Thủy hải sản

Lén lút bán kháng sinh cấm cho người chăn nuôi

Ngày đăng: 2017-01-14 07:24:37


Các công ty nhập khẩu và bán trái phép trực tiếp đến các hộ nuôi trồng thủy sản. Theo đó, tình trạng sử dụng kháng sinh cấm diễn ra tràn lan và ngày càng phức tạp trong thời thời gian qua. Hậu quả, sản phẩm thủy sản xuất khẩu liên tục nhận được cảnh báo từ các thị trường Úc, Nhật Bản, EU…

Theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tại Hội thảo quản lý và sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững vào ngày 12/1, kết quả giám sát trong 11 tháng năm 2016 đã phát hiện 31 mẫu thủy hải sản (chiếm 1,14%) chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng vượt mức giới hạn.

Đáng chú ý, trong năm 2016 có tới 40 lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã nhận cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm từ Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… do phát hiện kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đều xuất phát từ công đoạn nuôi trồng, do các hộ không tuân thủ đúng quy định về thời gian và ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch. Đặc biệt là loại kháng sinh Enrofoxacin dù đã bị cấm sử dụng xong những hộ nuôi trồng thuỷ sản vẫn lén lút sử dụng trái phép. 
 

Lén lút bán kháng sinh cấm cho người chăn nuôi

Nhiều lô sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU, Nhật Bản… bị cảnh báo do dùng kháng sinh cấm và có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng (ảnh Nhân dân)

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho hay, các loại kháng sinh thông thường thường bán qua kênh trung gian, nhưng với kháng sinh cấm, các công ty được Cục thú y cấp phép mua kháng sinh của các công ty nhập khẩu và bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho nuôi trồng thủy sản.

“Ngoài ra, trong quá trình thanh tra còn phát hiện các công ty nhập khẩu kháng sinh dưới dạng thức ăn chăn nuôi và bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông Dũng nói.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết trong tổng số hơn 6,7 ngàn sản phẩm thuốc thú y trong nước, có hơn 4,6 ngàn sản phẩm có chứa kháng sinh.  Trong khi đó, các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ chăn nuôi lại chủ yếu dùng kháng sinh theo kinh nghiệm khiến các loại kháng sinh được dùng không đúng cách, không đúng liều… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của vật nuôi và con người.

Trong năm 2016, Cục này đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin 3 tháng nhằm tránh lạm dụng kháng sinh này trong nuôi trồng thủy sản. Cục cũng đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3-12 tháng với 6 công ty có hành vì bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, ông Thành cho hay.

Theo các chuyên gia trong ngành y tế, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách, không đúng mục đích và chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra "thảm họa" kháng kháng sinh. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.


Theo B.H / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :