Lâm nghiệp

Gần 300 ha sắn quá lứa dân không biết bán cho ai?

Ngày đăng: 2017-03-10 06:57:50


Cho đến bây giờ, tại huyện miền núi Con Cuông, với gần 300 ha sắn của năm trước, mặc dù đã quá thời gian thu hoạch 3- 4 tháng, bà con vẫn chờ nhà máy đến mua, nhưng càng chờ càng mất hút.


Trước đây bà con cơ cấu đất chân đồi trồng sắn, nay sắn mất giá nên bà con chuyển sang trồng keo

“Lẽ ra bây giờ nương kia là vụ sắn mới đang xanh lá, nhưng đó là nương sắn vụ trước chưa thu hoạch vì có thu cũng không ai đến mua. May mà tết vừa rồi Chính phủ cho người nghèo gạo, tiền ăn tết. Bây giờ thì chúng tôi nếm đủ vị “đắng” của sắn rồi", một người trồng sắn ở thôn Na Đười, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã nói với chúng tôi như vậy.

Tưởng sắn bở, ai ngờ lại... đắng

Cho đến bây giờ, tại huyện miền núi Con Cuông, với gần 300 ha sắn của năm trước, mặc dù đã quá thời gian thu hoạch 3- 4 tháng, bà con vẫn chờ nhà máy đến mua, nhưng càng chờ càng mất hút. Bằng này năm trước, lứa sắn vụ mới đã xanh nương, năm nay bà con không tổ chức trồng thêm, vì sợ không bán được sắn. Nếu có bán được cho tư thương thì giá cả cũng rẻ hơn bèo mùa hạ.

1kg sắn bán giá 600 đồng vẫn không ai mua. Không ít nơi bà con đem sắn về xắt lát ra phơi khô để nuôi lợn, vớt vát lại đồng vốn. Còn lại bà con do lo tết và cũng cả chờ đợi nhà máy đến mua, nhưng giờ thì chịu rồi vì sắn đã quá lứa, chất tinh bột trong củ đã chuyển hoá thành đường để nuôi cây tiếp tục sinh trưởng, chờ vụ sắn tới.

Theo thống kê sơ bộ tại huyện Con Cuông có gần 300 ha sắn vụ trước không bán được, số này nằm ở các xã như Thạch Ngàn, Mậu Đức... là những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, hộ trồng sắn hầu hết là hộ nghèo. Ngoài ra tại các xã miền núi của các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ cũng có hàng trăm ha sắn tồn lại không thu hoạch. Người viết không muốn nêu ra những con số cụ thể, để bà con thêm buồn tủi.

Ngày ngày nhìn những nương sắn mà ruột gan khô héo. Tưởng rằng sắn bở, sắn bùi, nào ngờ sắn... đắng. Nhiều nương sắn đã được thay thế bằng cây ngô, cây đậu, biết rằng trồng ngô, trồng đậu vào đất trồng sắn trước đây sẽ không cho năng suất nếu không đầu tư phân bón tốt. Bởi cây sắn là cây phàm ăn, lấy mất nhiều chất dinh dưỡng trong đất nhất.

Trước đây bà con trồng mía tuy có muộn thu hoạch, nhưng sau tết nhà máy đường vẫn mua, vẫn ép, trước tết nhà máy còn ứng tiền cho ăn tết, còn sắn ế thì không những không ai cho ứng tiền và cũng chẳng có lấy một lời động viên, xin lỗi từ nhà máy.

Bài học đắt giá do phá vỡ quy hoạch

Theo đề án mở rộng công suất của các nhà máy đường, các địa phương thuộc các huyện Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn... (Nghệ An) vốn là vùng nguyên liệu mía truyền thống, cung cấp mía ép cho Nhà máy Đường Sông Lam; vùng nguyên lieu mía các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... cung ứng mía cho Nhà máy Đường Sông Con.

Cùng với việc phân vùng nguyên liệu, các nhà máy đã đầu tư làm đường vào vùng nguyên liệu; cung ứng giống, phân bón và cả tập huấn kỹ thuật trồng mía cho bà con. Vì vậy diện tích mía không ngừng tang lên.

Trước đây cũng có một vài trục trặc nhỏ như trồng rải vụ không tốt, công suất nhỏ hơn dự kiến và cả do mưa lũ xe không vào vận chuyển được, nên một số bà con bỏ mía trồng sắn, làm cho nhà máy đường thiếu nguyên liệu. Năm nay mía được giá, nhà máy bao tiêu hết vùng nguyên liệu, thì lại không có mía bán cho nhà máy, bởi dân đã trồng sắn mất rồi.

Bước vào vụ sản xuất tinh bột sắn 2016-2017, khi một số nhà máy tinh bột sắn do không đảm bảo vệ sinh môi trường trong xử lý hóa chất, nước thải phải tạm đóng cửa và cả do giá tinh bột sắn thế giới giảm thấp, nhà máy thua lỗ phải giảm công suất, họ chỉ ưu tiên mua sắn thuộc vùng nguyên lieu nhà máy đầu tư, mặc dù huyện, xã đã cố gắng liên hệ nhưng nhà máy vẫn quay lưng vì không thuộc vùng quy hoạch.

Vẫn biết rằng trồng cây gì, nuôi con gì có lợi, đem lại hiệu quả cao là quyền của người dân, nhưng trong làm ăn thời hội nhập, bà con nên giữ chữ tín làm đầu và phải gắn bó lâu dài, mới mong đồng hành với nhà máy. Còn cứ chạy theo thị trường, dễ làm, khó bỏ, không chuyên canh cây trồng gì ổn định thì thất bại là khó tránh khỏi.

Để kết thúc bài viết này, người viết xin mượn câu nói của cố đạo diễn Hồng Sển đại ý rằng “Đất cũng có hồn, nếu ta yêu, gắn bó chăm trồng, thì đất sẽ cho hoa, cho trái, cho mật ngọt, và ngược lại đất sẽ cho cay, cho đắng”. Và mong rằng bà con hãy chung thuỷ với đất với cây, tin tưởng vào việc quy hoạch phân vùng nguyên liệu, gắn bó với nhà máy. Chớ đứng núi này, trông núi nọ, bởi mía hay sắn nó đắng, ngọt cũng theo vùng miền, khí hậu và cả lòng chung thuỷ... với nó!


Theo Phùng Văn Mùi / Nông nghiệp Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :