Lâm nghiệp

Thế mạnh Việt Nam bất ngờ tụt dốc: 'Bệnh kinh niên' chưa dứt

Ngày đăng: 2018-04-16 07:00:59


Nguồn cung dư thừa quá nhiều, trong khi chất lượng lại không cạnh tranh nổi với các nước khiến giá một loạt mặt hàng nông xuất khẩu tỷ đô như cà phê, cao su, sắn,... giảm mạnh. Đáng chú ý, giá hồ tiêu còn giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Dư thừa, mất giá; chất lượng không ổn định, khó cạnh tranh... là căn bệnh kinh niên của nông sản Việt.

 

Nông sản xuất khẩu tỷ đô đua nhau giảm giá

Trái ngược với niềm vui của ngành gạo khi xuất khẩu vừa qua tăng mạnh cả lượng và giá, thì các mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô khác lại đang có xu hướng giảm mạnh.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cà phê xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 520 nghìn tấn và giá trị đạt 1 tỷ USD, tăng 15% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1.945 USD/tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Tương tự, xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm ước đạt 272 nghìn tấn và giá trị đạt 403 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng lại giảm tới 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá xuất khẩu giảm, bình quân 2 tháng đầu năm đạt 1.471 USD/tấn, giảm 27%. Hay như sắn và các sản phẩm cũng cùng chung đà giảm giá khi hết quý I cũng giảm 27,3% về khối lượng và giảm 4,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

nông sản việt,nông sản xuất khẩu,nông sản giảm giá
Giá nhiều loại nông sảnxuất khẩu tỷ đô đang giảm mạnh

Đáng chú ý là mặt hàng hồ tiêu - vốn được ví như “vàng đen” của Việt Nam - hết quý 1/2018 xuất khẩu chỉ đạt 203 triệu USD, giảm hơn 37% về giá trị dù lượng hàng xuất khẩu vẫn tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ NN-PTNT cho biết, giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 3.822 USD/tấn, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá xuất khẩu giảm kéo theo giá các mặt hàng nông sản này ở trong nước cũng giảm mạnh, thậm chí có mặt hàng giá giảm tới một nửa.

Thực tế, thời gian này, giá hồ tiêu tại Đắk Nông và Bình Phước đang giảm “xuyên đáy” và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến các nhà vườn trồng hồ tiêu như ngồi trên đống lửa. Giá giảm, nguồn cung tăng trong khi thị trường èo uột khách mua.

Anh Giáp Văn Hiển - một nhà vườn trồng hồ tiêu ở Bình Phước, than thở, trồng hồ tiêu hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ anh thấy giá tiêu giảm mạnh như hiện tại. Theo anh, thời điểm này năm 2014, giá tiêu tăng cao đỉnh điểm, lên mức 220.000 đồng/kg người nông dân không có để bán. Sau thời điểm ấy, diện tích trồng tiêu tăng chóng mặt và giá bắt đầu giảm dần.

“Đến nay, giá tiêu còn 60.000-68.000 đồng/kg, tức giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước”, anh Hiển nói. Vụ tiêu năm trước giá 120.000 đồng/kg, anh tích 12 tấn tiêu trong nhà. Thế nhưng, đến bây giờ giá giảm đi mất một nửa nên anh đang phân vân không biết nên bán hay giữ lại.

Bộ NN-PTNT cho biết, giá tiêu tại Đắc Lắk, Đắc Nông, Gia Lai hiện giảm chỉ còn 53.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai giảm còn 54.000 đồng/kg. Đây là các mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, so cùng kỳ năm 2017 thì chỉ bằng một nửa và bằng 1/4 giá giữa năm 2016. Tại các vùng trồng cà phê, trồng điều, cao su,... giá thu mua cũng đang có xu hướng giảm.

Chất lượng thấp, khó cạnh tranh

Lý giả về vấn đề này, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và thị trường (Bộ NN-PTNT), cho biết, một số loại nông sản cung đang vượt cầu, trong khi chất lượng thấp, khó cạnh tranh nên kéo giá xuất khẩu giảm mạnh.

Ông Công dẫn chứng, với mặt hàng cà phê, vì giá thế giới giảm tới 14% nên giá cà phê Việt Nam xuất khẩu cũng giảm theo. Thêm nữa, nguồn cung cà phê trên thế giới đang tăng mạnh do một số nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia vừa qua được mùa.

nông sản việt,nông sản xuất khẩu,nông sản giảm giá
Diện tích trồng tiêu tăng gấp 3 lần khiến nguồn cung dư thừa, giá giảm mạnh

Song, cũng phải thừa nhận rằng, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm còn liên quan đến chất lượng. Dù chúng ta có cà phê ngon nhưng một số khâu chưa tốt, đặc biệt là khâu thu hái, phơi sấy, chế biến chưa đảm bảo đạt chế độ tốt nhất nên chất lượng cà phê kém, ảnh hưởng tới giá xuất khẩu.

Trong khi đó, với mặt hàng cao su thì nguyên nhân là do các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesiam,... có lượng tương đối lớn, dẫn đến nguồn cung tăng và giá cao su Việt Nam xuất khẩu giảm tới 27%.

Riêng mặt hàng tiêu, ông Công nhận định, giá giảm “xuyên đáy” trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại là do sản xuất vượt quá quy hoạch.

“Hiện diện tích trồng tiêu đã vượt 3 lần dẫn đến nguồn ra thị trường tăng cực lớn”, ông nói. Năng suất tiêu Việt Nam tương đối cao so với cả nước, chiếm 60% thị phần, nhưng chất lượng lại không ổn định, khó cạnh tranh nên mất giá mạnh.

Theo các chuyên gia trong ngành, đa phần nông sản Việt đều xuất thô, không có thương hiệu, chất lượng lại kém hơn nên khó cạnh tranh với bạn hàng khác. Khi nguồn cung thế giới dư thừa, nông sản Việt xuất khẩu lập tức bị ảnh hưởng, điển hình là các mặt hàng nông sản tỷ đô kể trên.


Theo Bảo Phương / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :