Lâm nghiệp

Ngành gỗ và bài toán nguyên liệu

Ngày đăng: 2018-01-13 07:08:01


Với các FTA có hiệu lực từ năm 2018, ngành gỗ sẽ bước vào một giai đoạn mới với nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu (XK). Cùng với cơ hội này, thách thức trong nguồn cung nguyên liệu cũng tăng lên không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng và nguồn gốc hợp pháp của gỗ.

Nhiều thị trường đã mở cửa 

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam lớn nhất các nước trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: “Dư địa phát triển ngành này còn rất lớn, khả năng để chúng ta liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị bằng việc kéo dài chu kỳ rừng để có gỗ lớn, nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến. Chiếm lĩnh được thị trường, phát triển được thị trường về số lượng là tốt, tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn là phải đảm bảo được giá trị gia tăng.”

Với nhiều FTA đã được ký kết trong thời gian qua, năm 2018 sẽ là dấu mốc để những FTA này có hiệu lực. Đặc biệt, FTA Việt Nam ký kết với EU sẽ mở ra thị trường rất lớn của 28 quốc gia. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ tác động tích cực tới ngành chế biến, XK gỗ. Để chuẩn bị cho hiệp định này, nhiều nước trong khối đã sang làm việc với ngành gỗ, triển vọng khá rộng mở.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin, dưới góc độ các doanh nghiệp (DN) chế biến, XK gỗ, trong vài năm trở lại đây, các DN cũng đã có sự chuẩn bị tốt trong đổi thay công nghệ, nguồn lao động… bảo đảm đáp ứng yêu cầu XK sang nhiều thị trường, đặc biệt là đối với thị trường EU.

Một trong những nguyên nhân tạo nên thuận lợi trong XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 còn là sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài dành cho DN Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm gỗ Việt Nam được XK tới nhiều quốc gia. Các đối tác lớn mua hàng từ DN Việt Nam vốn có nhiều kinh nghiệm về thị trường các nước trên thế giới nên đã truyền đạt lại cho DN Việt. Nội dung truyền đạt cụ thể gồm thị hiếu khách hàng, quy cách, khối lượng sản phẩm…  Thậm chí, các đối tác này còn hỗ trợ DN Việt cả về vấn đề tài chính. Ví dụ, hãng sản xuất đồ nội thất Ikea (Thụy Điển) đã hỗ trợ Công ty Woodsland và Công ty CP Lâm sản Nam Định (Nafoco) tiền để làm chứng chỉ rừng.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cũng nhận định: Tuy có nhiều thuận lợi, song các DN sản xuất đồ gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn điển hình như  việc thiếu nguyên liệu.

Ngành gỗ và bài toán nguyên liệu - Ảnh 1.

Tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ bảo đảm sự bền vững cho xuất khẩu ngành - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp

Khi kim ngạch XK tăng lên, khó khăn điển hình trong ngành gỗ chính là nguồn nguyên liệu. Số lượng nguyên liệu cần ngày càng lớn, yêu cầu nguyên liệu nhằm bảo đảm gỗ hợp pháp cũng ngày một khắt khe. Ngoài ra, năm nay các DN chế biến, XK gỗ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu, nhất là từ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, ngành chế biến, XK gỗ Trung Quốc dự kiến thiếu khoảng 60 triệu m3 gỗ. Các DN Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường thu mua, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á…, gây áp lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng, càng tạo ra tình cảnh khan hiếm nguồn cung.

Ngoài nguồn gỗ nguyên liệu, khó khăn mà hầu hết DN ngành gỗ phải đối mặt chính là vốn để đầu tư đổi thay công nghệ.  Hiện, các thiết bị công nghệ có giá khá đắt đỏ. DN chế biến, XK gỗ muốn thay đổi công nghệ ít nhất cần thời gian 5-7 năm. Trong khi đó, thời  gian ngân hàng cho các DN vay vốn lại tương đối ngắn. Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khi phải tự đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật trong bối cảnh Việt Nam thiếu những trường đào tạo tập trung.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Tôn Quyền, các DN ngành gỗ phải sử dụng tốt các hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những hỗ trợ tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các DN cả quy mô lớn lẫn quy mô nhỏ phải liên kết với nhau nhằm tận dụng những yếu tố như mặt bằng, lao động, nguồn nguyên liệu, vốn liếng,…

 

Trên thực tế, năm 2017, các DN ngành gỗ đã thử nghiệm mô hình “bắt tay” phối hợp này. Cụ thể, Nafoco đã liên kết với các DN địa phương tại tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu cũng như xưởng sơ chế của DN địa phương. Năm nay, mô hình liên kết này dự kiến sẽ được đẩy mạnh, nhân rộng thêm.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): “Với phương châm bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích... chúng tôi đề ra mục tiêu trong năm 2018, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,6%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 7,9-8,0 tỷ USD”.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề ra mục tiêu trong năm 2018 sẽ trồng mới 195.000 ha rừng và chuyển hóa 15.000 ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn. Cùng với đó sẽ khoanh nuôi tái sinh 360.000 ha, trồng cây 50 triệu cây phân tán. Khai thác gỗ rừng trồng tập trung dự kiến đạt 18 triệu m3 trong năm 2018.

Ngành lâm nghiệp cũng đang tiếp tục tái cơ cấu về liên kết chuỗi. “Trước hết là cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh, chế biến với hộ chủ rừng theo mô hình liên kết bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.


Theo Đỗ Hương / Báo Chính Phủ





TIN TỨC KHÁC :