Thủy hải sản

Kiếm vài triệu/ngày nhờ cho tôm, cua, sò huyết ở chung 1 ao

Ngày đăng: 2017-10-27 08:09:39


Vào vụ, các thành viên Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm 2-9 , ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) kiếm vài triệu mỗi ngày nhờ mô hình cho tôm, cua, sò huyết ở chung 1 ao nuôi.

 
 

Khâu thả giống khắc khe

Đó chính là thành quả của các nông dân trong tổ hợp tác (THT) nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau).

Được biết THT thành lập năm 2009, ban đầu chưa đến 10 thành viên. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến nay đã có 18 thành viên tham gia, với hơn 30ha đất sản xuất mô hình kết hợp tôm - cua - sò huyết. Đến nay, THT không còn hộ nghèo, cận nghèo, các thành viên đều có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang.

kiem vai trieu/ngay nho cho tom, cua, so huyet o chung 1 ao hinh anh 1

Nông dân thu hoạch cua bán cho thương lái (Ảnh: La Nguyen).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Phổi - Tổ trưởng THT cho hay: Trước năm 2009 nhiều hộ dân xung quanh cũng đã biết đến mô hình nuôi cua trong vuông tôm, tuy nhiên còn làm theo kiểu truyền thống, chưa quan tâm nhiều đến kỹ thuật nuôi nên hiệu quả chưa cao. Từ khi tham gia vào THT, tình hình sản xuất của bà con đã có bước tiến rõ rệt.

Nói về cách thả giống cua, ông Phổi cho biết: Trước khi đi bắt cua giống, chúng tôi đem theo một ít nước trong vuông tôm của mình, đến cơ sở bán giống thì bỏ cua vào nước đó để thử, sau khoảng 15 phút, nếu cua còn sống khỏe thì mới bắt về. 

kiem vai trieu/ngay nho cho tom, cua, so huyet o chung 1 ao hinh anh 2

Thành viên THT luôn tuân thủ cách thả giống khắc khe, cách chăm sóc đặc biệt để mang đến năng suất cao (Ảnh: La Nguyen).

Cũng theo ông Phổi, khi bắt cua về nhà thì phải chuẩn bị lưới mành, thiết kế một khu gièo cua trong vuông. Khu vực gièo phải làm kín để các loài thủy sản khác không vào ăn cua, đồng thời rải một lớp cỏ khô dưới lưới mành để cua trú ngụ. Cua giống được gièo trong vòng khoảng 5 ngày thì mới bung vào vuông nuôi đại trà. Trong quá trình gièo, nông dân cho cua ăn bằng cá đã được luộc, nghiền nhỏ thịt.

“Cách gièo cua như vậy giúp con cua không bị sốc khi sống trong vuông tôm, có sức sống mạnh hơn. Đặc biệt, giúp người nuôi kiểm soát được tỷ lệ sống sót và thành công ở cả vụ cua. Nếu mua cua giống về thả bừa vào vuông tôm, đến lúc thu hoạch cứ đinh ninh rằng có cua để bán nhưng cuối cùng không bán được gì thì tiền đâu để chi xài trong gia đình” - ông Phổi bộc bạch.

Thu tiền triệu mỗi ngày

Theo các nông dân trong THT, thời gian đầu mới cải tạo vuông để thả cua thì năng suất rất cao, có hộ thu hơn chục triệu/ngày từ tiền bán cua. Sau nhiều năm sản xuất tôm - cua trong vuông, đất cũng bạc màu, ít dinh dưỡng nên họ quyết định thả thêm sò huyết, mỗi năm chỉ thả 2 vụ cua ở lúc giá cao.

Ông Nguyễn Văn Diện, thành viên THT, chia sẻ: Với việc thả nuôi kết kết thêm sò huyết, tuy không thả cua nhiều như những năm trước nhưng nhờ sản xuất có kế hoạch, nên lượng cua thu về mỗi vụ cũng không nhỏ. Đến lứa thu hoạch, mỗi ngày kiếm vài triệu đồng từ tiền bán cua cũng không khó. Cua sau khi thả nuôi từ 3,5-4 tháng là đến lứa thu hoạch, mình sẽ canh thời gian phù hợp để thả sò huyết giống vào vuông, tránh đế chúng triệt tiêu nhau.

kiem vai trieu/ngay nho cho tom, cua, so huyet o chung 1 ao hinh anh 3

Khi đến vụ thu hoạch cua, mỗi hộ thu vài triệu đồng/ngày (Ảnh: La Nguyen).

Nói về kỹ thuật chăm sóc cua trong vuông tôm, ông Diện cho hay: Ngoài tuân thủ khâu chọn giống khắc khe, các tổ viên ở đây còn chú ý bổ sung thức ăn cho cua. Đặc tính của cua là ăn tạp, tuy nhiên trong vuông tôm rộng lớn, cua khó bắt được mồi. Chính vì vậy, mình phải khai thác cá hoặc ốc rồi bằm nhỏ thả xuống cho cua ăn. Cách làm này đã giúp cua mau lớn, cho năng suất cao. Ngoài ra còn phải chú ý đến môi trường nước, để tránh bị hao hụt.

Nói về việc thả sò huyết xuống vuông tôm, nhiều tổ viên cho rằng, sò huyết là loài rất hợp với vùng đất ở đây, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, về lâu dài họ vẫn giữ con cua trong vuông tôm, mỗi năm thả đều đặn 2 vụ, và ai nấy cũng đồng lòng như thế. Tổng thu nhập từ mô hình tôm - cua - sò huyết mỗi năm trung bình khoảng 170.000-180.000 đồng/ha.

Bà con ở địa phương khẳng định, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm, cua đang là phao cứu sinh giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Trước đây, các thành viên của THT phần lớn trước đây là diện hộ nghèo, nhờ sự hỗ trợ lần nhau giữa các thành viên, THT ngày càng đi lên. Hiện THT có nguồn quỹ hơn 100 triệu đồng, là nguồn hỗ trợ kịp thời cho những hộ có nhu cầu vốn; ngoài ra mỗi tháng THT họp 2 lần để trao đổi kinh nghiệm, khó khăn lẫn nhau.

Ông Đoàn Văn Chính - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Cái Nước, nhận định: Trên địa bàn có rất nhiều THT nuôi tôm - cua kết hợp, tuy nhiên phải nói rằng THT nuôi cua thương phẩm 2/9 làm ăn có hiệu quả nhất. Hiệu quả đó là nhờ sự đồng lòng, đoàn kết của các thành viên, từ đó thu nhập của nông dân luôn ổn định, bền vững. Cách sản xuất có kế hoạch và đầu tư bài bản của THT là điển hình cho nhiều nông dân khác đang sản xuất mô hình tương tự học hỏi.


Theo Chúc Ly / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :