Lâm nghiệp

Ngành hồ tiêu còn cơ hội giữ vị trí số 1: Sản xuất sạch

Ngày đăng: 2019-08-28 07:09:03


Đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù có rất ít lợi thế về thuế quan nhưng ngành hàng tiêu Việt Nam vẫn có khá nhiều thuận lợi khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 
 

Ngành tiêu vẫn còn cơ hội

Theo Bộ Công Thương, dư địa xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường CPTPP và EU còn lớn. Hiện tại, xuất khẩu của  tiêu Việt Nam sang thị trường EU và CPTPP lần lượt đạt 27% và 21%, tương ứng với vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng nhập khẩu hồ tiêu của 2 thị trường này. Trong giai đoạn 2009 - 2017, tăng trưởng nhập khẩu hồ tiêu của EU đạt 6,8%/năm, của CPTPP đạt 4,6%/năm.

nganh ho tieu con co hoi giu vi tri so 1: san xuat sach hinh anh 1

Liên kết sản xuất tiêu sạch được cho là lối mở cho ngành hồ tiêu hiện nay. Ảnh: Mô hình trồng tiêu bền vững ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).   T.L

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển và xuất khẩu sản phẩm tiêu chế biến khi mà xuất khẩu tiêu nguyên liệu thô chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu cả nước, trong khi sản phẩm tiêu xay chỉ chiếm khoảng 15%. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU và các nước CPTPP cho thấy xu hướng tăng trưởng tốt đối với sản phẩm tiêu xay, còn nhập khẩu tiêu hạt nguyên liệu lại có chiều hướng giảm mạnh.

Việt Nam cũng có thể gia tăng sức cạnh tranh tại các thị trường CPTPP và EU so với đối thủ nằm ngoài CPTPP và EVFTA nhờ hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Việc Việt Nam tham gia EVFTA và CPTPP cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường và tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hồ tiêu.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), bên cạnh cơ hội, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA.

Theo đó, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước nhập khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã nhiều lần bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu. Tiêu biểu như vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào thị trường châu Âu.

Trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1ppm, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều chỉnh mức này xuống còn 0,05ppm. Đến năm 2018, mới chỉ có 46%  lượng hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.

Trong năm 2018, EU phát đi 72 cảnh báo về an toàn thực phẩm nhập khẩu vào khu vực này từ Việt Nam. Trong đó, có 5 cảnh báo về các lô hàng hồ tiêu: 3 lô hàng bị trả về tại biên giới, 4 trong 5 số cảnh báo bị gán mác là nghiêm trọng.

Liên kết sản xuất sạch

Theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), để giữ vững và phát triển vị thế đối với ngành hàng tiêu thì các doanh nghiệp, hộ sản xuất, các nhà quản lý không được chủ quan và phải thường xuyên không ngừng đổi mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu khác của các nước nhập khẩu.

Đơn cử như tại Bình Phước, Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice đã phát triển mạng lưới sản xuất sạch lên đến 60 câu lạc bộ với hơn 1.500 hộ nông dân tham gia, diện tích hơn 2.000ha. Công ty TNHH Gia vị Nedspice Việt Nam hỗ trợ nông dân Bình Phước sản xuất theo chứng nhận, nhưng nông dân có quyền lựa chọn doanh nghiệp để bán sản phẩm nếu chính sách thu mua của công ty không hợp lý chứ không mang tính chất bắt buộc.

Nếu sản phẩm đạt loại A0 (không có dư lượng) nông dân được thưởng thêm 5.000 đồng/kg, loại A (dư lượng ở ngưỡng rất thấp, dưới mức cho phép) thưởng thêm 2.500 đồng/kg và thưởng 1.000 đồng/kg cho thành viên CLB.

Hồ tiêu của Việt Nam hiện đã có mặt trên 26 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Mỹ, Ấn Độ, Pakistan là những thị trường xuất khẩu chính.

Trong năm 2018, Công ty cổ phẩn Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (SEPONGROUP) tham gia tuần hàng nông sản Việt Nam tại chợ đầu mối Rungis của Pháp, nơi tiêu thụ hàng nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời tiếp cận, đưa được sản phẩm hồ tiêu vào hệ thống siêu thị EurarSie của nước này.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, năm 2018 ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh liên kết với các doanh nghiệp xây dựng được vùng sản xuất 100ha hồ tiêu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ và đã xuất khẩu được 20 tấn sang thị trường Mỹ, Pháp, Hà Lan... với giá bán cho công ty 78.000 đồng/kg.

“Xây dựng, phát triển vùng sản xuất, tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp và tiến tới có giải pháp hỗ trợ các hộ sản xuất để phát triển các đồn điền tiêu hữu cơ. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu là giải pháp gỡ khó cho ngành hồ tiêu hiện nay” - ông Đức nói.


Theo Khánh Nguyên / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :