Lâm nghiệp

Tan giấc mơ sachi!

Ngày đăng: 2016-12-29 07:25:52


Thời gian qua, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã chặt bỏ cây cà phê, cao su để trồng cây sachi. Kết cục, bà con ăn phải trái đắng

 

Trong những ngày qua, nhiều nông dân ở các huyện Đắk Đoa, Mang Yang, Phú Thiện… của tỉnh Gia Lai rất hoang mang, đứng ngồi không yên vì lỡ chặt bỏ cây cao su, cà phê để trồng sachi nhưng đến lúc thu hoạch không tiêu thụ được.

Chẳng ai mua

Vì được giới thiệu cây sachi là “vua của các loại hạt”, dễ dàng làm giàu nhờ giá cao nên gia đình ông Đinh - làng T’leo, xã K’dang, huyện Đắk Đoa - không ngần ngại phá bỏ 5 sào cà phê tươi tốt để chuyển qua trồng sachi. Sau 3 tháng trồng, vườn sachi của ông Đinh cũng cho quả. Cứ thấy quả nào đổi màu, nghĩ là chín nên ông hái về.

Công ty Hoàng Ninh Xứ Nghệ quảng bá hình ảnh trồng 1.000 ha sachi trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Công ty Hoàng Ninh Xứ Nghệ quảng bá hình ảnh trồng 1.000 ha sachi trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai

Tuy nhiên, càng thu hoạch, ông Đinh càng lo vì chẳng thấy ai tới mua. “Tôi nghe người ta nói cây này cho hạt bán giá cao lắm nên mua về trồng. Trong thôn cũng có 8 hộ trồng sachi, giờ không biết bán ra sao” - ông Đinh lo lắng.

Cũng từ tin đồn sachi là cây trồng siêu lợi nhuận, gia đình chị Amah - xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang - đã bỏ tiền để mua 1 kg hạt về trồng. Chị tự ươm trồng được 300 cây xen lẫn với vườn cà phê. Đã 7 tháng trôi qua, số cây sachi đã cho quả nhưng chị hoàn toàn không biết đến kỳ thu hoạch được chưa.

“Lúc đó, tôi chỉ nghe giá bán 1 kg hạt là 800.000 đồng, cao gấp mấy lần hạt tiêu và cà phê nên mua về trồng thử. Giờ chẳng biết thu hoạch được chưa mà cũng chẳng dám hái vì đâu có ai mua. May là tôi chưa phá vườn cà phê để trồng sachi như nhiều gia đình khác” - chị Amah thất vọng.

Dẫn chúng tôi vào một nhà dân trồng sachi, ông Vốt - trưởng thôn Brếp, xã Đắk Djrăng - cho biết trong thôn có 20 hộ trồng cây này. Nhà ông Vốt cũng trồng 60 cây sachi và đang phát triển tươi tốt. “Nông dân trồng sachi đa phần xen trong rẫy cà phê, tiêu. Có hộ phá cao su, cà phê để trồng nhưng nằm rải rác nên chưa thống kê được đầy đủ” - ông nói.

Ông Vốt cũng thừa nhận ông và người dân trồng sachi theo phong trào chứ hoàn toàn không biết kỹ thuật canh tác, chăm sóc, lúc nào thì thu hoạch, bán buôn ra sao. Hầu hết những người dân khi được hỏi đều trả lời như ông Vốt.

Xin... rút kinh nghiệm!

Theo nhiều người dân xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, cách đây mấy tháng, cán bộ xã đến từng gia đình vận động bà con tham dự hội thảo về giống cây sachi. Hội thảo do Công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ (gọi tắt là Công ty Hoàng Ninh Xứ Nghệ; địa chỉ số 1 ngõ 75, Tân Triều, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức nhằm tìm đối tác và phát triển thị trường sachi.

Theo nhiều người dân, tại các hội thảo, một người xưng tên là Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Công ty Hoàng Ninh Xứ Nghệ, ra rả quảng cáo, nào là sachi - “vua của các loạt hạt”; nào là dễ trồng, thích hợp với mọi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi hợp tác với công ty, bà con sẽ được hỗ trợ 50% chi phí (50% còn lại sẽ thu khi thu hoạch sản phẩm). Phía công ty sẽ tận tình hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc tới khi thu hoạch. Tuy nhiên, sau khi người dân trồng thì cây không phát triển hoặc thu hoạch được thì không ai mua.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư A Thai, thừa nhận sau khi được ông Linh giới thiệu về cây sachi và đề nghị mượn hội trường UBND xã để tổ chức hội thảo, đích thân ông đã đến từng gia đình vận động bà con tham gia. “Trước mặt hàng trăm bà con, ông Linh cam đoan cây sachi thích hợp với mọi điều kiện thổ nhưỡng, nhanh cho thu hoạch và thời gian khai thác kéo dài, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra… Ông Linh còn đặt một biển hiệu quảng bá hình ảnh dự án sẽ triển khai 1.000 ha sachi trên địa bàn huyện Phú Thiện” - ông Nguyên cho biết.

Vị đại diện Hội Nông dân xã này nhận lỗi chủ quan, không kiểm tra kỹ càng Công ty Hoàng Ninh Xứ Nghệ và “xin rút kinh nghiệm lần sau”.

Giẫm phải “vết xe đổ” mắc ca

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, cho biết UBND huyện đồng ý cho Công ty Hoàng Ninh Xứ Nghệ trồng khảo nghiệm sachi trên địa bàn, nếu thành công mới được phép tiến hành các thủ tục xin phép đầu tư theo quy trình. “Thực tế, ông Linh cho trồng khảo nghiệm không đúng như cam kết, sử dụng giống không rõ nguồn gốc. Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu ông Linh giữ nguyên hiện trạng vườn ươm, không được phân phối ra thị trường nhưng ông ta vẫn ngang nhiên rao bán, cung cấp cây giống cho người dân. Tôi sẽ báo cáo cho UBND huyện để có biện pháp xử lý” - ông Quý khẳng định. Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, sachi chưa có trong quy hoạch cây trồng của địa phương. Ông cho rằng khi chưa rõ thị trường thì người dân không nên phát triển ồ ạt.

Sachi là loại thực vật thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), có nguồn gốc từ vùng rừng Amazon, gồm 19 loài, phân bố chủ yếu ở Nam và Trung Mỹ. Hạt sachi chứa các omega 3, 6, 9 - chất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, cần có một đánh giá khoa học tổng thể về giống cây trồng mới này tại Việt Nam để tránh giẫm phải “vết xe đổ” cây mắc ca mới đây.


Theo Hoàng Thanh / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :