Thủy hải sản

Thủy sản đặt mục tiêu chinh phục xuất khẩu tôm 10 tỉ USD

Ngày đăng: 2017-03-04 09:12:01


Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, và kỳ vọng đạt mục tiêu doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch hành động cũng như Đề án về phát triển ngành công nghiệp tôm để chinh phục mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD vào năm 2025.

thuy san dat muc tieu chinh phuc xuat khau tom 10 ti usd hinh 1
Việt Nam kỳ vọng đạt mục tiêu 10 tỉ USD doanh thu xuất khẩu tôm vào năm 2025 (Ảnh minh họa: KT)

Sản xuất và xuất khẩu tôm liên tục phát triển trong nhiều năm qua đã tạo vị thế đáng kể trong ngành tôm toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia.

Với sản lượng từ 600.000 - 650.000 tấn một năm; dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng 300.000 tấn một năm và luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Tôm Việt Nam là một trong số không nhiều các mặt hàng đã xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, lớn thứ 3 ở thị trường Mỹ và thứ 4 trong khối Liên minh Châu Âu…

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), so với quốc gia xuất khẩu tôm như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia Ecuador, Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có sản lượng vừa xuất khẩu tôm thẻ và tôm sú.

Đặc biệt trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của các loại tôm có kích cỡ lớn thì tôm sú của Việt Nam lại đang có ưu thế về chế biến để gia tăng giá trị được tiêu thụ bởi 7 tỉ người trên toàn cầu.

Ông Trương Đình Hòe cho hay, ngoài nguồn tự nhiên, tôm thẻ và tôm hùm đã nuôi được với giá thành rẻ hơn. Điều này góp phần tăng và chủ động nguồn cung cũng như tạo tăng trưởng về tiêu dùng để gia tăng giá trị đối với các sản phẩm tôm của Việt Nam.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến trong quý 1 năm nay ngành sẽ xây dựng Kế hoạch hành động về phát triển ngành công nghiệp tôm để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lấy ý kiến của các chuyên gia và Bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ. Ngoài tôm sú và tôm thẻ chân trắng, sẽ bổ sung thêm tôm hùm và tôm càng xanh, bởi những giống tôm này cũng chiếm tỷ trọng lớn tuy nhiên chưa phát triển ổn định và đưa vào xuất khẩu để tính toán kim ngạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD về tôm vào năm 2025, ngành sẽ tập trung đột phá về khoa học công nghệ, đặc biệt là khâu giống cũng như chủ động về sản xuất thức ăn trong nước và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và chủ động ứng phó với xu thế bảo hộ thị trường của các nước hiện nay, nhất là những rào cản về kỹ thuật.

Để đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị ngành thủy sản cần thay đổi tư duy cũ theo cách phải có ngân sách đầu tư mới làm được bằng tư duy trong điều kiện ngân sách hạn chế nhưng vẫn làm được. Ngay trong năm 2017 ngành thủy sản sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp trên cơ sở xây dựng Kế hoạch hành động và Đề án phát triển ngành công nghiệp tôm.

Ngành tôm Việt Nam đón năm mới trong tin vui khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “xông đất” chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm ngày 6 tháng 2 vừa qua bàn giải pháp và nâng tầm vị thế tôm Việt. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển sản xuất tôm hơn nữa cũng như có nhiều kinh nghiệm, nhiều mô hình tốt để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu tôm phải thành ngành chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ sẽ có kết luận, phân tích đầy đủ để ủng hộ kế hoạch này./


Theo Minh Long/VOV-Trung tâm Tin





TIN TỨC KHÁC :