Lâm nghiệp

Nông dân trồng mía lỗ nặng

Ngày đăng: 2018-08-06 07:14:16


Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2017-2018, cả nước có 37 nhà máy đường (NMĐ) hoạt động, tổng diện tích mía được bao tiêu khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân 66 tấn/ha, sản lượng mía ép hơn 15 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,5 triệu tấn.

Diễn biến thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các NMĐ. Việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn dẫn đến lượng đường tồn kho lớn nhất từ trước đến nay, thời điểm tồn kho cao nhất lên đến 700.000 tấn.

Nông dân trồng mía lỗ nặng - Ảnh 1.

Giá mía giảm trong niên vụ 2017-2018 đã khiến nông dân thua lỗ

Nguyên nhân tồn kho được Hiệp hội Mía đường xác định do sản lượng tăng, thời gian vào vụ muộn và đường nhập lậu có xu hướng tăng, ước hơn 500.000 tấn. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thông tin hiện giá đường tinh luyện đã giảm khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm từ 2.800-2.900 đồng/kg so với đầu vụ. Đến nay hầu hết các nhà máy đã bán đường cát với giá bằng giá đường nhập lậu Thái Lan. Một số nhà máy đã bán thấp hơn hoặc bằng giá thành và có nguy cơ thua lỗ.

Tồn kho lớn nên các NMĐ, thương lái hạ giá thu mua mía. Theo Phòng Nông Nghiệp Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), toàn huyện có khoảng 6.300 ha trồng mía nguyên liệu cung cấp cho nhiều NMĐ khu vực ĐBSCL… Trong năm 2018, giá mía lao dốc khiến nông dân rơi vào cảnh thua lỗ. Ông Diệp Văn Tâm (ngụ Cù Lao Dung) cho biết giá mía năm nay quá thấp, cuối vụ chỉ khoảng 600 đồng/kg, ông phải bấm bụng bán cho thương lái và chịu lỗ 12 triệu đồng. Ở một số địa phương khác, NMĐ chậm thu mua mía khiến nông dân lâm vào cảnh bấp bênh. Bà Lê Thị Năm (ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, Trà Vinh) than vãn: "Tôi được một đại lý đầu tư giống, phân bón trồng 5.000 m2 mía. Khi thu hoạch, đại lý sẽ lấy một lượng mía tương ứng với tiền đầu tư, số mía còn lại tôi được hưởng. Năm nay, NMĐ Trà Vinh thu mua ì ạch, giá thấp nên tôi lỗ mấy chục triệu đồng". Trước tình hình trồng mía thua lỗ, gần đây, nông dân Cù Lao Dung đã chuyển đổi khoảng 1.000 ha diện tích trồng mía để nuôi tôm, trồng cây ăn trái và rau màu. Tại huyện Trà Cú và Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh, nông dân cũng đang chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng màu và đào ao nuôi thủy sản.

Để giải quyết đầu ra cho các NMĐ, qua đó bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trồng mía, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo ngành mía đường phải thay đổi nội tại của mình. "Đối với mặt hàng đường, cần phải giải quyết vấn đề từ gốc, tức là nâng cao sản xuất ở khâu chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm… để hạ giá thành sản phẩm, có như vậy mới cạnh tranh được với đường nhập lậu" - ông Lê Khánh Hưng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, nói.


Theo Ca Linh / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :