Lâm nghiệp

Giá mủ cao su tăng gấp đôi: Cẩn trọng với những rủi ro tiềm ẩn

Ngày đăng: 2017-03-17 07:49:13


Thời gian gần đây, khi giá mủ cao su tăng, tại một số nhà máy chế biển mủ cao su lại nổi lên hiện tượng pha trộn các tạp chất như đất, đá vào mủ cao su để tăng khối lượng. Tình trạng này có thể làm cao su Việt rớt xuống hạng “ngoại lệ” vì tạp chất.


Ảnh minh họa.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), từ quý III/2016 đến nay, giá mủ cao su trên thế giới cũng như trong nước liên tục gia tăng.

Tính đến trung tuần tháng 3, giá giao dịch cao su và mủ cao su xu hướng tăng mạnh trở lại theo đà tăng từ cuối năm 2016. Không chỉ trên sàn Tocom, tại Việt Nam, giá thu mua mủ cao su tại Đồng Nai cũng đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, giá mủ và cao su còn tăng do tỷ giá của các nước thay đổi và ảnh hưởng của các quỹ đầu cơ, tác động của thời tiết khiến sản lượng khai thác giảm….

Giá bán bình quân của VRG trong những ngày đầu tuần tháng 3 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn, tăng 170% so với giá cùng kỳ năm 2016 khi chỉ có gần 27 triệu đồng/tấn.

Giá cao su xuất khẩu vẫn trong xu hướng tăng so với hồi đầu năm, mặc dù từ giữa tháng 2 giá xuất khẩu giảm. Cụ thể tính đến ngày 14/3, giá cao su SVR L giao tháng 4/2017 đạt 56.144,9 đồng/kg, giảm 1,5% so với đầu tháng 3 (57.005,43 đ/kg), nhưng tăng 15,3% so với đầu năm 2017 (48.665,6 đ/kg).

Giá giao dịch cao su xuất khẩu hiện vẫn tăng cho thấy giá cao su trong nước vẫn có khả năng tăng cao trong thời gian tới.

Diễn biến giá cao su SVR (FOB) từ đầu năm

ĐVT: đ/kg

 

Năm 2016, giá bán mủ cao su bình quân đạt 31 triệu đồng/tấn, theo tính toán của Tổng công ty cao su Đồng Nai, cứ mỗi tấn mủ người bán đã lãi trên 1 triệu đồng. Theo nhận định của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, với giá cao su tiếp tục tăng trở lại như hiện nay, có thể giá bán bình quân năm 2017 đạt mức 40 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, ngành cao su đang lấy lại vị thế của mình.

Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mủ cao su và đứng đầu về năng suất vườn cây. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), để ngành cao su phát triển bền vững hơn cần giảm tỷ lệ xuất thô; thay đổi phương thức sản xuất, chủng loại mủ cao su thiên nhiên, tăng chế biến sâu. Cũng theo VRA, thị trường tiêu thụ cao su trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong cả nước, còn lại 80% phải xuất thô. Chính vì vậy, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp này chưa cao.

Theo giới chuyên môn, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến cao su trong nước thời gian qua vẫn còn chậm nên chưa khai thác tốt nguồn cao su nguyên liệu thô trong nước. Để cải thiện vấn đề này, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, đến 2020, Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm mủ cao su, góp phần giảm xuất khẩu mủ thô. Các sản phẩm công nghiệp mà tập đoàn hướng đến là cao su màu, găng tay, băng tải, dây curoa…

Tháng 4, 5 tới đây ngành cao su sẽ bắt đầu cạo mủ và gia tăng sản lượng vào giữa quý III hàng năm. Được biết, Tập đoàn Cao su áp dụng mức giá kế hoạch cho năm 2017 là 35 triệu đống/tấn cho các công ty con. Theo các doanh nghiệp, mức giá trung bình được kỳ vọng vào khoảng 38 – 40 triệu đồng/tấn.

Theo xu hướng cao su thế giới của các năm trước, kỳ vọng giá cao su vào thời điểm cuối năm có thể đạt mức 40 – 44 triệu/tấn, tương ứng với mức giá cao su trung bình của năm dao động quanh mức 41 – 42 triệu đồng/tấn.

Cảnh báo những tiềm ẩn rủi ro

Trong thời gian gần đây, khi giá mủ cao su tăng, tại một số nhà máy chế biển mủ cao su lại nổi lên hiện tượng pha trộn các tạp chất như đất, đá vào mủ cao su để tăng khối lượng. Điều này đã làm cho các nhà máy chế biến gặp không ít khó khăn và có thể làm cao su Việt rớt xuống hạng “ngoại lệ” vì tạp chất.

Theo thống kê của Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ thuộc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, bình quân trong 20 tấn mủ cao su khô có 1 tấn tạp chất như đất, đá, thạch cao, rác… Tình trạng này đang gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng xấu tới chất lượng mủ cao su xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp.

Để loại bỏ các tạp chất, ngoài thiết bị loại bỏ tạp chất, hàng ngày nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ phải bố trí nhiều công nhân để trực tiếp phân loại tạp chất.

Hiện nay các doanh nghiệp đang thu mua mủ cao su tiểu điền đang gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát chất lượng mủ đầu vào. Theo tính toán, khi một nhà máy chế biến mủ cao su bị pha lẫn tạp chất sẽ bị thiệt hại nhiều tấn mủ trong sản xuất.

Thực trạng việc pha trộn chất lạ vào mủ cao su nguyên liệu khi cung cấp cho các nhà máy chế biến cao su dẫn đến chi phí tăng, tỷ lệ hao hụt lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cao su thiên nhiên, làm giảm chất lượng nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm cao su, và đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến uy tín của các doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu. Đây là thực trạng cần phải được xử lí để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thu mua sản phẩm cho người nông dân.

Trước phản ánh của một số Hội viên về việc mủ cao su bị pha trộn bột trắng lạ làm giảm chất lượng, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã nhờ Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam phân tích tìm cách phát hiện chất này để hướng dẫn các nhà máy không thu mua nguồn mủ cao su kém chất lượng.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện, chất bột này pha trộn vào mủ cao su gây giảm chất lượng mủ sau sơ chế, có thể rớt xuống đến hạng “ngoại lệ” vì hàm lượng tro cao 4-10 lần so với mủ bình thường, còn chất bẩn cao hơn 2-4 lần và chỉ số duy trì độ dẻo (PRI) giảm 10-16 đối với mủ khối.

Chất bột trắng này làm tăng độ TCS (tổng hàm lượng chất rắn) của mủ cao su nên người bán sẽ được tăng lợi nhuận từ 8 – 15%, còn nhà máy sẽ bị hao hụt lượng cao su khô sau sơ chế gây thiệt hại về tài chính đáng kể.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, đối với mủ ly tâm, bột trắng này làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm xác định hàm lượng Ma-nhê (Mg), ảnh hưởng đến chất lượng cao su ly tâm vì tăng KOH và giảm MST.


Theo Thùy Dương / Thời đại





TIN TỨC KHÁC :