Lâm nghiệp

Trồng mía trên cánh đồng lớn: Chi phí giảm, lãi tăng gấp đôi

Ngày đăng: 2017-07-05 07:35:54


Chi phí xây dựng cánh đồng lớn giảm hơn so với cách làm thủ công trong khi đó năng suất, chất lượng mía cao làm tăng lợi nhuận.

Đổi mới hoặc bị đào thải, đó là vấn đề đang được đặt ra cho ngành mía đường cả nước, khi mức độ cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Đặc biệt, sang năm 2018, một số cam kết giảm thuế nhập khẩu đường của nước ta với các quốc gia ASEAN, chính thức có hiệu lực, áp lực cạnh tranh càng nặng nề.

Chuẩn bị sớm cho vấn đề sẽ gặp phải, Nhà máy đường An Khê (tỉnh Gia Lai) thuộc Công ty CP mía đường Quảng Ngãi đã thành lập các cánh đồng mẫu lớn gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, đổi mới công nghệ sản xuất đường. Đến nay, những đổi mới của doanh nghiệp đã khẳng định được hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế thỏa đáng cho cả doanh nghiệp và nông dân.

trong mia tren canh dong lon chi phi giam lai tang gap doi hinh 1
Cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống tới thu hoạch đang chứng tỏ hiệu quả của mô hình trồng mía trên cánh đồng mẫu lớn.

Ông Nguyễn Minh Chúc, ở tổ 1, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã tham gia liên kết làm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây mía đến nay được 3 năm. Ông cùng 20 nông dân khác xây dựng nên cánh đồng mía khoảng 20ha. Trên diện tích này, nhóm nông dân của ông được Nhà máy đường An Khê hỗ trợ tối đa về mọi mặt. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

“Người dân tham gia cánh đồng mẫu lớn được nhà máy hỗ trợ về cơ giới hóa, phân bón cũng như thu hoạch nên có thu nhập rất tốt. 1 ha trồng múa trừ chi phí, lợi nhuận được 80 triệu đồng nên so với cây trồng khác ở vùng này hiện nay, cây mía đang là cây trồng có lợi nhuận cao nhất”, ông Chúc nói.

Sau 5 năm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, Nhà máy đường An Khê (Công ty CP mía đường Quảng Ngãi) đã đầu tư hơn 400 chiếc máy cày công suất lớn và 8 chiếc máy thu hoạch mía trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Sự đổi thay này đã biến các cánh đồng mía rộng lớn nơi đây thành một công trường, cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống tới thu hoạch. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu giống mía mới cho năng suất cao cũng được quan tâm, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất mía và hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng Đầu tư - Nguyên liệu, Nhà máy đường An Khê cho biết, chi phí xây dựng cánh đồng lớn so với bình thường đã giảm từ 15-17 triệu đồng so với cách làm thủ công. Trong khi đó, năng suất, chất lượng mía cao hơn gấp đôi nên mô hình đang chứng tỏ hiệu quả.  

Sau 4 năm triển khai, đến niên vụ mía đường 2016-2017, Nhà máy đường An Khê đã xây dựng đượng 4.000 ha cánh đồng mẫu lớn tại các huyện phía đông Gia Lai. Chính vì hiệu quả thấy rõ trên thực tế vườn cây, nên mô hình cánh đồng mẫu lớn dành cho cây mía đang được các huyện, thị xã tại tỉnh Gia Lai tích cực triển khai, với mục tiêu đạt 10.000 ha vào năm 2020.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, để tăng tính pháp lý và đồng bộ trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thành lập các hợp tác xã mía đường kiểu mới.

“Mục tiêu của địa phương muốn người dân hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích. Hợp tác xã kiểu mới với cơ chế bảo vệ sẽ đứng làm vai trò trung gian giữa nhà máy đường và người nông dân”, ông Vỹ cho biết.

Những đổi mới toàn diện mà Nhà máy đường An Khê và tỉnh tỉnh Gia Lai đang tiến hành, là sự chuẩn bị cần thiết cho ngành mía đường ở địa phương trước những sức ép to lớn của cạnh tranh quốc tế.

Với những đổi mới này, lợi ích của nông dân đã được đảm bảo hơn trước, mối lên kết nông dân-doanh nghiệp được củng cố, sản xuất mía-đường ở đây đang cho thấy sự phát triển bền vững./.


Theo Công Bắc/VOV-Tây Nguyên





TIN TỨC KHÁC :