Thủy hải sản

Sản xuất, xuất khẩu cá tra phải theo nhu cầu thị trường

Ngày đăng: 2016-12-07 06:37:10


Thay vì nghiên cứu thị trường rồi sản xuất và bán sản phẩm theo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp cá tra trong nước lại sản xuất và bán sản phẩm họ đang có. Đây là điểm yếu của ngành cá tra Việt Nam trong việc khai thác thị trường xuất khẩu.

Sản xuất và xuất khẩu cá tra phải trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Nhận định trên được một số nhà chuyên môn và doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo “Nhu cầu thị trường - quan điểm của khách hàng và các nhà bán lẻ châu Âu” được tổ chức hôm nay 6-12, tại Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Xuân Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), cho rằng trước giờ doanh nghiệp chỉ sản xuất cái họ muốn, chứ không phải cái thị trường muốn. Theo ông Thịnh, Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đang thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long phải đặt mục tiêu làm thay đổi quan điểm của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, làm ra những sản phẩm có giá trị, sát nhu cầu thị trường EU hơn là chỉ tập trung phát triển số lượng và bán sản phẩm thô.

Vậy câu hỏi được đặt ra là nhu cầu thị trường đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, mà cụ thể ở đây là mặt hàng cá tra tiêu thụ ở thị trường EU, ra sao?

Ông Axel Hein, chuyên gia của Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Áo, cho biết thông qua cách đặt câu hỏi tại một hội thảo “Hội đồng sáng tạo” được thực hiện tại Áo đối với một nhóm khách hàng trẻ xem họ khi nghĩ tới cá tra là họ nghĩ tới cái gì? “Và kết quả cho thấy họ nói đây là cá nước ngọt, rẻ nhất, được nuôi với số lượng cực lớn hàng năm, đặc biệt cá này không có xương (đã được phi-lê), có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau và có thể tìm mua được trong các tủ đông tại các siêu thị”, ông Hein cho biết.

Theo ông Axel Hein, do đặc điểm cá không xương, nên có thể đưa thành phần cá tra vào các loại thức ăn dành cho trẻ con, thay vì sử dụng các thành phần khác không phải là cá tra để chế biến như hiện nay. Ngoài ra, có thể làm ra các món như chiên áp chảo cá tra với nhiều loại nước sốt lên bề mặt; cá tra viên vị bạc hà hay các loại cá tra dạng đóng gói…

Theo ông Axel Hein, ở trên là những gợi ý sản phẩm doanh nghiệp có thể phát triển và bán ở thị trường EU. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, doanh nghiệp cá tra Việt Nam hầu như chỉ cung cấp mỗi sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh sang EU.

Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm mới, để phát triển cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh tại thị trường EU, theo vị chuyên gia đến từ WWF tại Áo nên tăng cường công tác truyền thông thông qua kênh YouTube để giới thiệu các thông tin về phương pháp nuôi, cách thức chế biến hoặc mời những đầu bếp nổi tiếng để họ chế biến các món ăn từ cá tra, giới thiệu cá tra để thuyết phục người tiêu dùng EU…

Ông Axel Hein, cũng cho rằng cần phải cải tiến bao bì sản phẩm, chuyển từ bao bì nhựa sang giấy; những thông tin đưa lên bao bì người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc và phải chính xác; phải cải thiện mức thu hút trên bao bì; bổ sung các công thức chế biến thức ăn trên bao bì…

Trong khi đó, ông Robert Herman, Giám đốc điều hành Công ty Yuu’n Mee (Áo) khuyên các doanh nghiệp phải xây dựng và tạo được sản phẩm cá tra có chất lượng tuyệt hảo, bởi như vậy cá tra Việt Nam mới có thể tiếp cận được các nhóm đối tượng khách hàng ở đẳng cấp cao hơn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, theo ông Robert Harman, chuyện quan trọng nhất doanh nghiệp cần làm là phải tuân thủ tuyệt đối các tiêu chí, yêu cầu của thị trường đặt ra.

Mục tiêu 50% doanh nghiệp đạt chứng nhận ASC

Theo ông Axel Hein, sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản, một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập năm 2009 bởi WWF và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm) là một trong những loại sản phẩm được ưu tiên tiêu thụ nhất tại EU. Vì vậy, mục tiêu của dự án SUPA là phấn đấu đến khi kết thúc dự án (tháng 3-2017) có ít nhất 50% doanh nghiệp chế biến cá tra vừa và nhỏ đạt được chứng nhận ASC.

Được biết, hiện nay chỉ có khoảng 35 trang trại cá tra của doanh nghiệp được cấp chứng nhận ASC, chiếm khoảng 16,3% tổng số doanh nghiệp sản xuất cá tra Việt Nam.

 


Theo Trung Chánh / TBKTSG





TIN TỨC KHÁC :