Thủy hải sản

Kỹ thuật nuôi xen canh tôm cua cá

Ngày đăng: 2015-12-17 00:07:37


Mô hình nuôi xen canh tôm cua cá đã tạo sự cân bằng sinh thái, hạn chế sự ô nhiễm, phì dưỡng trong quá trình nuôi tôm tạo, giảm dịch bệnh, tăng sản lượng thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng ổn định, bền vững. Sau đây là một số lưu ý kỹ thuật để áp dụng thành công mô hình này.

 

 

Cải tạo vùng nuôi tôm: 

Trồng cây chịu mặn (mắm, bần, đước…) trong vùng triều (vùng nuôi tôm): trước bờ ao, vùng cạn của mương nước thải, vùng bãi bồi của ao….

Chuẩn bị ao nuôi: 

Tháo cạn nước đáy ao, nạo vét mùn bã hữu cơ ra khỏi ao nuôi, tu sửa lại những nơi xung yếu, lấp hết những lỗ mội để tránh thất thóat nước, thẩm lậu. Gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống phía trong ao. Rắc vôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh, cải tạo pH đáy. Bón vôi lần 1 kết hợp phơi nắng (lượng vôi 700-1.000kg/ha).  Cày lật đáy, bón vôi lần 2 kết hợp phơi nắng đáy ao (lượng vôi 700-1.000kg/ha), tùy giá trị pH đáy ta bón với liều lượng khác nhau. San bằng nền đáy.

Chuẩn bị nước: 

Theo dõi kết quả quan trắc môi trường, chọn đợt nước tốt lấy nước vào ao qua lưới lọc được làm bằng vải ka tê hay vải thun. Chiều dài: 10-15 m, miệng túi bằng miệng cống. Lấy liên tục cho đủ nước 1,2 m, đóng cống không cho nước thẩm lậu. Dùng thuốc diệt tạp (saponin) để khử các loại cá ăn thịt và các lòai cạnh tranh thức ăn với tôm theo tỷ lệ 50kg/ha (vào ngày nắng), 100kg/ha (vào ngày nhiều mây) . Tùy thuộc vào độ mặn của ao nuôi mà ta sử dụng với liều lượng khác nhau : Độ mặn > 20%o, liều dùng 30-60kg/ha, Độ mặn <  20%o, liều dùng 45-75 kg/ha. Bón phân bò, phân gà khô  (300kg/ha) và phân urê (8kg/ha). Khi màu nước xanh nâu hoặc màu lá chuối non ta lấy túi phân ra khỏi ao. Môi trường đạt yêu cầu Độ kiềm : > 80ppm, Oxy hòa tan : > 4ppm, NH3 : < 0,1 ppm, Nhiệt độ nước : 28-32oc, PH nước : 7,5-8,5, Độ trong : 35-45 cm, Độ mặn : > 10%o tiến hành thả giống.

Chuẩn bị con giống: 

Trong ao nuôi, ngoài đối tượng chính mang lại nguồn lợi kinh tế, ta thả thêm một số đối tượng khác để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, hoặc chất thải của đối tượng chính nhằm tạo cân bằng môi trường đem lại hiệu quả cao gọi là nuôi xen canh. Thông qua những đối tượng nuôi xen có các đặc điểm sống thích hợp trong vùng nuôi tôm, không ăn tôm, cá ăn mùn bả hữu cơ. Mục đích của việc nuôi xen canh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu dịch bệnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng nuôi. 

Tôm giống:

Khi nuôi ghép với cá, giống tôm sú cần đạt cỡ giống 3-5cm. Tùy theo điều kiện ao đìa, khả năng đầu tư chúng ta có thể thả giống 5-10con/m2. Nên lấy postlarvae đã được kiểm dịch MBV và WSSV về ương trong giai khoảng 20 ngày để đạt cỡ giống. Kích thước giai : 5m x 20m x 1,5m; mật độ ương : 500-1.000 post 15/m2. Giai đặt trong ao nuôi. Thả giống lúc nhiệt độ thấp (7-10 giờ sáng). Ưu điểm ương trong giai là dễ quản lý, chăm sóc cho ăn, tính được tỉ lệ sống, chất lượng giống, qua đó lọc bỏ tôm yếu giúp tạo đàn giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, khi đưa ra môi trường ao nuôi sẽ phát triển tốt.

Cua giống:

Nên thả cua giống được sản xuất nhân tạo, khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, từ 1,5 cm trở lên. Thời điểm thả cua tránh mùa nắng nóng, mật độ 0,2con/m2. Ta có thể tận dụng giai ương tôm để ương cua bột, trong giai đặt các bó chà làm giá thể cho cua trú ẩn, mật độ cua bột thả trong giai là 50 con/m2.

Cá giống: 

Cỡ cá từ 15-20g/con, mật độ thả ghép 0,05-0,1con/m2. Chú ý: Ương thả tôm trước khi thả cá từ 10-15 ngày. Có thể nuôi cá trong  5-7 % diện tích ao nuôi ở trung tâm được làm thành lồng lưới hình tròn hay vuông, hoặc chắn ở góc ao nuôi, gồm 2 lớp lưới, cố định lưới bằng khung tre (mắt lưới ngoài 1-2 mm, lưới trong 10-15 mm), sau 50-60 ngày nuôi tháo bỏ lớp lưới ngoài. (đảm bảo tôm không vào trong lồng và cá không ra ngoài lồng) . Tùy vào môi trường ao nuôi mà ta lựa chọn loài cá để nuôi ghép: Với ao có độ mặn > 20%o thả cá rô phi đỏ, rô phi đen, cá chua (cá măng). Vùng có độ mặn < 20%o ta thả cá rô phi đơn tính. Nên thuần hóa độ mặn cho cá trước khi thả. Một số điểm cần lưu  ý: cá chua là loài sống rộng muối, ăn tạp, trong tự nhiên cá ăn phiêu sinh thực vật, mùn bả hữu cơ, thảm thực vật đáy (rong đáy), trong ao nuôi sử dụng tốt thức ăn chế biến. Cá rô phi: Ăn tạp, sống rộng muối. Trong tự  nhiên ăn động thực vật phù du và mùn bã hữu cơ. là loài có khả năng sinh sản của chúng trong ao rất lớn, vì thế nuôi xen canh trong ao tôm cần chú ý. Cá rô phi đỏ (Cá điêu hồng) sống và phát triển được ở độ muối 0-25%o. Cá rô phi vằn đơn tính dòng GIFT có khả năng sống, phát triển tốt ở độ muối 0-20%o và không có khả năng sinh sản.

Chăm sóc quản lý: 

Chế độ cho ăn: Chỉ cho ăn đối tượng chính là tôm sú, cho ăn 2-4 lần/ngày tùy theo mật độ thả. Khẩu phần cho ăn từ 2-5% trọng lượng thân (thức ăn viên). Nên cho ăn tập trung chủ yếu vào ban đêm để tránh tình trạng cá tranh ăn thức ăn của tôm.

Chế độ thay nước: Sau khi thả tôm khoảng 1 tháng tuổi, bắt đầu thay nước. Tùy thuộc vào con nước, có thể thay 2-4 lần/con nước.

Hằng ngày vào sáng sớm, kiểm tra sức khỏe tôm. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước, tốc độ phát triển của tôm, cua, cá để có những biện pháp tích cực kịp thời nhằm đem lại hiệu quả cao cho vụ nuôi.

Thu hoạch:

Sau thời gian 3 tháng nuôi có thể thu hoạch. Lúc này cá có thể đạt trọng lượng từ 100-200g/con, cua khoảng 250g/con và tôm sú thương phẩm 20-30g/con. Sản lượng đạt trung bình 1,3 tấn/ha.

 

 

 

Tag: kỹ thuật nuôi xen ghép tôm cua và cá, hướng dẫn cách nuôi xen canh tôm cua cá, quy trình cách nuôi xen canh tôm cua cá, mô hình nuôi xen canh tôm cua cá, cung cấp cá giống, cung cấp con giống


Theo Nguyễn Ngọc Tú / Hiệp hội nuôi cá KH





TIN TỨC KHÁC :