Lâm nghiệp

Quảng Ngãi 'xẻ thịt' rừng dừa trăm tuổi để làm dự án bột giấy

Ngày đăng: 2017-05-11 08:37:46


Rừng dừa Cà Ninh, ‘lá phổi xanh’ của khu kinh tế Dung Quất, cái nôi cách mạng của địa phương đang chuẩn bị được ‘xẻ thịt’ để phục vụ dự án bột giấy.

Trời chiều, rừng dừa nước bạt ngàn trải một màu xanh thẳm. Thấp thoáng dưới bóng dừa, người dân địa phương với chiếc thuyền nan đánh rớ, thả cá.

Cuộc mưu sinh của hơn 120 hộ dân thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu dựa vào rừng dừa nước này.

Ông Phạm Ngọc Tích (70 tuổi), người dân địa phương cho biết, tuổi thơ ông trải qua những tháng ngày mò cua, bắt cá trong khu rừng ngập mặn trước nhà đem bán lấy tiền mua gạo. Ngày ấy, những tán dừa nước đã cao quá đầu. Thi thoảng có người chèo ghe cắt lá dừa về lợp nhà.

quang ngai xe thit rung dua tram tuoi de lam du an bot giay hinh 1
Rừng dừa nước Cà Ninh là nguồn sống của hàng trăm người dân địa phương

Nửa thế kỷ trôi qua, rừng dừa chỉ rậm ra chứ không cao thêm được bao nhiêu. Để có được rừng dừa nước như ngày hôm nay phải mất cả trăm năm.

Vậy mà giờ đây, khu rừng dừa nước này có nguy cơ “xóa sổ” để phục vụ cho Dự án Nhà máy bột giấy VNT 19.

Ông Phạm Ngọc Tích lo lắng: “Ruộng đất, vùng nước ngọt rất là ít, vùng nước mặn xâm nhập vào nên không thể làm gì được, chỉ có nghề cắt lá dừa bán và nghề chài lưới. Khi thu hồi, mình biết sinh sống bằng nghề gì? Tương lai sau này con cháu nữa chứ không riêng chi mình”.

Để đáp ứng cho việc xây dựng hồ chứa nước rộng 85 ha do Công ty CP Bột- Giấy VNT 19 làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi 86ha rừng ngập mặn tại thôn Phú Long, xã Bình Phước. Trong đó, 50ha thuộc khu vực rừng dừa nước Cà Ninh, gần 9ha đất ruộng, còn lại là diện tích mặt nước.

Ông Nguyễn Quang Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước, huyện Bình Sơn cho biết, sau khi tiến hành họp dân, đa số những hộ có diện tích nằm trong vùng Dự án đều đồng tình. Đã có 7 hộ nhận tiền đền bù, với số tiền hơn 9 tỷ đồng, trên tổng số 147 hộ nằm trong vùng dự án.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, người dân phản đối vì khu vực rừng ngập mặn này gắn liền với cuộc sống của bà con.

quang ngai xe thit rung dua tram tuoi de lam du an bot giay hinh 2
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cùng lãnh đạo xã Bình Phước đối chiếu bản đồ quy hoạch dừa nước.

“Trong kháng chiến thì đây là cái nôi cách mạng. Địa phương mong muốn, chủ đầu tư khi thực hiện dự án nên để lại một phần diện tích dừa, còn lại nạo vét luồng lạch chứa nước thô”, ông Nguyễn Quang Vũ cho hay.

Bù lại diện tích dừa nước đã cấp cho Công ty CP Bột - Giấy VNT 19 xây dựng hồ chứa nước, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho triển khai dự án trồng rừng ngập mặn tại các xã: Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (của huyện Bình Sơn) với tổng diện tích hơn 45ha. Trong đó, diện tích trồng mới gần 36ha.

Ông Võ Thắm - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Bình Sơn cho biết, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri xã Bình Phước. Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao tỉnh lại thu hồi diện tích rừng dừa hàng trăm năm tuổi để trồng mới tại một địa điểm cách đó không xa.

Ông Võ Thắm cho rằng, với trách nhiệm của mình, HĐND ghi nhận, tiếp thu và có trả lời. Cấp thẩm quyền thu hồi, đền bù, xây dựng thuộc cấp tỉnh. Về nguyên tắc, thuộc lĩnh vực của huyện, ngoài việc trả lời trực tiếp tại tiếp xúc cử tri thì HĐND trả lời bằng văn bản.

“Nếu thuộc cấp tỉnh, cấp Trung ương thì chúng tôi tập hợp lại bằng văn bản gởi lên đúng thẩm quyền và các cơ quan này sẽ có văn bản trả lời”, ông Thắm trình bày.

Việc tỉnh Quảng Ngãi thu hồi phần lớn diện tích rừng ngập mặn cấp cho doanh nghiệp gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Đáng lo hơn, Công ty CP Bột - Giấy VNT 19 dự kiến lắp đặt đường ống ngầm xả thải trực tiếp ra vịnh Việt Thanh (thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn).

quang ngai xe thit rung dua tram tuoi de lam du an bot giay hinh 3
Phải mất cả trăm năm sau diện tích dừa nước trồng mới này mới trở thành rừng như hiện nay

Bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho biết, khu vực dự án thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, do đó, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo ban này.

Dự án Nhà máy bột giấy do Công ty CP Bột- Giấy VNT19 làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép đầu tư cách đây gần 6 năm, công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm. Sau đó nhà đầu tư điều chỉnh quy mô công suất giai đoạn1 lên 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt vào tháng 9/2015, vị trí xả nước thải của dự án tại vịnh Việt Thanh, cách bờ biển khoảng 500m-1.500m. Ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra khi nhà máy đi vào hoạt động và xả thải ra môi trường./.


Theo Hoài Nam/VOV-Miền Trung





TIN TỨC KHÁC :