Lâm nghiệp

Nông dân 'ngồi trên lửa' vì mía đang thành... củi!

Ngày đăng: 2017-03-28 06:50:43


Tại Khánh Hòa, hàng nghìn tấn mía phơi khô trắng đồng hoặc chất đầy đường vì chờ khắc phục sự cố tràn nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa (thuộc Cty CP Đường Khánh Hòa). Thực trạng này khiến người nông dân "khóc đứng khóc ngồi" vì mía đang dần thành... củi.

Ngay tại nhà máy Đường Khánh Hòa, hàng nghìn tấn mía nguyên liệu cũng... nằm im, chưa thể ép được. Thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, khoảng 1.000 tấn mía của người dân địa phương tồn đọng, phơi khô trên ruộng đã hơn 10 ngày nay.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự cố tràn nước nước thải ra đầm Thủy Triều của Nhà máy đường Khánh Hòa chưa được khắc phục. Tương tự, tại các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, một lượng mía khá lớn đã thu hoạch xong cũng chưa được đưa về Nhà máy Đường Khánh Hòa xử lý, khiến người nông dân như "ngồi trên lửa".

Các hộ trồng mía tại Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Tây… (TX. Ninh Hòa) cho biết, để giảm thiểu thiệt hại, nhiều nông hộ đã chấp nhận chịu thiệt để bán mía cho thương lái với giá từ 750-800 nghìn đồng/tấn, thiệt hại khoảng 200 nghìn đồng/tấn mía so với giá thu mua của các nhà máy trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Ông Cao Thái Thủy (trú thôn Trung, xã Ninh Tân) có 20 tấn mía vẫn chưa được đưa về Nhà máy đường Khánh Hòa, dù ông đã vận chuyển ra đường. “Toàn bộ số mía này không còn là mía nữa. Tôi đã nhiều lần hỏi cán bộ nông vụ của Cty CP Đường Khánh Hòa nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng, phải chờ nhà máy chứ họ cũng không giải quyết được. Trong khi mía của tôi đã thành củi rồi, nếu khi nhà máy nhập mía lại mà mía của gia đình tôi đã bị giảm sản lượng, mất chữ đường thì Nhà máy phải có hướng giải quyết cho gia đình tôi” - ông Thủy nói.

Như Lao Động đã đưa tin, nguyên nhân sự cố hệ thống xử lý nước thải xuất phát từ lò luyện đường của Nhà máy bị cháy, khiến hơi đưa ra nước thải làm gia tăng hàm lượng COD. Điều này khiến men vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải bị chết.

Nhà máy bổ sung men vi sinh nhưng không phục hồi được. Do Nhà máy tiếp tục hoạt động nên tối 12.3, rạng sáng 13.3 thì xảy ra sự cố nước thải đổ vào khu vực xử lý bị nghẽn, nước chảy tràn ra theo hệ thống thoát nước tự nhiên đổ ra đầm Thủy Triều. Nước thải mỗi ngày của nhà máy nếu hoạt động tối đa có thể thải ra khoảng 2.000m3 nước.

Nước thải chưa qua xử lý chưa đổ ra đầm Thủy Triều gây ô nhiễm vi sinh gấp 6-7 lần cho phép, điều này khiến cá tự nhiên chết hàng loạt. Nhiều người dân trong đêm 12 rạng sáng ngày 13.3 không biết nên lấy nước vào hồ nuôi khiến thủy sản chết chủ yếu là cá chẽm, ốc hương, tôm…

Trong khi chờ nhà máy hoạt động trở lại thì người dân vùng nguyên liệu mía như "ngồi trên lửa" vì mía cứ khô dần thành... củi.


Theo Nhiệt Băng - Thanh Thúy / Lao động





TIN TỨC KHÁC :