Lâm nghiệp

Lão nông trên đỉnh núi canh khối tiền 500 tỷ giấu dưới tán rừng già

Ngày đăng: 2018-12-29 07:07:42


Cũng là nông dân, nhưng có những người được gọi “siêu nông dân trên núi”, bởi dựa vào nghề nông như hàng triệu nông dân khác nhưng họ có thể làm giàu, trở thành tỷ phú với khối tài sản lên tới vài trăm tỷ đồng hay mỗi năm lãi vài tỷ đồng là chuyện chẳng khó gì.

 

Nông dân trên núi có tài sản 500 tỷ

Làm nông nghiệp nhiều nơi nông dân vẫn còn nghèo đói, đặc biệt là nông dân tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Chính vì lẽ đó, không ít người bỏ nghề nông, bỏ quê xuống phố để làm thuê. Thế nhưng, trong năm 2018, những câu chuyện về nông dân ở các tỉnh miền núi làm giàu từ nghề nông trên chính mảnh đất quê hương mình khiến nhiều người phải thán phục.

Như câu chuyện về những hộ đồng bào dân tộc trồng sâm trên núi mà ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) chia sẻ vào hồi giữa năm là một ví dụ.

Vị lãnh đạo này cho biết, ngoài các doanh nghiệp đầu tư trồng sâm với quy mô lớn thì huyện Nam Trà My có trên 1.200 hộ và diện tích trồng sâm với khoảng 2.300 ha trên đỉnh núi.

Lão nông trên đỉnh núi canh khối tiền 500 tỷ giấu dưới tán rừng già
Nông dân trồng sâm Ngọc Linh có người trở thành đại gia với khối tài sản lên tới 500 tỷ đồng

Theo ông Bửu, sâm Ngọc Linh tươi giá dao động khoảng 80-250 triệu đồng/kg tùy loại. Có những củ sâm Ngọc Linh lớn giá đặc biệt hơn cho những người sưu tầm. Một hécta trồng sâm sau 5 năm có thể cho thu từ 70-75 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị trồng sâm lại nằm trong rừng nguyên sinh và đa số do đồng bàn dân tộc miền núi đặt trồng.

Dựa vào lợi thế có thể phát triển được cây sâm Ngọc Linh nên các hộ dân trồng sâm nơi đây có cuộc sống khá sung túc. Thậm chí, theo như lời chia sẻ của lãnh đạo huyện Nam Trà My thì có khoảng trên 50 hộ đồng bào dân tộc miền núi có tài sản từ 20 tỷ cho đến trên 500 tỷ nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

Có tài sản vài chục tỷ đến vài trăm tỷ, cuộc sống của đồng bảo miền núi đã thay da đổi thịt,... nhưng đó mới chỉ dừng lại ở câu chuyện các hộ dân bán củ sâm Ngọc Linh. Lãnh đạo huyện này cho rằng, nếu có các doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thì giá trị mang lại còn cao hơn rất nhiều việc bán sâm củ.

Lão nông trên núi làm nông nghiệp 4.0 đút túi 6 tỷ/năm

Cũng là nông dân ở một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, nhưng thay bằng hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”, ông Nguyễn Thạch Lõi ở thị trấn Nông trường Mộc Châu lại được gọi là “lão nông 4.0”. Bởi, không chỉ dựa vào lợi thế trên mảnh đất nơi mình sinh sống, ông Lỏi còn biết áp dụng máy móc hiện đại vào quá trình chăn nuôi giúp tăng năng suất, giảm chi phí.

Như ông tâm sự, ngày trước nuôi bò sữa gia đình ông đã thoát nghèo, song, 10 năm trở lại đây, ông bắt đầu sử dụng máy móc nhiều hơn. Như máy cắt cỏ, máy cày bừa, máy băm cắt cỏ, xe công nông chở hàng,... Hay trước kia, việc vắt sữa bò thường bằng tay, rồi bằng máy cá nhân rất vất vả, lại mất nhiều thời gian, nhưng giờ dàn máy vắt sữa tự động cùng lúc vắt sữa 8 con bò, sữa vắt đến đâu chảy thẳng vào tank làm lạnh 2 độ C đến đó rất nhanh, tiện, đảm bảo an toàn vệ sinh.

Lão nông trên đỉnh núi canh khối tiền 500 tỷ giấu dưới tán rừng già
Lão nông 4.0 đút túi vài tỷ đồng mỗi năm nhờ áp dụng công nghệ vào mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình

Tương tự, trước dọn phân bò xong, ông phải thuê xe chở ra đồng ủ khá tốn kém, song gần 2 năm nay, nhờ có hai dây chuyền xử lý phân tự động mà ông còn thu thêm tiền, môi trường lại sạch sẽ.

Ông Lỏi tiết lộ, giá trị đàn bò và cơ sở vật chất mà ông sở hữu hiện lên tới 30 tỷ. Lúc nào trang trại của ông cũng có khoảng 67 con bò cho sữa nên đều như vắt chanh, mỗi ngày ông thu 10 triệu đồng tiền lãi từ bán sữa bò, sau khi đã trừ hết chi phí. Một tháng ông đút túi khoảng 300 triệu đồng. Tiền phân bò ông thu về khoảng 5 triệu đồng/ngày, một tháng thu 150 triệu.

Tính ra, mỗi năm cả tiền bán sữa và bán phân, lão nông 4.0 Nguyễn Thạch Lõi thu lãi khoảng 6 tỷ đồng.

Thành tỷ phú nhờ cây đặc sản

Từng có ý định muốn thoát khỏi cảnh làm nông nên thời còn trẻ ông Lã Văn Bắc ở Vĩnh Hảo (Bắc Quang, Hà Giang) theo học một lớp về ngành luật nhưng xin việc khá khó khăn, sau chuyển làm nghề lái xe chở hàng. Thế nhưng, cuộc sống “nay đây mai đó” bấp bênh, không ổn định nên ông lại quyết định trở về làm nông, gắn bó với cây cam đặc sản của quê hương mình.

Lão nông trên đỉnh núi canh khối tiền 500 tỷ giấu dưới tán rừng già
Gia đình bà Sinh làm giàu từ cây dong đặc sản

Vừa tự mày mò học hỏi kỹ thuật trồng cam, ông vừa mở rộng diện tích vườn của mình. Những năm gần đây, thay bằng canh tác theo phương thức truyền thống, ông cũng bắt đầu chuyển dần sang mô hình trồng cam VietGap để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, cam VietGap được thị trường đón nhận, các siêu thị đặt mua rất nhiều, dễ bán hơi cam trồng theo phương thức truyền thống. Đặc biệt, giá bán cao VietGap cũng thường cao hơn từ 30-40% so với giá cam thường.

Kết quả, năm nào ông Bắc cũng thu hoạch khoảng 200-300 tấn cam. Trừ đi chi phí, gia đình ông thu về khoản lợi nhuận 3 tỷ đồng, trở thành tỷ phú nông dân trên vùng đồi núi tại quê hương mình.

Cũng từ cây đặc sản của quê hương mình sinh sống, gia đình bà Đặng Thị Sinh, người dân tộc Dao ở tiểu khu Tà Loọng (Mộc Châu, Sơn La) trở thành tấm gương tiêu biểu dám nghĩ dám làm. Từ việc phải bán củ dong riềng với giá rẻ chỉ 200 đồng/kg, gia đình bà quyết tâm thay đổi, tự đầu tư dây chuyền chế biến thành miến dong thành phẩm, đầu tư trồng 5ha dong riềng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình bà thu lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Sinh cùng chồng tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân trong vùng làm giàu. Bởi, từ khi có lò chế biến, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng củ dong, biến nơi đây thành vùng nguyên liệu rộng lớn. Bà Sinh trở thành đầu mối chính trong việc thu mua dong riềng với giá ổn định


Theo Bảo Phương / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :