Thủy hải sản

Những điều cần lưu ý khi nuôi tôm nước lợ vụ Đông ở miền Bắc

Ngày đăng: 2018-11-07 08:01:06


Trong những năm gần đây, tại miền Bắc phát triển mạnh hình thức nuôi tôm nước lợ vụ đông với tỷ lệ nuôi ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế chiếm 5,8% tổng diện tích thả nuôi, cao gấp 3,8 lần so với tỷ lệ diện tích nuôi tôm vụ 3 của cả nước.

 

Trước hết, phải khẳng định, nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn về kinh tế, hiệu quả gấp 1,5 – 2 lần nuôi chính vụ và thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy nhiên, đây là vụ nuôi khó do tính rủi ro cao vì thời tiết, dịch bệnh, chi phí đầu tư cao (khoảng 500 triệu đồng/ha), thời gian nuôi dài hơn chính vụ khoảng 1,5  lần.

Năm 2016 - 2017 vừa qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã xây dựng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm vụ thu - đông ở các tỉnh miền Bắc cho kết quả rất khả quan, năng suất các mô hình dao động từ 12,3 – 15,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt được từ 820 triệu đồng - 1.890 triệu đồng/ha/vụ. Mặc dù tôm thẻ chân trắng là loài dễ nuôi, tỷ lệ sống cao,… và được nuôi rộng rãi hiện nay, song, đây cũng là loài rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường. Điểm đặc biệt là khi tôm bị sốc không nổi đầu mà chết đáy nên người nuôi thường không kịp trở tay. Do vậy, có thể nói nuôi tôm vụ đông ở khu vực miền Bắc là rất khó bởi nhiệt độ xuống thấp hơn ngưỡng độ thích hợp (25-300 C) của tôm thẻ. Vì thế, biện pháp hữu hiệu nhất để nuôi tôm thẻ vụ đông đạt hiệu quả là nuôi trong nhà bạt. Dưới đây là những điều cần lưu ý để vụ nuôi được thành công.

1. Cải tạo và chuẩn bị ao nuôi

Cải tạo và chuẩn bị ao nuôi: Ao có diện tích thích hợp nhất từ 2.000 - 3.000 m2, độ sâu từ 1,5-1,8 m, được lót bạt, có hệ thống cấp thoát nước, ao lắng,… hoàn chỉnh. Trước khi nuôi, cần có biện pháp cải tạo tốt như: vệ sinh hoặc tháo dỡ lớp bạt cũ rồi bón vôi với liều 15-17 kg/100 m3, phơi đáy từ 5-7 ngày,… sau đó cấp nước vào ao khoảng 1,2-1,4 m.

- Xây dựng và chuẩn bị nhà bạt: Sử dụng cột bê tông từ 5-6 m để làm trụ đỡ, tiếp theo chăng dây cáp bọc nhựa để tạo khung, đồng thời tạo cửa ra vào thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý. Có thể xây nhà bạt, hình chóp nón hoặc nhà 2 mái, sau cùng phủ một tấm bạt mỏng lên để tránh bị chăng dây đè cáp,…

- Xử lý nước và gây màu: Có thể sử dụng phân vô cơ NPK, DAP hoặc cám gạo, bột đậu nành, bột cá nấu chín,… trộn với men bánh mì ủ chua bón liên tục từ 3-5 ngày đến khi nước có màu đạt yêu cầu. Ngoài ra, bà con có thể bổ sung thêm các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để tạo môi trường nuôi tốt hơn, cân bằng tảo và tạo nguồn thức ăn tự nhiên khi thả tôm.

Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tó môi trường đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp

2. Chọn giống và thả nuôi

Khi nước trong ao có màu xanh nõn chuối hoặc nâu, độ trong từ 30-40 cm và tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường đều đạt ngưỡng thích hợp (Oxy > 4mg/l, pH: 7.5-8.5, kiềm: 80-120 mg/l,…) thì tiến hành thả giống. Tôm giống khỏe mạnh, không dị tật, có xuất xứ rõ ràng. Với tôm giống cỡ 12 PL- 15PL bà con có thể thả nuôi với mật độ 120-150 con/m2.

Thời gian thả nuôi tốt nhất là khoảng đầu tháng 9. Thời điểm thả thích hợp nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thả lúc nắng nóng hoặc có mưa. Trước khi thả cần ngâm túi giống trong ao nuôi khoảng 15-20 phút.

3. Chăm sóc và quản lý

- Chăm sóc: Sử dụng thức ăn công nghiệp và cho tôm ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời bổ sung thêm các Vitamin C, hoặc các khoáng chất cần thiết,… để giúp tôm tăng cường sức đề kháng, khả năng chống chịu và khỏe mạnh. Nên sử dụng nhá khi cho ăn để quản lý lượng thức ăn. Khi thời tiết có sự thay đổi hoặc tình trạng tôm nuôi bị biến động cần điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.

- Quản lý: Bố trí các dàn quạt trong ao là điều cần thiết để cung cấp đủ oxy hòa tan. Do nuôi tôm trong nhà bạt sẽ có lượng oxy khuyếch tán từ không khí ít hơn so với nuôi tôm ngoài trời nên cần sử dụng quạt nước trong ngày nhiều hơn. Cụ thể: 

+ Với tôm nuôi trong 2 tháng đầu: Thời gian quạt nước là 6-8 giờ/ngày, bắt đầu từ 22h-6h sáng.

+ Với tôm nuôi từ tháng thứ 3 trở đi: Thời gian quạt nước là 15 giờ/ngày, bắt đầu từ 16h-7h sáng.

Bên cạnh đó, cần tiến hành đo các yếu tố môi trường 2 lần/ngày vào lúc 6h và 14h để phát hiện các chỉ số môi trường biến động, nếu vượt ngưỡng thích hợp cần điều chỉnh ngay. Có thể bổ sung các chế phẩm sinh học để ổn định các yếu tố môi trường nuôi.

- Phòng trị bệnh: Có thể nói nuôi tôm thẻ vụ đông thật sự là một thách thức lớn về dịch bệnh, do vậy cần đặc biệt lưu ý đến việc phòng và trị bệnh như sau:

+ Khi đi vào nhà bạt, người nuôi cần phải đi ủng và lội qua thùng dung dịch thuốc tím (KMnO4) để khử trùng. Cần phải có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.

+ Cho tôm ăn đầy đủ, bổ sung các khoáng chất và vitamin cần thiết để tăng sức đề kháng.

+ Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và đảm bảo luôn nằm trong ngưỡng thích hợp.

+ Khi ao nuôi có dấu hiệu bất thường cần báo với các chuyên gia hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp phòng trị kịp thời.


Theo Bản tin KNVN số 3/2018





TIN TỨC KHÁC :