giống mía Việt chỉ mới khoảng 2,1%", TS. Đương cho biết.

Trong khi đó giống mía nhập từ Thái Lan đang chiếm phân nửa diện tích trồng trong nước. Bản thân Viện trưởng SRI cũng thừa nhận công tác lai tạo giống mía mới đã thực hiện lâu nhưng chỉ có Viện SRI là tiên phong, cơ cấu giống hiện còn thấp, quá trình chuyển giao công nghệ cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Định hướng sắp tới ngành mía đường và Viện nói riêng sẽ tiếp tục ưu tiên nghiên cứu giống mía hàm lượng CCS cao – Năng suất cao – Lưu gốc tốt – Thích ứng biến đổi khí hậu.

co cau giong mia viet nam loan nhu no hoa hinh anh 3

Định hướng lai tạo các giống mía mới có năng suất cao là mục tiêu quan trọng cho cả ngành mía đường

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp Hội mía đường Việt Nam khẳng định vai trò của giống phải đặt lên hàng đầu trong ngành mía đường.

Phương châm quan trọng nhất trong sản xuất mía Việt Nam hiện nay coi giống là tiền đề; nước phân là cơ sở, chăm sóc là quyết định.

“Hội thảo lần này cũng được coi như đơn đặt hàng của nông dân, doanh nghiệp đối với các nhà khoa học, từ đó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác trong canh tác để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành.

Trước năm 2008, công tác lai tạo giống mía chủ yếu tại Bến Cát (Bình Dương), nơi có điều kiện không phù hợp nên hiệu quả thấp. Sau khi chuyển địa điểm lai tạo lên huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), tình trạng này dã được cải thiện rõ rệt. Hiện hàng năm, SRI luôn chọn và có sẵn hang chục dòng lai triển vọng để đưa đi khảo nghiệm ở các vùng trên cả nước.

 


Theo Nguyên Vỹ / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :