Lâm nghiệp

Xuất khẩu hồ tiêu khó trở lại thời hoàng kim?

Ngày đăng: 2017-10-02 07:44:05


Là quốc gia XK hồ tiêu hàng đầu thế giới với kim ngạch XK gia tăng trong nhiều năm, tuy nhiên từ nửa cuối năm 2016 trở lại đây, XK hồ tiêu đã đảo chiều đi xuống khi giá trị XK liên tục sụt giảm.

Kiểm soát tốt diện tích trồng tiêu là giải pháp quan trọng giúp ngành hồ tiêu phát triển bền vững. Ảnh: ST.

“Tuột dốc”

Hồ tiêu từng được coi là mặt hàng “vàng đen” đem lại hàng tỷ USD mỗi năm. Suốt thời gian dài, mặt hàng này phát triển đến mức “hoàng kim” với giá trị XK tăng mạnh, hàng bán ra luôn được giá. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, “bức tranh” XK hồ tiêu không còn tươi sáng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT: 9 tháng đầu năm, khối lượng XK tiêu ước đạt 181 nghìn tấn và 966 triệu USD, tăng 23% về khối lượng nhưng giảm hơn 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý giá tiêu XK bình quân 8 tháng đầu năm chỉ đạt trên 5.377 USD/tấn, giảm tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm gồm: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan và Đức với 39,6% thị phần.

Tính riêng trong tháng 9, thị trường hồ tiêu trong nước cũng biến động giảm. So với cuối tháng 8, giá tiêu tại Gia Lai và Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2.000 đ/kg xuống còn 84.000 đ/kg và 88.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk – Đắk Nông và Đồng Nai giảm 3.000 đ/kg, hiện ở mức 85.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 4.000 đ/kg xuống 83.000 đ/kg. Nhìn chung trong 9 tháng qua, giá hồ tiêu trong nước giảm mạnh từ 35 – 40% so với cùng kỳ năm trước. Khi đề cập tới vấn đề giá, đáng chú ý phải kể tới vào khoảng tháng 5 vừa qua, giá hồ tiêu được nhận định xuống chạm đáy, thấp nhất trong vòng 5-6 năm trở lại đây. Cụ thể, giá tiêu tại các vùng nguyên liệu chính là Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai chỉ còn trong khoảng 79.000 – 81.000 đồng/kg.

Tại sao giá hồ tiêu lại sụt giảm mạnh như vậy? Câu trả lời được Bộ NN&PTTN đưa ra là do nhu cầu thị trường hạn hẹp, việc XK hồ tiêu của các DN vẫn không có tín hiệu tích cực, cộng với sự ảnh hưởng của giá hồ tiêu thế giới thấp. Tuy nhiên, đi sâu phân tích mới thấy, có hệ quả như ngày hôm nay là bởi trước đó thời gian dài, giá hồ tiêu tăng cao đem lại siêu lợi nhuận cho người trồng nên nông dân không ngừng mở rộng diện tích. Bằng chứng là, năm 2013, cả nước có khoảng 57.000 ha hồ tiêu nhưng tới nay con số này vào khoảng 126.000 ha. Không chỉ gia tăng sản xuất không theo quy hoạch, để tăng năng suất, tận dụng thời điểm giá cao, khi ứng phó với bệnh trên cây tiêu, nông dân trồng tiêu nhiều vùng đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Động thái này lại dẫn đến tình trạng, sản phẩm tiêu chứa dư lượng các hoạt chất cấm cao, bị thị trường NK cảnh báo, thậm chí từ chối nhập hàng.

Tập trung vào chất lượng

Dễ thấy, chính việc phát triển ồ ạt, chạy theo lợi nhuận mà chưa thực sự chú trọng sản xuất bền vững là những nguyên nhân cơ bản khiến cho ngành hồ tiêu phải nếm những “trái đắng”. Để phát triển ổn định, lấy lại vị thế thời “hoàng kim”, giải quyết các vấn đề trên là điều cần tính kỹ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, muốn đủ sức giữ vị thế đứng đầu thế giới về XK hồ tiêu, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT như Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đóng vai trò khá quan trọng. Mục đích của sự phối hợp này nhằm rà soát, quy hoạch lại diện tích sản xuất hồ tiêu. Cụ thể, những diện tích hồ tiêu trồng mới, không phù hợp thổ nhưỡng, phía Hiệp hội cùng cơ quan chức năng các tỉnh sẽ vận động người dân chuyển sang trồng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Một số chuyên gia đánh giá, ngoài kiểm soát diện tích, nội dung mấu chốt là nâng cao chất lượng hồ tiêu. Trước mắt muốn cải thiện chất lượng, tránh tình trạng hàng xuất đi bị trả về, các DN chế biến và XK phải sát cánh, đồng hành cùng nông dân xây dựng những vùng trồng tiêu tập trung trọng điểm như tại Bà Rịa - Vùng Tàu, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước... Khi đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, các DN mới bắt tay vào đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu cho nông dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường NK.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, từ năm 2018 tới, Bộ NN&PTNT cũng sẽ triển khai chính sách hỗ trợ nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng tiêu nhằm giúp ngành hồ tiêu từng bước phát triển vững bền. Theo đó, kinh phí hỗ trợ là hơn 30 tỷ đồng gồm chi phí trả tiền lương cho 2 nhân sự là kế toán trưởng và cán bộ kỹ thuật trong mỗi hợp tác xã trồng tiêu. Nguồn hỗ trợ này sẽ kéo dài trong 3 năm để các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tốt vai trò đại diện nông dân thực hiện chuyển giao công nghệ, hưởng ứng trồng tiêu sạch, tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết với DN, thu mua nguyên liệu tiêu của các hộ nông dân phục vụ cho chế biến và XK.  


Theo Thanh Nguyễn / Báo hải quan





TIN TỨC KHÁC :