Thủy hải sản

Quản lý chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa

Ngày đăng: 2016-07-05 04:21:05


Khi nuôi tôm trong mùa mưa, người nuôi tôm sẽ gặp rất nhiều thách thức chẳng hạn như nhiệt độ, độ mặn, pH và oxy hòa tan trong ao đều bị giảm đột ngột. Các yếu tố khác cũng liên tục biến động gây bất lợi cho hoạt động sống của tôm nuôi như ao nuôi có nhiều chất lơ lửng, nước ao bị đục do có nhiều hạt sét và chất phù sa lơ lửng. Để hạn chế rủi ro bà con nuôi tôm cần quan tâm một số vấn đề sau:

 

1. Công tác chuẩn bị ao đầm nuôi tôm

Phải có ao lắng, xử lý nước; không nuôi tôm với mực nước trong ao quá cạn. Đối với nuôi tôm công nghiệp, nếu có điều kiện nên dự trữ nước trong ao lắng để sẵn sàng thay nước khi cần.

Đối với những vùng đất nhiễm phèn, mưa lớn là nguyên nhân gây nên tình trạng xì phèn từ đáy ao và rửa trôi phèn từ bờ khi ao được phơi khô trong thời gian dài. Do đó ao cần phải được bón vôi và rửa kỹ một vài lần cho tới khi pH nước khoảng 7. Sau đó cần sử dụng vôi và phân bón để cải tạo ao nâng pH.

Quản lý chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa

       Phơi khô đáy ao trong lúc cải tạo

 

2. Thả tôm giống 

Vào mùa mưa, độ mặn tất cả các vùng nuôi đều giảm thấp. Ở những vùng nuôi tôm nằm sâu trong nội đồng thường có độ mặn thấp hơn những vùng nuôi ven biển. Người nuôi cần phải xác định độ mặn trước khi thả giống để có biện pháp thuần hóa thích hợp. Nếu độ mặn ao nuôi quá thấp khoảng 4‰, tôm giống nên được ương trong ao đất ở độ mặn 5-6‰ trước khi thả nuôi nhằm đảm bảo giảm hao hụt.

Nước mưa có tính acid (pH thấp) và quá trình mưa làm trôi rửa các chất cặn bã từ trên bờ xuống ao là nguyên nhân gây chết tôm mới thả nuôi với tỷ lệ khá cao do tôm còn yếu và chưa thích nghi với môi trường. Thường hay xảy ra mưa vào buổi trưa, chiều. Vì vậy cần thả tôm nuôi vào buổi sáng sớm có thể tránh được tình trạng này. Thường xuyên bón vôi CaCO3 đều đặn trên bờ ao sẽ hạn chế tôm chết.

Nuôi tôm trong mùa mưa không nên thả nuôi với mật độ cao vì môi trường luôn biến động gây bất lợi cho tôm nuôi, người nuôi tôm rất khó kiểm soát được sức khỏe tôm nuôi. Đối với nuôi tôm công nghiệp, chỉ thả nuôi với mật độ 15-20con/m2 đối với tôm sú và 50-60con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Tôm giống cần phải được xét nghiệm đảm bảo chất lượng.

 

3. Quản lý sức khỏe tôm nuôi

Thường xuyên kiểm tra hoạt động, hình dáng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, kiểm tra đường ruột của tôm, tình trạng bắt mồi của tôm,… để kịp thời phát hiện và xử lý. Cần chú ý đến một số hiện tượng sau đây:

- Tôm nổi đầu sau khi mưa: Sau những cơn mưa lớn, tôm thường nổi đầu bơi trên mặt nước do phèn rửa trôi từ bờ ao làm giảm pH nước vì vậy làm tăng tính độc của khí H2S tích tụ ở đáy ao. Để khắc phục tình trạng này cần phải tháo bỏ phần nước ở đáy ao, sau đó sử dụng vôi hòa nước tạt đều khắp ao với liều lượng từ 10-15kg/1.000m2, có thể sử dụng nhiều lần cho đến khi pH nước được nâng lên trên 7,5. Đồng thời kiểm tra và giảm bớt lượng thức ăn cho tới khi nào tôm hoạt động trở lại bình thường.

- Mềm vỏ: Trong những vùng đất phèn, kiềm và độ mặn thấp (kiềm khoảng 50ppm và độ mặn khoảng 5‰), tôm có thể bị mềm vỏ, khó lột xác do mất cân bằng về khoáng chất. Nên bón bổ sung vôi CaCO3 hoặc dolomite với liều lượng 10-15kg/1.000m2, có thể định kỳ 1-2 ngày 1 lần cho đến khi độ kiềm tăng khoảng 80ppm và pH khoảng 7.5.

- Mang tôm chuyển sang màu hồng, hồng đỏ: Có thể do hàm lượng NH3 hoặc pH trong nước vượt mức cho phép, hoặc do hàm lượng oxy hòa tan thấp, ngoài ra cũng có thể bị nhiễm các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus. Khi mang tôm chuyển sang màu đen có thể do nấm ký sinh, thiếu vitamin C, hoặc do lượng chất hữu cơ ở đáy ao cao. Khi mang màu vàng có thể do chất hữu cơ lơ lửng cao (xác tảo tàn, chất hữu cơ hòa tan, thức ăn thừa) hay do ao nuôi có hiện tượng xì phèn,…

- Cơ thể tôm sú chuyển sang màu xanh đen: Kiểm tra thấy tôm có hiện tượng còi cọc thì có thể tôm bị nhiễm virus MBV.

 

4. Quản lý các yếu tố môi trường nước

Các yếu tố môi trường biến động sẽ gây bất lợi cho hoạt động sống và sức khỏe của tôm nuôi. Cần chú trọng đến một số yếu tố sau đây:

- pH: Trong ao nuôi luôn duy trì pH trong ngưỡng thích hợp từ 7,5-8,5. Để hạn chế giảm pH trong ao nuôi khi trời mưa cần rải vôi xung quanh bờ ao trước khi trời mưa (rải khô) khoảng 10kg/100m2. Sau khi mưa, nên hoà tan vôi tạt xuống ao khoảng 10-15kg/1.000m2 để duy trì pH thích hợp cho tôm nuôi.

- Độ kiềm: Độ kiềm thích hợp cho tôm nuôi là 80-120ppm. Khi độ kiềm thấp hơn 80ppm, người nuôi tôm cần điều chỉnh tăng lên bằng cách ngâm vôi dolomite vào nước ngọt 24h sau đó tạt đều xuống ao vào lúc khoảng 10 giờ đêm. Liều lượng từ 10-15kg/1.000m3. Có thể bón liên tục nhiều ngày cho đến khi độ kiềm khoảng 80ppm.

- Độ trong: Độ trong thích hợp cho tôm nuôi trong khoảng 30-35cm. Vào mùa mưa, do cường độ ánh sáng thấp và sự thay đổi nhanh chóng độ kiềm và CO2của nước ao sau cơn mưa lớn làm mật độ tảo trong ao giảm đột ngột, độ trong tăng cao. Do vậy ao nuôi cần được bón phân hoặc các loại chế phẩm gây màu, nên sử dụng hỗn hợp mật đường + cám gạo + bột đậu nành theo tỷ lệ 3:1:3 ủ trong 12 giờ, với liều lượng 2-3kg/1.000m3 nước; kết hợp với bón vôi vôi CaCO3 hoặc dolomite với liều lượng 10-15kg/1.000m3 hàng ngày cho đến khi độ trong của nước ao thích hợp.

- Độ mặn: Mưa lớn làm độ mặn giảm đột ngột ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của tôm nuôi. Tôm bị sốc và dễ cảm nhiễm với mầm bệnh, khó lột xác. Sau mỗi cơn mưa lớn kéo dài cần tháo bỏ lớp nước bề mặt, sau đó chạy quạt để tránh hiện tượng phân tầng, kết hợp với bón vôi và khoáng, ổn định độ kiềm giúp tôm dễ lột xác.

- Độ đục: Độ đục của nước ao chủ yếu là do phiêu sinh vật, các hạt sét và các chất hữu cơ hòa tan gây ra. Độ đục ảnh hưởng đến cường độ quang hợp của tảo làm thiếu oxy trong ao, các hạt lơ lửng bám vào làm cho mang tôm bị sưng hoặc vàng mang gây cản trở cho hô hấp ở tôm nuôi. Khi độ đục của nước ao trong khoảng từ 20-30cm, nên thay bớt nước trong ao, ngưng mở quạt nước vào buổi chiều. Dùng CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng từ 10-15kg/1.000m3 để lắng bớt bùn và các hạt lơ lửng.

Quản lý khí độc NH3, H2S, NO2

Khí độc được hình thành chủ yếu từ quá trình phân huỷ thức ăn dư thừa; xác phiêu sinh động, thực vật; chất thải của tôm,…Nó tăng dần lên trong ao nuôi vào những tháng cuối vụ, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên sức khỏe của tôm nuôi, làm cho tôm nuôi dễ mẫn cảm với mầm bệnh. Để hạn chế khí độc trong ao nuôi cần điều chỉnh thức ăn phù hợp, tránh dư thừa; nên có ao xử lý để thay nước vào cuối vụ; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học; tăng cường hệ thống máy quạt nước. Dấu hiệu tôm nhiễm khí độc thường dễ nhận thấy là thân tôm thường có màu đỏ nhạt, mềm vỏ, bơi lờ đờ trên mặt nước, giảm ăn. Nếu bệnh nặng có thể tấp vào bờ, chết rải rác đến hàng loạt. Biện pháp khắc phục hiệu quả trước tiên là thay nước; sử dụng chế phẩm sinh học với liều cao, kết hợp với xử lý yucca; tăng cường thêm vitamine C và khoáng chất vào thức ăn, bổ sung thêm vôi và khoáng chất trực tiếp vào trong môi trường nước ao nuôi.

 

5. Quản lý thức ăn ao nuôi tôm

Sau những cơn mưa lớn hoặc khi thấy trời âm u sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn khoảng 20-30% so với bình thường, bởi sau mưa môi trường nước biến động làm tôm giảm ăn, thường xuyên kiểm tra nhá (dụng cụ xác định độ trong của nước) để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Thức ăn dư thừa sẽ làm môi trường ô nhiễm, phát sinh nhiều khí độc, tảo lục phát triển mạnh, pH nước ao dao động, tôm dễ bị đen mang và đóng rong. Để bảo đảm sức đề kháng cho tôm, phòng ngừa dịch bệnh, hàng ngày nên bổ sung vào thức ăn các loại men tiêu hóa, premix, vitamin C và các chất dinh dưỡng bổ sung.

Nuôi tôm trong mùa mưa sẽ gặp nhiều khó khăn do môi trường luôn biến động, vì vậy đòi hỏi người nuôi tôm cần quan tâm chăm sóc chu đáo theo đúng quy trình, nhằm phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra, giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao./.


Theo ThS. Nguyễn Văn Trung, Chi cục NTTS Cà Mau





TIN TỨC KHÁC :