Lâm nghiệp

Xuất khẩu dược liệu đạt 6 triệu USD mỗi năm

Ngày đăng: 2017-04-13 07:58:13


Tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam diễn ra sáng 12/4 tại Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60-80.000 tấn/năm. Khối lượng dược liệu xuất khẩu theo thống kê đạt gần 5.000 tấn, đem lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm.

Trước khi tham dự hội nghị, Thủ tướng đã đến thăm dây chuyền sản xuất cao atiso của Công ty Traphaco Sapa tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Thí dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90- 100 triệu đồng/ha/năm; cây atiso thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm.

Theo Bộ trưởng Y tế, mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý là hiện nay Việt Nam mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại  phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Chưa kể số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, nhiều loại dược liệu quý của dãy Hoàng Liên Sơn giờ chỉ tìm thấy dạng... dấu tích.

Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận hiện Việt Nam chưa biến được các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, trên thế giới, Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây thông đỏ để sản xuất thuốc trị ung thư và đưa ra thị trường từ năm 1994, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được loại thuốc này trong khi cây thông đỏ Lâm Đồng (Đà Lạt) là loại cây đặc biệt quý hiếm với hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao bậc nhất thế giới.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng việc khai thác, chế biến dược liệu còn nhiều bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó vấn đề nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa bắt kịp với nhiều nước trong khu vực cũng như còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu.

Để phát triển nền công nghiệp dược trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan suy nghĩ tìm tòi việc lập quy hoạch, đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những vùng nào về dược liệu; coi dược liệu là loại sản phẩm quốc gia hoặc chọn một số dược liệu là sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế, chính sách như sản phẩm quốc gia? Bên cạnh đó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan đề xuất những chính sách, nhất là cơ chế, giải pháp đột phá để làm rõ, thu hút đầu tư, khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi trồng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tốt nhất dược liệu góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Được biết, theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)...


Theo D.Ngân / Báo hải quan





TIN TỨC KHÁC :