Lâm nghiệp

Tàn phá cây thuốc quý

Ngày đăng: 2017-04-10 07:15:02


Việc người dân các huyện miền núi Nghệ An vào rừng chặt phá cây thuốc quý để bán sang Trung Quốc đã đe dọa sự đa dạng của hệ sinh thái rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh

Thời gian gần đây, tại các huyện miền núi Nghệ An xuất hiện tình trạng người dân kéo nhau vào rừng khai thác cây thuốc quý bán rẻ cho thương lái.

Người dân thu gom, sơ chế cây thiên niên kiện ngay trên Quốc lộ 7A
Người dân thu gom, sơ chế cây thiên niên kiện ngay trên Quốc lộ 7A

Trên Quốc lộ (QL) 7A, đoạn qua bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, gần đây xuất hiện một số điểm thu mua cây thiên niên kiện. Tại mỗi điểm tập kết, hàng tấn cây thiên niên kiện được phơi, sơ chế ngay bên vệ đường.

Anh Quang Văn Kím, một người dân sơ chế cây thuốc ở đây, tiết lộ: “Người dân vào rừng chặt thiên niên kiện rồi bán với giá 5.400 đồng/kg cây tươi, 25.000 đồng/kg cây khô. Sau khi sơ chế, thương lái bán hàng sang Trung Quốc”. Cùng làm việc với anh Kím, ông Đặng Văn Ước cho biết do khan hàng, thương lái còn sang Lào mua thiên niên kiện rồi tập kết về đây.

Theo người dân bản địa, thiên niên kiện là loài dược liệu dùng chữa thấp khớp, đau nhức khớp, đau dạ dày. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, cho biết đây là lâm sản phụ, người dân được phép khai thác trong rừng sản xuất, rừng trồng để bán cho thương lái nên không xử lý được.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây cũng nổi lên tình trạng người dân kéo nhau vào rừng đào chặt gốc cây trà hoa vàng để bán cho thương lái với giá 5.000 đồng/gốc. Trà hoa vàng thường mọc trên các vùng gò đồi, ven khe suối ở huyện Quế Phong. Đây cũng là loại cây quý, có thể lấy gỗ hoặc làm cây cảnh, chế biến đồ uống cao cấp. Hoa của loài cây này còn có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, giải độc gan và thận, tiểu đường… với giá bán khoảng 3 triệu đồng/kg hoa khô.

Trước tình trạng người dân kéo nhau vào rừng chặt gốc cây trà hoa vàng bán cho thương lái, ngày 27-3, UBND huyện Quế Phong đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn cùng cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn; vận động nhân dân ký cam kết không được đào gốc, chặt cây trà hoa vàng và các loại cây dược liệu khác bán cho thương lái. Ông Lê Hải Lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong, cho biết sau khi lãnh đạo huyện chỉ đạo, đơn vị đã tổ chức lực lượng kiểm tra, quyết không để xảy ra nạn tàn phá cây thuốc quý, xử lý nghiêm thương lái thu mua trên địa bàn.

Ngoài các loài dược liệu trên, từ sau Tết nguyên đán đến nay, người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An còn vào rừng tìm các loại cây như cu li, ba gạc, huyết đằng, chua ke, củ ba mươi... để bán cho thương lái với giá rẻ mạt. Các loại cây dược liệu này sau khi được thương lái thu gom đều được đưa sang Trung Quốc.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cho biết việc người dân vào rừng khai thác các loại cây dược liệu đe dọa tới sự đa dạng của hệ sinh thái rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Với trách nhiệm của mình, đơn vị sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông Trần Quang Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, cũng bày tỏ lo lắng trước nạn tàn phá cây dược liệu trên địa bàn, đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương tuyên truyền rộng rãi cho dân hiểu, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên rừng.


Theo ĐỨC NGỌC / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :