Lâm nghiệp

Đắk Nông: Nỗi buồn khi hồ tiêu đạt năng suất cao

Ngày đăng: 2017-03-11 08:02:10


Chưa năm nào giá tiêu lại xuống thấp như năm nay dù vụ mùa 2016-2017 được đánh giá cho năng suất cao. Trước tình hình này, nông dân chỉ biết chờ giá lên trong khi doanh nghiệp cũng chỉ thu mua cầm chừng.

Giá tiêu xuống thấp kỷ lục

Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu trên thị trường Thị xã Gia Nghĩa là 112.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Giá hồ tiêu tại các huyện khác cũng trong tình trạng tương tự, dao động vào khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg. Theo dự báo của các doanh nghiệp thu mua hồ tiêu lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến khi kết thúc niên vụ thu hoạch 2016-2017 hồ tiêu có khả năng tiếp tục mất giá.

Nông dân Đắk Nông buồn, lo khi thu hoạch hồ tiêu
Nông dân Đắk Nông buồn, lo khi thu hoạch hồ tiêu

Xã Nâm N’Jang được xem là vựa tiêu lớn của huyện Đắk Song và tỉnh Đắk Nông. Tại đây, hồ tiêu trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương giúp nhiều hộ nông dân đổi đời. Vì vậy, trong những ngày này, thông tin về giá hồ tiêu trở thành chuyện “thời sự” của người dân trong xã.

Gia đình ông Đào Thành hiện có trên 5 ha hồ tiêu, trong đó phần lớn là tiêu kinh doanh. Theo ông Thành, từ nhiều năm nay, tiêu là nguồn thu nhập chính của gia đình ông nhưng với giá tiêu ở mức thấp, lợi nhuận từ vụ mùa này có thể giảm mất một nửa.

Nhìn những trụ tiêu chín đỏ rực, đang chờ người thu hoạch, ông Thành cho biết: “Như mọi năm, trung bình hơn 5 ha hồ tiêu kinh doanh này cho sản lượng khoảng 20 tấn, giá bán dao động từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/kg gia đình tôi thu về gần 4 tỷ đồng. Còn năm nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, trong khi giá thuê nhân công không giảm nên sau khi trừ mọi chi phí, ước tính gia đình tôi thiệt hại gần 2 tỷ đồng”.

Không riêng gì các hộ dân xã Nâm N’Jang, ông Lê Văn Dũng (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô) cũng thấp thỏm theo dõi giá tiêu hàng ngày. Ông Dũng cho biết, năm ngoái ngoài 2 ha tiêu kinh doanh, gia đình ông còn trồng mới gần 1 ha tiêu, tính cả giống, trụ, chi phí chăm sóc cũng lên đến 400 - 500 triệu đồng. Tuy nhiên nếu năm tới giá tiêu tiếp tục giảm thì khả năng thu hồi vốn và tăng thu nhập từ cây tiêu sẽ rất khó.

“Hiện giá tiêu đang xuống thấp nên toàn bộ tiêu mà gia đình vừa thu hoạch được đều lưu lại trong kho chứ chưa bán. Nhìn lại thì giá tiêu năm nay tương đương với hồi năm 2004 gì đó, hồi đó giá thấp quá nên bà con ở đây nhổ bỏ hết tiêu đi trồng cà phê. Hy vọng hết tháng này, giá tiêu sẽ có chuyển biến tích cực, nhích lên một vài nghìn để người nông dân đỡ chịu thiệt”, ông Dũng nói.

Trước việc nông dân ghim hàng, chờ giá lên, các doanh nghiệp thu mua nông sản cũng không mấy sốt sắng mà chỉ thu mua cầm chừng. Chủ đại lý Hiền Hòa (TT. Đắk Mân, huyện Krông Nô) cho biết, thời điểm này năm ngoái việc giao dịch mua bán tiêu diễn ra sôi nổi, nhưng từ Tết Nguyên đán năm 2017 đến nay, đại lý này cũng chỉ thu mua được vài chục tấn tiêu do người dân cần tiêu để đầu tư sản xuất. “Giá tiêu xuống thấp nên mua được bằng nào chúng tôi chốt đơn giá hoặc xuất đi bằng đấy luôn chứ không để qua ngày hôm sau”, chủ đại lý Hiền Hòa cho hay.

Hậu quả của phá vỡ quy hoạch ?

Là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Đắk Nông, ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 7.000 ha hồ tiêu kinh doanh trong tổng số khoảng 14.000 ha, năng suất năm nay dự kiến tương đương năm ngoái. Khoảng 5 năm lại đây, giá hồ tiêu đều ở mức cao, có thời điểm giá tiêu khô lên đến hơn 200.000 đồng/kg nên nhiều nông dân rủ nhau chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp này.

  Mở rộng diện tích ồ ạt là một trong những nguyên nhân khiến hồ tiêu mất giá

Mở rộng diện tích ồ ạt là một trong những nguyên nhân khiến hồ tiêu mất giá

Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương không nên ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, người dân vẫn tiếp tục trồng loại cây này. Thậm chí, một số xã điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với hồ tiêu nhưng vì lợi ích trước mắt mà bà con vẫn làm. Và hậu quả là nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh, hồ tiêu thường xuyên mắc bệnh hoặc ngập úng dẫn đến chết liên tục.

Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh năm 2016 đã đạt mức hơn 27.500 ha, tăng hơn 11.000 ha so với năm 2015, sản lượng đạt hơn 34.400 tấn. Trong khi đó, quy hoạch của Bộ NN-PTNT, diện tích hồ tiêu tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 chỉ dừng lại ở mức là 7.000 ha, tức là bằng 1/4 so với thời điểm hiện tại. Ngoài ra, diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông hiện nay cũng đang gấp đôi diện tích quy hoạch theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông (quy hoạch ổn định tiêu năm 2020 là 14.000 ha).

Bà Hoàng Ngọc Duyên, Phó chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông nhận định: Giá tiêu giảm mạnh trong năm 2017 là điều có thể dự báo trước bởi khi cung vượt quá cầu thì tất nhiên giá sẽ giảm. Bên cạnh đó, giá hồ tiêu năm 2017 giảm còn bởi hiện nay hầu hết bà con vẫn canh tác theo hướng quảng canh, chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa tính đến yếu tố ổn định về lâu dài. Diện tích hồ tiêu trồng mới, mở rộng ồ ạt trong khi hầu hết lại chưa chú trọng đến kỹ thuật khiến chất lượng hồ tiêu không bảo đảm các tiêu chuẩn khi xuất khẩu đi các thị trường lớn.

Sắp tới, để ổn định tình hình sản xuất hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông, bà Hoàng Ngọc Duyên cho biết: “Định hướng của Đắk Nông là tập trung phát triển hồ tiêu bền vững theo hướng đa dạng sinh học, tập trung quản lý quy hoạch, chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp; khuyến khích chuyển đổi cây trồng phù hợp, khuyến cáo nông dân không phát triển ồ ạt diện tích. Đồng thời áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, hình thành các hợp tác xã theo quy chuẩn, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Đắk Nông. Đến năm 2018, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ dự án phát triển hồ tiêu bền vững, xây dựng nhà máy chế biến sâu... để bảo đảm đầu ra ổn định cho cây hồ tiêu”.


Theo Dương Phong





TIN TỨC KHÁC :