Lâm nghiệp

Ngành gỗ khó phát triển vì 'mạnh ai nấy làm'

Ngày đăng: 2017-04-15 08:03:40


Các doanh nghiệp gỗ cần liên kết, tạo lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các hộ trồng rừng để có nguyên liệu ổn định và giảm rủi ro.

Sáng nay (14/4), tại TP HCM, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức “Diễn đàn kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”. Tại diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra rằng, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và “mạnh ai nấy làm” đang cản trở ngành gỗ của nước ta phát triển, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết đang là hạn chế rất lớn cho ngành chế biến gỗ. (Ảnh minh họa: KT)
Hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết đang là hạn chế rất lớn cho ngành chế biến gỗ. (Ảnh minh họa: KT)

Các đại biểu cho rằng, ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt gần 7 tỷ USD trong năm 2016 và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, ngành gỗ của nước ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực và các doanh nghiệp của Ấn Độ.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho ngành này như chính sách bảo hộ, chính sách trợ cấp, ưu đãi thuế, thủ tục hải quan... của nước ta chưa phù hợp, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một hạn chế khác của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam là năng suất lao động của ngành thấp, sử dụng máy móc thiết bị lạc hậu. Bên cạnh đó, thiếu đầu tư phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển.

Để ngành gỗ phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng, mấu chốt là phải liên kết để tạo thành chuỗi giá trị từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau và tạo lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các hộ trồng rừng để có nguyên liệu ổn định và giảm rủi ro.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội trong cơ chế, chính sách, đơn giản thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.

Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty chế biến gỗ MIFACO, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Gỗ TP HCM cho rằng, trước hết cần có sự liên kết chặt chẽ hơn, quy mô rộng rãi hơn giữa các hiệp hội, sau đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ với nhau. Cơ quan nhà nước cần thấy rõ điều này để có sự thúc đẩy, hỗ trợ liên kết này được nhanh và bền vững hơn./.


Theo Thành Trung / VOV





TIN TỨC KHÁC :