Lâm nghiệp

Giá nông sản hôm nay: Nông dân liều mua giống tiêu lạ giá 115.000 đ/dây

Ngày đăng: 2017-12-17 09:15:41


Bất chấp giá tiêu trên thị trường vẫn đang giảm mạnh cho đến ngày hôm nay 17.12, nhiều hộ nông dân ở Gia Lai vẫn liều mình đặt cược số phận vào giống tiêu lạ (tiêu Srilanka), với giá đắt đỏ từ 105.000-115.000 đồng/dây tiêu ác, đắt gấp 3 lần so với giống tiêu thường...

 
 

Phá tiêu quen để trồng tiêu "lạ"

Điêu đứng vì vườn tiêu mất mùa, còn giá tiêu thì vẫn đang giảm, những năm qua nhiều hộ dân trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang chồng chất nợ nần. Nhiều hộ đã phá bỏ cây tiêu thay bằng giống cây trồng khác để vớt vát phần nào kinh tế. Trái lại một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn đặt niềm tin vào cây hồ tiêu, thay tiêu thường bằng giống tiêu mới với tên gọi tiêu Srilanka.

                    

Giống tiêu Srilanka

Được biết tiêu Srilanka có nguồn gốc từ Thái Lan, có khả năng chịu hạn, năng suất cao hơn gấp 3 lần so với tiêu thường, ngoài ra giống tiêu Srilanka này còn có khả năng chống chịu được sâu bệnh rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi, trú tại xã Diên Phú, Tp Pleiku), một trong những hộ dân đang “ấp ủ” phát triển giống tiêu mới cho biết: “Giống tiêu Srilanka này là do các anh em đi làm bên Campuchia thấy năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt nên truyền tai nhau. Tôi cũng thử nghiệm 100 trụ và thấy tiêu phát triển nhanh, kháng bệnh tốt nên tôi đã nhanh chóng phát triển lên 1.000 trụ mới”.

Theo ông Long, giống tiêu Srilanka này từ giá cả, cách chăm sóc, thu hái giống hệt tiêu Vĩnh Linh. Tuy nhiên tiêu Srilanka phát triển khá nhanh, lá to, nhánh quả dài (từ 18 - 20cm) nên cần được bón phân nhiều hơn để đảm bảo cho cây tiêu phát triển tốt. Điểm đặc biệt ở tiêu Srilanka này là năng suất. Nếu như tiêu thường phát triển tốt nhất sẽ đạt 5-7kg hạt/trụ, thì tiêu Srilanka ở các trụ bình thường đã đạt 17-18 kg hạt, sau khi trừ hao đi vẫn đạt gấp 2 lần so với tiêu thường.

                       

Bà con đã và đang mở rộng diện tích giống tiêu Srilanka

Hiện tại xã Diên Phú có trên chục hộ đang thử nghiệm giống tiêu mới này, mỗi hộ từ 100 đến 200 trụ, cùng với 1.100 trụ của ông Long.

Chỉ tay về vườn tiêu mới đang phát triển tươi tốt, ông Long phấn khởi nói: “Phát triển tốt lắm cô, ban đầu tôi thử nghiệm có 100 trụ thôi, không chăm sóc cứ bỏ đấy mà tiêu cứ thế phát triển không “đòi hỏi” phân tro hay nước nôi gì. Vì là thử nghiệm nên tôi muốn để cho cây tự phát triển xem sao. Thấy tiêu phát triển mạnh, lá to, mầm mới ra cũng gấp đôi mầm tiêu thường nên tôi quyết định phát triển thêm 1.000 trụ giống tiêu mới này hi vọng sẽ cho hiệu quả cao”.

Tiêu mới liệu có mới ?

Ông Nguyễn Đức Trọng – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX SX-TM-DV Nông nghiệp Tiêu Chư Sê, cho biết: “Về giống tiêu Srilanka thì hợp tác xã của chúng tôi chưa trồng thí điểm, nhưng bà con nông dân trên địa bàn đã trồng và họ tự nhận định năng suất vượt trội gấp 3 lần tiêu thường. Còn theo nhận định của chúng tôi, dù trước mắt tiêu Srilanka phát triển khá tốt, quả dài, lá to... nhưng đây là giống tiêu mới, lạ chưa được bất kỳ cơ quan nào nghiên cứu, đánh giá năng suất cũng như chất lượng nên chưa nên nhân rộng loại tiêu này. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con như vậy”.

                       

Ông Long (xã Diên Phú, TP. Pleiku) bên những trụ tiêu Srilanka được ông đánh giá là giống tốt, năng suất vượt trội

“Chúng tôi e ngại rằng, nếu như nhân rộng diện tích giống Srilanka, có thể sẽ khiến bà con một lần nữa vỡ mộng về cây hồ tiêu. Sắp tới chúng tôi sẽ lấy thêm một số mẫu về giống tiêu này để phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn, còn hiện tại đang khuyến cáo bà con không nên trồng”, ông Quyện cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Quyện - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cây hồ tiêu Gia Lai cho hay, trung tâm cũng đã thử nghiệm giống tiêu này. Vừa qua đã lấy một số mẫu để phân tích, đánh giá hàm lượng Piperine (Piperine là alkalonid và là thành phần hóa học của hồ tiêu). 

Theo đó tổng hàm lượng Piperin theo khối lượng trong hạt tiêu khô trung bình khoảng 4%, nhưng giống tiêu Srilanka chưa đạt đến tiêu chuẩn này. Cũng theo ông Quyện, ở Gia Lai có khoảng gần 10ha tiêu Srilanka, trong đó nhiều nhất là vườn của ông Ngô Công Đoan ở huyện Đức Cơ.

                     

Tiêu Srilanka phát triển khá mạnh, nhanh dài, quả nhiều và lá lớn hơn lá tiêu thường


Theo Trần Hiền / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :