Lâm nghiệp

Mỹ siết chặt nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam vì an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 2017-05-17 08:18:01


Lo ngại rủi ro về mất an toàn thực phẩm, khách hàng Mỹ đã từ chối mua hạt điều từ nhiều nhà máy chế biến điều của Việt Nam sau khi kiểm tra trực tiếp

 

Đây là ảnh hưởng củaĐạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA), có hiệu lực từ tháng 9-2016, đối với ngành điều Việt Nam được ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn (doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 thế giới sau Tập đoàn Olam), chia sẻ bên lề Hội nghị khách hàng Quốc tế ngành Điều Bình Phước 2017 tổ chức ngày 16-5 tại Bình Phước.

"Hiểu một cách nôm na, FSMA buộc nhà nhập khẩu Mỹ phải chịu trách nhiệm cuối cùng đến người tiêu dùng mà không thể đổ lỗi do đâu hay "bán cái" về nhà sản xuất như trước kia. Để bảo vệ mình, các nhà nhập khẩu tăng cường kiểm soát tại nước sản xuất, nếu nhà máy có rủi ro về mất an toàn thực phẩm thì có rẻ họ cũng không mua. 

Từ đó, các nhà máy này buộc phải giảm giá hoặc không thể bán hàng vào những thị trường khó tính giá cao mà chỉ có thể bán cho những thị trường giá rẻ, hiệu quả thấp. Ngay nhà máy của Công ty Long Sơn dù rất hiện đại vẫn còn vài chỗ bị đoàn kiểm tra Mỹ yêu cầu sửa. Sau khi chúng tôi cung cấp bằng chứng đã khắc phục xong mới được đánh giá đạt chuẩn" – ông Sơn nói.

Mỹ siết chặt nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam vì an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Ông Vũ Thái Sơn (thứ 2 từ trái sang) tìm hiểu các sản phẩm điều Bình Phước được giới thiệu tại hội nghị.

Cũng theo ông Sơn, ngoài kiểm tra ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, các nhà nhập khẩu nước ngoài còn đòi hỏi về trách nhiệm xã hội: trả lương đầy đủ cho công nhân, không tăng ca quá quy định và đặc biệt là không sử dụng lao động trẻ em... Vừa qua, một nhà máy đã mất đơn hàng vì đoàn kiểm tra phát hiện có một lao động nhỏ tuổi ở công đoạn bóc vỏ lụa hạt điều. Tuy vậy, có một thực tế là sản phẩm điều rất "đắt hàng", sản xuất ra luôn có người mua nên một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề an toàn thực phẩm.

Thống kê trong quý I/2017, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35,1% thị phần. Trong 4 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu hạt điều ước đạt 79.000 tấn, kim ngạch 735 triệu USD, giảm 13,1% về khối lượng nhưng tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2017 đạt 9.279 USD/tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Bình Phước hiện là "thủ phủ" điều của cả nước, chiếm 50% diện tích trồng với chất lượng và hương vị vượt trội. Hiện nay, Bình Phước đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho điều Bình Phước, xây dựng một số mô hình trồng điều đạt chứng nhận VietGap, Thương mại công bằng và hữu cơ.


Theo Ngọc Ánh / Người Lao động





TIN TỨC KHÁC :