Thủy hải sản

Tính kế bền vững cho cá tra: Luẩn quẩn nuôi - bỏ, bỏ - nuôi

Ngày đăng: 2017-04-11 06:45:55


Bài học treo ao vì nợ nần vẫn còn hiển hiện nên trước thông tin giá cá tra liên tục tăng, nông dân phải đặc biệt cẩn trọng, tránh đổ xô nuôi lại theo phong trào tự phát.

 

Việc cá tra tăng giá khiến nhiều nông dân ở ĐBSCL dự định mở rộng diện tích nuôi trở lại được các chuyên gia lo nhiều hơn mừng. Lo vì bao năm nay, hễ giá cá tăng thì nông dân đổ xô nuôi còn thất bát họ lại treo ao, nợ nần.

Từ nuôi bè đến nuôi ao

Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL có từ trước năm 1975 nhưng mang tính tự phát, nhỏ lẻ, theo kiểu tăng gia sản xuất. Đến năm 1997, một nông dân ở huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang là ông Tám Châu đã khởi xướng phong trào nuôi cá tra trên bè.

Thời điểm đó, một số ngư dân Campuchia ở biển Hồ rao bán những bè cá tra với giá rẻ. Ông Tám Châu nghe tin, sang đó mua lại rồi kéo về ngã ba sông Châu Đốc nuôi. 100 tấn cá nguyên liệu đầu tiên được ông nuôi bè vỗ béo cho lãi 5.000-6.000 đồng/kg. Thấy việc làm ăn của ông Tám Châu ngày một sung túc nên khoảng 100 hộ dân khác cũng đầu tư đóng bè nuôi cá tra. Trong vòng 7 năm sau đó, từ 1998 đến 2004, tại ngã ba sông Châu Đốc có khoảng 2.500 chiếc bè cá tra mọc lên. Đến năm 2006, số bè tăng vọt lên 4.600 chiếc.

Diện tích nuôi cá tra trong ao ở ĐBSCL bị thu hẹp sau giai đoạn khó khăn vừa qua

Diện tích nuôi cá tra trong ao ở ĐBSCL bị thu hẹp sau giai đoạn khó khăn vừa qua

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), chính là người cuối cùng đóng bè cá thứ 4.600 trước khi ngành chức năng ở tỉnh có lệnh cấm đóng mới. Ông Nguyễn Hữu Nguyên nhớ lại: “Thấy lợi nhuận từ nghề nuôi cá bè quá cao nên ở khắp nơi, từ dân thường đến cán bộ, công chức, ai cũng không ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng bè nuôi cá”.

Đến năm 2003, Chi cục Thủy sản An Giang nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá tra trong ao, vừa tiết kiệm chi phí vừa cho năng suất cao (bình quân 2,7 kg cá nguyên liệu nuôi ao cho 1 kg thịt phi lê, trong khi nuôi bè cần 3,3 kg cá nguyên liệu). Mô hình nuôi cá ao nhanh chóng được áp dụng đại trà. Một số vườn cây ăn trái sum sê ở cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt và Cồn Sơn , quận Bình Thủy, TP Cần Thơ lần lượt bị hạ gục để nhường chỗ cho con cá tra. Những bãi đất hoang sơ ngày nào liên tục tăng giá, từ 15 triệu đồng lên 70 triệu đồng/công (1.000 m2).

Đến năm 2010, cá tra nuôi bè gần như bị xóa sổ, nhường chỗ cho cá tra nuôi ao. Thời điểm này, ước toàn khu vực ĐBSCL thả nuôi 5.500-6.000 ha mặt nước với tổng sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn cá tra nguyên liệu/năm.

Từ chỗ một vài nhà máy ban đầu, cả trăm nhà máy chế biến thủy sản thi nhau mở ra. Chỉ riêng tỉnh An Giang đã có 17 doanh nghiệp (DN) với 21 nhà máy chế biến thủy sản. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, ngày càng xuất hiện nhiều đại gia thủy sản, sắm biệt thự, mua xe hơi hạng sang, xài tiền như nước...

Chạy theo phong trào và trả giá

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, cho biết giai đoạn từ năm 2000 đến 2003 được xem là thời vàng son của cá tra vì cá bán tới đâu tiêu thụ hết tới đó, lãi cầm chắc 4.000-5.000 đồng/kg. Mỗi kỳ thu hoạch, hộ nào nuôi ít cũng lãi khoảng 1 tỉ đồng. Phong trào nuôi cá ao phát triển mạnh đến mức tràn lan, không theo quy hoạch gì cả.

Nhưng cũng kể từ đó, do phát triển quá mức vùng nguyên liệu nên con cá tra bị tắc đầu ra, giá tuột dốc. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA), cho biết 2008 là năm khủng hoảng thừa tồi tệ nhất đối với cá tra. Bình quân mỗi ngày, cả khu vực ĐBSCL dư thừa khoảng 7.400 tấn cá. Theo ông Bình, hậu quả để lại từ việc nuôi cá tra theo phong trào là từ năm 2010 đến 2016, hàng loạt người phá sản, treo ao vì lỗ kéo dài. Riêng ở huyện Châu Phú, từ chỗ 600 hộ nuôi cá tra nay chỉ còn khoảng 20 hộ.

Cũng như nhiều nông dân khác, ông Lê Văn Sền (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) từ chỗ ăn nên làm ra giờ đã trắng tay. Ông Sền ký hợp đồng bán 120 tấn cá trị giá 1,4 tỉ đồng với một DN thủy sản ở Kiên Giang nhưng sau khi thanh toán 200 triệu đồng, DN này vỡ nợ. “Tôi đã bán gần hết đất để trả nợ mà vẫn chưa xong. Phần lãi 190 triệu đồng đến nay cũng không biết lấy đâu ra để trả dứt cho ngân hàng” - ông than thở.

Hai ao nuôi cá tra của ông Nguyễn Hữu Nguyên đang được san lấp để trồng cây ăn trái

Hai ao nuôi cá tra của ông Nguyễn Hữu Nguyên đang được san lấp để trồng cây ăn trái

Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng một trong những sai lầm lớn nhất trong giai đoạn khủng hoảng cá tra vừa qua là việc bơm tiền hỗ trợ DN xây dựng vùng nguyên liệu. Trong tình cảnh xuất khẩu biến động, làm ăn khó khăn, DN cũng chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt cho mình. Hệ quả là khi DN có vốn đầu tư vùng nguyên liệu và đạt được 70% nhu cầu chế biến thì họ quay lưng với nông dân. Vì cá không tiêu thụ được, giá cả thấp, lỗ kéo dài nên nông dân buộc phải treo ao, bán đất đai trả nợ.

“Bài học con cá tra đang hiển hiện trước mắt. Vì thế, trước thông tin giá cá tra liên tục tăng, thiếu nguồn hàng tiêu thụ, nông dân phải đặc biệt cẩn trọng để tránh một lần nữa rơi vào vòng luẩn quẩn, nổi chìm theo con cá này” - ông Nguyên cảnh báo.

Đại gia như... cá mắc lưới

Từ năm 2005, làng bè Châu Đốc, Thốt Nốt... xuất hiện nhiều đại gia cá tra, cá basa... Tuy nhiên, sau giai đoạn suy thoái vừa qua của cá tra, hàng loạt đại gia đã vỡ nợ, liên tục để xảy ra khiếu kiện của nông dân.

Xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú được xem là “thủ phủ cá tra”. Song, nhiều tỉ phú ở đây đã bán sạch diện tích đất được tích cóp từ thời vàng son của cá tra để trả nợ. Một đại gia bi đát nhất mà ông Nguyễn Hữu Nguyên hay nhắc tới là ông Lê Văn S. Do thua lỗ kéo dài cùng với việc bị đối tác quỵt nợ, các con của ông S. lần lượt bỏ xứ đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Ông S. thì ngày ngày ra đồng hái rau muống, bông súng đắp đổi qua ngày...


Theo Nốt Nốt / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :