Lâm nghiệp

Ngành cà phê Việt Nam hướng đến xuất khẩu 6 tỉ USD

Ngày đăng: 2017-11-15 07:20:33


Cần có 1 thế hệ mới thay thế cà phê già cỗi để trong chu kỳ 15 năm tới, Việt Nam có thể xuất khẩu được 6 tỉ USD cà phê.

 

“Ngành cà phê Việt Nam hướng đến kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này ngành cà phê phải nâng được năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng”.

Nhận định này được đưa ra tại buổi họp báo về “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I năm 2017” với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới của ngành Cà phê Việt Nam”, do UBND tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Trong 30 năm qua, ngành cà phê Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ngoạn mục. Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới chỉ đạt 1% thị phần thế giới, nhưng đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm gần 20% sản lượng của thế giới.

  Họp báo về “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I năm 2017 tại Hà Nội.

Họp báo về “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I năm 2017 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Năm 2016 ngành cà phê chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua. Trong khi đó, lượng cà phê già cần phải tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000 ha, nhưng tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra chậm chạp.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho biết, ngành cà phê phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: Giữ vững vị trí thứ 2 về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế giới; Đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan, các sản phẩm khác đưa giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 lên khoảng 6 tỉ USD.

Hiện nay, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê còn nhiều. Do vậy, ngành cà phê cần có nguồn vốn lớn và thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tăng năng suất cây trồng và chất lượng của các sản phẩm chế biến.

Ông Tự cho rằng, sau 30 năm cà phê già cỗi nên phải thay một thế hệ cà phê mới, từ đó mới nghĩ đến chuyện nâng cao giá trị gia tăng để trong chu kỳ 15 năm tới Việt Nam có thể xuất khẩu được 6 tỉ USD thay vì chỉ 3 tỉ USD như hiện nay.

“Nếu tốc độ đầu tư cho cà phê hòa tan và rang xay nhanh hơn thì thời gian đạt mục tiêu 6 tỷ USD có thể rút ngắn dưới 15 năm. Hiện nay có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam có vùng nguyên liệu phong phú và cà phê Việt Nam xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế. Mới đây, Tập đoàn Tata của Ấn Độ đã đầu tư nhà máy cà phê hòa tan sản lượng 6.000 tấn, với vốn đầu tư 60 triệu USD…”, ông Tự cho biết.

Tại buổi họp báo, Ban Tổ chức cho biết “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I năm 2017” sẽ diễn ra từ ngày 9 - 11/12 tới đây tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Trong khuôn khổ ngày hội sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức với quy mô lớn như: “Lễ khai mạc Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I”; “Hội thảo quốc tế về thời kỳ phát triển mới của ngành Cà phê Việt Nam”, với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia cà phê danh tiếng thế giới.

Ngoài ra còn có “Không gian Cà phê” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm cà phê nổi tiếng trên cả nước, khách tham quan sẽ được thưởng thức hương vị cà phê chất lượng của Việt Nam, tìm hiểu văn hóa thưởng thức cà phê các vùng miền; Tham quan mô hình sản xuất, chế biến cà phê công nghệ cao tại Lâm Đồng…

 

Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm sản, gặp gỡ giao lưu, ký kết hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam./.


Theo Việt Hà / VOV





TIN TỨC KHÁC :