Thủy hải sản

Kỹ thuật nuôi vỗ và cho sinh sản một số loài cá biển

Ngày đăng: 2015-11-23 10:03:26


Mùa vụ sinh sản của hầu hết các loài cá biển như cá song (cá mú), cá vược (cá chẽm), cá hồng, cá giò… thường tập trung từ tháng 4 đến tháng 9, với cá song có thể đẻ sớm hơn (từ tháng 1 – 2). Vì vậy, trong sản xuất nên tiến hành nuôi vỗ cá bố mẹ từ tháng 11 đến tháng 12 năm trước. Đây là khâu quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ thành thục, tỷ lệ cá đẻ, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống của cá con.

Kỹ thuật nuôi vỗ và cho sinh sản một số loài cá biển, Lồng nuôi vỗ cá song bố mẹ

Lồng nuôi vỗ cá song bố mẹ

 

1. Điều kiện nuôi vỗ thành thục

Có thể nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ bằng lồng trên biển, với kích thước lồng 3 x 3 x 4 m hoặc 4 x 4 x 4 m hoặc bể xi-măng với thể tích 50 – 150 m3.

– Vị trí đặt lồng: Ít sóng gió, có nguồn nước trong sạch không bị ô nhiễm, có dòng chảy nhẹ, ít sinh vật bám, độ mặn cao, ổn định.

– Bể xi-măng ở ngoài trời hoặc có mái che, phải được vệ sinh, khử trùng bằng chlorine hoặc formalin hoặc KMnO4 trước khi nuôi.

– Các yếu tố môi trường phải đảm bảo: độ mặn 28 – 32‰, nhiệt độ nước 26 – 30oC, pH 7,5 – 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan > 4 mgO2/lít, hàm lượng H2S, NO2 -, NH4 + < 0,01 mg/lít, NH3 < 0,1 mg/lít.

 

2. Chuẩn bị đàn cá bố mẹ

2.1. Nguồn cá bố mẹ

Từ đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc từ nuôi thương phẩm. Cá bố mẹ nên được chọn từ các vùng khác nhau để tránh tình trạng giao phối cận huyết, chất lượng con giống được bảo đảm.

– Đối với cá tự nhiên cần nuôi thuần dưỡng 1 đến 2 tháng, tập cho cá ăn mồi chết và khi lành các vết trầy xước mới đưa vào nuôi vỗ. Nên nuôi thuần dưỡng cá trong lồng, đầu tiên tập cho ăn tôm, cá sống, sau đó dần dần cho ăn tôm, cá, mực chết.

– Đối với cá nuôi thương phẩm có thể tuyển chọn đưa vào nuôi vỗ ngay vì cá đã quen với điều kiện nhân tạo.

2.2. Chọn cá bố mẹ nuôi vỗ thành thục

– Trước khi đưa vào nuôi vỗ, phải chọn cá khỏe mạnh, màu sắc tự nhiên, không bị xây sát, không mất nhớt, rụng vảy, sứt vây; tuổi từ 3 tuổi trở lên, cá có khối lượng trung bình: 3 – 5 kg/con. Riêng đối với cá giò: 7 – 8 kg/con, cá chẽm mõm nhọn (cá vược): 200 – 300 g/con.

Để tiện việc theo dõi và phân biệt cá đực – cái, nên đánh dấu cá bằng chíp điện tử.

2.3. Thời gian và mật độ nuôi vỗ

– Thời gian: Từ tháng 11 – 12.

– Mật độ nuôi: Đối với nuôi bằng bể xi-măng: 1 – 2 kg/3 m3 bể; đối với nuôi bằng lồng: 2 – 3 kg/m3 lồng.

3. Quản lý và chăm sóc

3.1. Thức ăn và cách cho ăn

– Thức ăn cho cá bao gồm tôm, mực, cá mối, cá sơn, cá nục… Thức ăn phải đảm bảo chất lượng và tươi.

– Cách cho ăn: Lượng thức ăn từ 3 – 5% khối lượng thân; hàng tuần nên bổ sung vitamin B, C, E vào khẩu phần ăn của cá.

Cho ăn 1 ngày/lần hoặc 2 ngày/lần tùy vào điều kiện sản xuất và sức khỏe của cá. Khi cho ăn nên gây tiếng động bằng cách vỗ vào thành bể hoặc lồng để cá tập trung một chỗ rồi mới cho ăn từ từ đến khi cá ăn no thì ngừng.

* Lưu ý: Đối với cá song, là loài chuyển đổi giới tính (thường khi cá thành thục tham gia sinh sản một vài năm, từ tuổi 3+ đến tuổi 5+, 6+ mới bắt đầu chuyển giới tính, từ cá cái thành cá đực). Vì vậy trong sản xuất nhân tạo, để rút ngắn thời gian cho đẻ, phải có biện pháp kích thích cá cái chuyển giới tính nhanh bằng cách sử dụng 17 α Methyltestosterone tiêm trực tiếp (75 mg/kg cá) 1 tháng 1 lần trong vòng 2 – 3 tháng hoặc trộn vào thức ăn (1 – 3 mg/kg cá) 2 ngày/lần.

3.2. Quản lý lồng/bể nuôi

– Đối với lồng nuôi: Định kỳ 7 – 10 ngày/lần chà rửa vệ sinh lưới lồng. Nếu có điều kiện, hàng tháng nên thay lưới lồng và giặt sạch, phơi nắng, sửa chữa để dùng lại cho các lần sau.

– Đối với bể nuôi: Định kỳ 2 – 3 ngày/lần thay nước 50 – 100%, thay càng nhiều nước càng tốt.

– Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường (độ mặn, nhiệt độ, ôxy, NH4 +, NO2), nếu môi trường thay đổi, cần có biện pháp xử lý kịp thời như di chuyển vị trí lồng, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

– Thức ăn thừa chìm xuống đáy nên vớt ra ngoài, hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong lồng hay bể nuôi.

3.3. Kiểm tra độ thành thục của cá bố mẹ

Biện pháp kiểm tra được tiến hành khi thấy cá có dấu hiệu biến đổi cơ thể như cá cái có bụng phồng to, ngừng ăn, hay các cặp cá tách đàn, bơi lội từng cặp trên mặt nước. Việc kiểm tra độ thành thục của cá bố mẹ thường được tiến hành 2 lần/1 tháng.

Gây mê cá trước khi kiểm tra bằng thuốc gây mê: Ethylenglycon monophenylether nồng độ 150 – 300‰ hoặc thuốc MS-222 nồng độ 70 – 100‰.

Thuốc gây mê được pha trong thùng nước. Đối với cá nuôi lồng nâng đáy lưới lồng lên gần mặt nước và cá nuôi bằng bể xi-măng rút nước xuống 30 – 40 cm, dùng vợt bắt cá cho vào thùng nước đã pha thuốc để gây mê. Sau 3 – 5 phút cá mê, tiến hành kiểm tra độ thành thục của cá.

– Kiểm tra cá đực: Lật ngửa cá, dùng tay vuốt nhẹ dọc theo lườn bụng cá từ trên xuống, nếu có sẹ đặc màu trắng sữa chảy ra ở lỗ huyệt, dễ tan trong nước là cá đã thành thục.

– Kiểm tra cá cái: Lật ngửa cá, dùng ống nhựa mềm polyethylene cannula đường kính 1 – 2 mm, đưa vào lỗ huyệt (sau hậu môn) của cá 5 – 7 cm, hút nhẹ sau đó lấy ra cho trứng vào cốc thủy tinh quan sát. Nếu trứng rời, tròn đều, màu vàng rơm, đường kính đạt 0,4 – 0,5 mm (cá giò 0,7 – 0,8 mm) là cá đã thành thục.

Sau khi kiểm tra độ thành thục của cá, nếu cá đã thành thục thì tiến hành đưa cá vào bể đẻ cho đẻ.

 

Từ khóa: kỹ thuật nuôi cá biển sinh sản, phương pháp nuôi cá biền sinh sản, hướng dẫn nuôi cá biển sinh sản, các giống cá biển






TIN TỨC KHÁC :